|
Phối cảnh cầu vượt đường Nguyễn Văn Cừ. |
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đang triển khai xây thêm 6 cầu vượt bộ hành trong năm nay, mỗi công trình có kinh phí 4-11 tỷ đồng.
Cầu được làm tại Quốc lộ 1 (trước trường ĐH Kinh tế - Luật, Thủ Đức); hai cầu trên đường Điện Biên Phủ (trước trường ĐH HUTECH, Bình Thạnh); đường Hoàng Minh Giám (trước Công viên Gia Định, Gò Vấp); đường Nguyễn Văn Cừ (trước trường THPT Lê Hồng Phong, quận 5), đường Quang Trung (trước Bệnh viện Gò Vấp).
Trước đó, Sở GTVT đưa vào sử dụng cầu vượt bộ hành tại Bệnh viện Bình Dân trên đường Điện Biên Phủ (quận 3), được đánh giá góp phần đảm bảo an toàn giao thông và giảm ùn tắc ở khu vực này.
TP.HCM hiện có hơn chục cầu vượt bộ hành rải khắp nơi: Cống Quỳnh (trước Bệnh viện Từ Dũ, quận 1), Nơ Trang Long (Bệnh viện Ung Bướu), Văn Thánh (Bình Thạnh), Suối Tiên (Thủ Đức), Nguyễn Trãi (quận 5), Hoàng Văn Thụ (Phú Nhuận) và một số cầu vượt khác trên Đại lộ Phạm Văn Đồng và Đông Tây (Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ)...
Tuy nhiên, chỉ một số cầu được sử dụng đúng mục đích và mang lại hiệu quả, số còn lại rất ít người đi hoặc bị hàng rong chiếm cứ, xả rác.
|
Phối cảnh cầu vượt đường Hoàng Minh Giám. |
Các chuyên gia giao thông cho rằng, nguyên nhân cầu bộ hành bị bỏ hoang là người Việt Nam chưa có thói quen đi bộ, ý thức chấp hành luật giao thông kém; muốn nhanh và tiện nên băng thẳng qua đường "không việc gì phải tốn thời gian lên và xuống cầu vượt".
Trong khi đó, theo thống kê của Ban an toàn giao thông TP.HCM, mỗi năm có đến 100 người tử vong do đi bộ không đúng phần đường quy định.
Theo VNE