|
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với trẻ em trên đường phố Algiers, thủ đô Algeria, tuần trước. |
Theo giới quan sát, quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa qua về việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, những đoạn tweet không thân thiện với thế giới Hồi giáo và việc ông Trump cắt giảm nhân sự trong Bộ Ngoại giao Mỹ đang gửi tín hiệu đến nhiều người về một sự rút lui của ngoại giao Mỹ. Thực tế này đã tạo khoảng trống cho những ai muốn mở rộng hiện diện trên vũ đài thế giới, và ông Macron là một trong số đó. Nhà lãnh đạo Pháp nhanh chóng khẳng định một vị trí nổi bật hơn ở Trung Đông, nhất là khi Anh và Đức đang quá bận rộn với chính trị trong nước.
Ông Macron gọi cho ông Trump 2 ngày trước khi Tổng thống Mỹ đưa ra tuyên bố về Jerusalem để nói rằng Pháp cảm thấy bước đi này “gây rắc rối”. Tháng trước, ông Macron chủ động tham gia ổn định tình hình Li-băng khi Thủ tướng nước này từ chức mà nhiều người tin rằng Ả-rập Xê-út đứng sau. Ông Macron đóng góp vào kế hoạch chặn dòng người di cư từ tiểu vùng Sahara trước khi họ có thể đến Libya. Giờ đây, ông đang khẳng định vị trí của nước Pháp trong nỗ lực giúp định hình chính sách hậu chiến ở Syria.
Ngược lại, Mỹ có vẻ miễn cưỡng tham gia vào quá trình xây dựng chính sách tại Syria, tạo cơ hội cho Nga đóng vai trò lớn nhất trong vấn đề này. “Nếu là 5 năm trước thì đã có sự can dự ngoại giao của Mỹ” để giải thoát cho Thủ tướng Li-băng Saad Hariri khỏi Ả-rập Xê-út, ông Gilles Kepel, một chuyên gia về Hồi giáo và là giáo sư ngành khoa học chính trị tại Pháp, nhận định. Ông Kepel là người tháp tùng Tổng thống Macron trong chuyến đi gần đây đến Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất và Ả-rập Xê-út. Ông Kepel cho rằng “chính quyền Trump không thể hiểu được vì Tổng thống đăng tweet vào buổi sáng nhưng làm ngược lại vào buổi chiều”.
Các nhà ngoại giao kỳ cựu khác cũng nhìn thấy điều tương tự. “Rõ ràng trước đây Mỹ đóng vai trò chính ở Li-băng, nhưng có vẻ Ả-rập Xê-út làm điều này với ông Hariri mà không có lời nào với chúng tôi”, ông Ryan Crocker, nhà ngoại giao Mỹ nghỉ hưu với nhiều năm kinh nghiệm về Trung Đông, nói. “Vì đây là vấn đề của Ả-rập Xê-út nhiều hơn là vấn đề của Li-băng, nên theo lẽ thông thường, Mỹ đáng ra phải tham gia nhiều hơn”, báo New York Times dẫn lời ông Crocker. Một điều thể hiện sự rút lui của Mỹ ra khỏi cả những nước mà ông Trump coi là bạn bè là đến giờ vẫn chưa có đại sứ Mỹ tại Ả-rập Xê-út. Điều tương tự diễn ra tại 6 quốc gia khác ở khu vực.
Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson phủ nhận rằng việc thiếu hụt các vị trí ngoại giao cấp cao đã ảnh hưởng đến vai trò của Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, điểm nhấn chủ đạo của ông Trump tại Trung Đông cho đến nay có vẻ chỉ là Israel, quốc gia duy nhất ở khu vực không có đa số dân số theo Hồi giáo. Và dù ông thể hiện ủng hộ các lãnh đạo Ả-rập dòng Hồi giáo Sunni, việc thiếu đại sứ ở những quốc gia đó sẽ khiến Mỹ khó chuyển tải thông điệp của mình, đặc biệt ở một khu vực coi trọng nghi thức như Trung Đông. Hơn nữa, tại thế giới Hồi giáo, ông Trump tập trung tiêu diệt lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) và cô lập Iran, nhưng lại tránh tham gia vào các vấn đề chính trị mạo hiểm của khu vực.
Ngược lại, chính phủ Pháp không ngại giải quyết các vấn đề chính trị Trung Đông. Pháp có “nguồn lực để sử dụng” vào khu vực, ông Emile Hokayem, nhà nghiên cứu cấp cao về an ninh Trung Đông tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế tại London, đánh giá.
“Chính quyền Trump không quan tâm đến ngoại giao”
Việc Pháp tham dự sâu vào Bắc Phi và Trung Đông không phải điều mới. Pháp cai trị Algeria hơn 130 năm cho đến khi bị đẩy ra sau cuộc chiến đẫm máu vào đầu những năm 1960. Sau Thế chiến 1, Pháp và Anh phân chia Đế chế Ottoman. Pháp nhận sứ mệnh cai quản Syria và Li-băng, duy trì quan hệ lâu dài với Li-băng.
Gần đây, Pháp giành được ủng hộ của những người Ả-rập dòng Sunni vì không hậu thuẫn Mỹ trong cuộc xâm lược Iraq cũng như sẵn sàng chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ở khu vực này có những thị trường xuất khẩu lớn thứ nhì, thứ ba và thứ tư của Pháp về vũ khí, khí tài. Đó là Ả-rập Xê-út, Qatar và Ai Cập. Tuần qua, trong chuyến thăm Qatar, ông Macron thông báo thương vụ bán máy bay chiến đấu trị giá 1,3 tỷ USD. Cũng trong tuần qua, ông Macron đến Algeria để giữ quan hệ với quốc gia này. Lên nắm quyền từ vị trí ít liên quan đến Trung Đông nhưng ông Macron bổ nhiệm đội trợ lý có quan hệ cực kỳ hiểu về khu vực này.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian là cựu bộ trưởng quốc phòng và có mạng lưới quan hệ phong phú với quân đội nhiều nước Ả-rập. Những quan chức cấp cao khác trong Bộ Ngoại giao Pháp còn có một cựu đại sứ tại Li-băng và cũng là người từng có nhiệm kỳ ở Ả-rập Xê-út và Iran, cùng nhiều nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm về Trung Đông khác. Điều này khác biệt với hai người tiền nhiệm trước của ông là ông Francois Hollande và Nicolas Sarkozy. Nhiều nhà ngoại giao cho rằng, Pháp không thể thay thế Mỹ vì là nước nhỏ hơn và không có khả năng bảo đảm các thoả thuận theo cách của Mỹ.
Giới phân tích nhìn ra những điều tương phản về cách khẳng định vai trò cá nhân và chiến lược giữa ông Macron và ông Trump. “Trước khi ông Trump lên lãnh đạo, chúng ta vẫn ở trong thế kỷ của người Mỹ. Người Mỹ thường dùng đồng minh Anh và Pháp để làm những điều nhất quán với chiến lược của Mỹ, họ là những cố vấn đáng tin cậy.
Nhưng ngày nay đã khác. Chính quyền Trump không quan tâm đến ngoại giao”, ông Joost Hiltermann, Giám đốc Chương trình Bắc Phi và Trung Đông thuộc Nhóm Quản lý khủng hoảng quốc tế tại Brussels, nhận định. Theo nhà nghiên cứu này, nếu ông Trump có chiến lược với các thể chế thì đó là chiến lược rút lui. Từ đó, ông Macron nhìn ra rằng việc lấp vào chỗ trống đó không chỉ là cơ hội cho Pháp mà còn là điều quan trọng để duy trì quyền lực của phương Tây khi “thế kỷ của người Trung Quốc đang đến”.
“Ông ấy nhìn thấy những mối nguy hiểm khi vắng mặt khỏi vũ đài thế giới, và coi đó là cách nâng cao vai trò của Pháp, và có thể cả của Đức và châu Âu, để giữ “pháo đài” trong khi Mỹ vắng mặt”, ông Hiltermann nói.
Theo Tiền Phong