Vụ cậu bé sống 700 đêm cô quạnh giữa mộ bia: Mẹ của Lộc đã về!

Thứ hai, 11/12/2017, 11:06
Câu chuyện của cậu bé 9 tuổi Trần Quốc Lộc, một mình tự sống hơn 700 đêm cô quạnh trong ngôi nhà trống hoác, giữa mộ bia mà Thanh Niên phản ánh đã chạm vào trái tim nhiều độc giả. Tin vui hơn khi sau nhiều tháng vào Nam làm việc, mẹ em đã về nhà… với con.

Bà Trần Thị Nhàn (bía trái), mẹ của Lộc, đã về với em.

Nhận được thông tin, sáng sớm 10.12, PV báo Thanh Niên đã tức tốc ra thôn Hà Trung (xã Gio Châu, H.Gio Linh, Quảng Trị) nơi Lộc đang cư ngụ để xác minh. Cùng đi với PV là ông Hồ Văn Thanh (Chủ tịch UBND xã Gio Châu) và chị Trần Thị Hưng (Chủ tịch Hội phụ nữ xã Gio Châu).

“Tui là người mẹ chả ra gì”

Vẫn là căn nhà bé tẹo, chưa có cửa ngõ gì, không có thứ vật dụng gì đắt tiền nằm giữa mộ bia, nhưng hôm nay nơi đó bỗng có tiếng người, thay vì sự im lặng thường ngày của Lộc. Bởi bà Trần Thị Nhàn (40 tuổi), mẹ của Lộc, vừa từ TP.HCM về.

Gương mặt khắc khổ của bà Trần Thị Nhàn.

Bà Nhàn một người phụ nữ có bề ngoài khắc khổ, già trước tuổi, qua giao tiếp cũng như một số thông tin do chính quyền cũng cấp bà có bệnh tâm thần nhẹ.

"Có hôm ở trong Sài Gòn, điện thoại ra gặp thằng Lộc, nghe nó nói 'Mẹ về đi chớ con ở nhà một mình ban đêm con sợ ma và sợ bắt cóc lắm mà tim gan tui như lộn hết ra ngoài” Bà Trần Thị Nhàn

Phân bua lý do về việc trở về với con sau nhiều tháng biền biệt, bà Nhàn nói là do có người thân điện vào báo mấy hôm nay có rất nhiều người đến nhà quay phim, chụp ảnh thằng Lộc nên bà về xem có chuyện gì. Ngoài ra, cũng dăm ngày nữa là đến ngày giỗ của cha bà, tức ông ngoại của Lộc.

Cũng theo trần tình của người phụ nữ này thì đúng là bà bỏ Lộc từ khi 7 tuổi ở nhà cùng người anh trai. Nhưng anh trai Lộc cũng nghe bạn bè rủ rê nên cũng đi khắp nơi, từ ra Bắc hái chè đến lên Tây Nguyên hái cà phê, rồi lên rừng chặt gỗ nên thành ra Lộc phải ở một mình.

“Tui vào TP.HCM làm việc trong 1 nhà hàng, công việc chính chỉ là nhặt rau, rửa bát. Lương mỗi tháng là 3 triệu đồng, cũng có gửi về cho Lộc. Nhưng mấy tháng nay tui đau ốm quá, nên gửi về chẳng được bao nhiêu, chỉ vài trăm mỗi tháng”, bà Nhàn nói.

Bà Nhàn nhận mình là người mẹ chẳng ra gì khi để con lăn lóc giữa đời nhưng phân bua cũng vì cảnh nghèo mà nên.
Khi chúng tôi hỏi: “Lương chừng đó sao không ở quê kiếm việc gì mà làm để gần con cái?”, bà Nhàn đáp: “Tui ri, ở đây ai thuê?”.
Người viết lại hỏi: “Chị nghĩ sao khi để cháu Lộc lăn lóc 1 mình như vậy? Người ta nói chị là người mẹ vô tâm, chị nghĩ sao?”.
Khó nhận Lộc làm con nuôi
Từ sau khi báo đăng, đã có rất nhiều cá nhân, tổ chức liên hệ với báo Thanh Niên và cá nhân người viết bày tỏ ý định nhận Lộc làm con nuôi, tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên, ông Hồ Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Gio Châu cho biết để nhận Lộc làm con nuôi là không đơn giản, thậm chí nếu cố làm đôi khi lại chưa đảm bảo tính pháp lý. “Ở đây, Lộc không phải là trẻ mồ côi, Lộc có mẹ, có anh, chỉ mỗi tội là mẹ và anh đi biền biệt để Lộc lăn lóc giữa đời một mình mà thôi. Nay, mẹ Lộc đã về, với vai trò là chính quyền địa phương, chúng tôi sẽ giúp đỡ và động viên mẹ Lộc ở hẳn với em mà không đi làm ăn xa nữa”, ông Thanh nói.
Đến lúc này thì bà Nhàn nói như chực khóc: “Tui là người mẹ chả ra gì. Do sức khỏe tui yếu, không kiếm ra tiền, túng bấn quá mới làm thế chứ ai muốn. Có hôm ở trong Sài Gòn, điện thoại ra gặp thằng Lộc, nghe nó nói “Mẹ về đi chơ con ở nhà một mình chắc ban đêm con sợ ma và sợ bắt cóc lắm” (mẹ về đi chứ con ở ban đêm một mình sợ ma và sợ bắt cóc), mà tim gan tui như lộn hết ra ngoài”.
“Đêm nay em đã có mẹ”
Còn với Lộc, cậu bé có vẻ ngoài nhút nhát đến tội nghiệp, chẳng quan tâm nhiều đến thế. Cậu tỏ ra vui vẻ hẳn lên vì lý do đơn giản rằng: “Đêm nay em đã có mẹ”.
Do không có người lớn cạnh bên chỉ dạy nên cảm giác như Lộc có chút vấn đề về giao tiếp.
Em ít nói và nếu nói cũng không diễn đạt được hết ý của mình. Đổi lại, chỉ cần quan sát hành động lại dễ dàng biết cậu bé đang có tâm trạng như thế nào… Sáng nay thì hẳn là vui!
Nụ cười đã thoáng trở lại trên môi của bà Nhàn và Lộc.
Bởi cậu nhanh nhẩu ra rửa chén bát đang “ngâm” từ đêm hôm qua. Cậu phụ mẹ nhóm lửa, nấu bữa trưa với khuôn mặt rạng rỡ chứ không cúi gằm mặt, u buồn như dạo trước. Và nếu bạn nhìn thấy nụ cười của Lộc khi được mẹ rửa mặt mũi cho, bạn sẽ hiểu Lộc đã sung sướng như thế nào khi có mẹ ở trong nhà.

Lộc ước mẹ sẽ ở nhà mãi để em không phải 1 mình trong đêm đen thế này.

“Ngày trước em ước là đừng có ban đêm nhưng giờ có mẹ thì có ban đêm cũng được. Nhưng em ước mẹ ở nhà với em mãi, đừng đi nữa vì như thế em lại ở một mình”, động viên mãi, Lộc mới nói hết một câu gãy gọn về niềm vui của mình.

Đã lâu lắm rồi Lộc mới được mẹ múc nước rửa mặt mày.

Trong buổi sáng nay, đại diện báo Thanh Niên cũng mang ra 10 triệu đồng (do anh Thanh, công tác ở Nhà in Thanh Niên và Công ty TNHH Agri Neo TP.HCM) tặng cho Lộc và mẹ để có tiền chi phí mua những nhu yếu phẩm cần thiết như: gạo, mắm, muối…

Đại diện báo Thanh Niên (bìa trái) tặng số tiền ban đầu để mẹ con Lộc có thể mua 1 số nhu yếu phẩm.

Ở góc độ chính quyền địa phương, ông Hồ Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Gio Châu gửi lời cảm ơn đến báo, các nhà hảo tâm đã quan tâm đến người dân của địa phương, cụ thể là mẹ con Lộc nhưng cũng gửi gắm rằng: “Tôi biết hiện rất nhiều người trong cả nước quan tâm đến Lộc và gia đình em ấy. Mọi sự giúp đỡ đều rất đáng quý. Nhưng hiện nay điều mà gia đình Lộc cần nhất là một bộ cửa ngõ đàng hoàng và một giếng nước. Đối với tiền mặt, nếu có, vì hoàn cảnh là mẹ Lộc không được sáng suốt lắm nên chính quyền hứa sẽ góp sức để quản lý và chỉ dành riêng cho các hoạt động ăn uống, học tập của Lộc”.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích