|
Dư luận ủng hộ cấm nhập khẩu nội tạng động vật và động vật sống già - loại thải |
Theo dự thảo, không cho phép nhập khẩu nội tạng, phủ tạng các loại động vật từ nước ngoài vào VN dưới bất kỳ hình thức nào. Không cho phép nhập gia súc, gia cầm sống già - loại thải từ nước ngoài vào VN với mục đích giết mổ lấy thịt. Bên cạnh đó, các sản phẩm chăn nuôi và các phụ phẩm của quá trình chế biến, giết mổ (như chân, cổ, cánh, móng...) khi nhập khẩu vào VN phải được kiểm dịch và thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm theo quy định. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT phải tổ chức kiểm tra, đánh giá tại nước xuất xứ về nguồn gốc vật nuôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi cho nhập khẩu vào VN.
Nhập khẩu nội tạng gây bức xúc
Nhiều năm qua, việc nội tạng động vật nhập khẩu hết “đóng” lại “mở” đã gây bức xúc trong dư luận. Cụ thể, vào tháng 7.2010, từ đề xuất của Bộ NN-PTNT, Chính phủ yêu cầu tạm dừng nhập khẩu các loại phủ tạng gia súc, gia cầm đông lạnh (trong đó có nội tạng trắng đông lạnh). Đến ngày 17.4.2013, Bộ NN-PTNT đề nghị Chính phủ cho phép nhập khẩu trở lại các sản phẩm nội tạng động vật trắng. Trong văn bản đề nghị, bộ này giải thích: Các nước thành viên WTO đã gây sức ép với VN và cho rằng, nước ta đã vi phạm quy định của Hiệp định kiểm dịch động, thực vật khi cấm nhập nội tạng.
Gần 1 tháng sau đó, Chính phủ cho phép nhập khẩu trở lại nội tạng trắng theo đề nghị của Bộ NN-PTNT đồng thời yêu cầu kiểm soát, quản lý hoạt động này.
Ngay sau khi được mở cửa tới nay, nội tạng động vật các loại tràn ngập thị trường nội địa. Lực lượng chức năng các địa phương liên tục phát hiện tình trạng nội tạng động vật không rõ nguồn gốc, hư, thối vận chuyển từ các tỉnh phía bắc vào miền Nam tiêu thụ. Đại diện lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhiều lần thừa nhận: Nội tạng vào VN nhiều nhất là từ Trung Quốc; đường chính ngạch là tạm nhập tái xuất và đường tiểu ngạch với số lượng lên đến hàng chục tấn mỗi ngày.
Mới đây nhất, giữa tháng 4.2017, Bộ NN-PTNT đề nghị Chính phủ xem xét dừng hoạt động nhập khẩu thịt lợn, nội tạng theo hình thức tạm nhập tái xuất nhằm bảo vệ thị trường trong nước, chống lây lan các loại dịch bệnh và giảm tác động đến vận tải hàng hóa. Cuối tháng 4, Chính phủ đồng ý với đề xuất này. Sự bức xúc của xã hội liên quan vấn đề trên mới tạm lắng xuống thời gian gần đây.
Cấm chính ngạch, quản lý chặt tiểu ngạch
"Gia súc, gia cầm già, loại thải cấm nhập cũng là một chủ trương đúng đắn. Thử nghĩ, nước ngoài họ đã dùng từ “loại thải” mà mình nhập về ăn làm sao được. Luật pháp nên quy định cấm dứt khoát như vậy". TS Nguyễn Ngọc Tuân, cựu giảng viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM |
Ủng hộ dự luật này, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ - vùng chăn nuôi trọng điểm của cả nước, cho rằng việc cấm nhập dưới bất kỳ hình thức nào là rất hợp lý. Vì trước đây có doanh nghiệp nhập khẩu luôn nói rằng họ nhập về để chế biến xuất khẩu hoặc làm thức ăn gia súc nhưng thực tế là bán cho người ăn. Điều này không chỉ ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng mà còn tác động đến ngành chăn nuôi trong nước.
TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế (ĐH Nông Lâm TP.HCM), phân tích: Nội tạng, phủ tạng gia súc là loại phụ phẩm, người phương Tây không ăn vì chứa nhiều thành phần không có lợi cho sức khỏe, nhập về nước đương nhiên giá rẻ. Điều này vô tình khuyến khích người Việt sử dụng nhiều những thứ độc hại cho sức khỏe. Thứ hai, những loại này cũng yêu cầu việc xử lý vệ sinh, bảo quản nghiêm ngặt vì bản thân nó tồn dư chất độc và mầm bệnh. Đây có thể là nguồn lây nhiễm dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong nước.
“Gia súc, gia cầm già, loại thải cấm nhập cũng là một chủ trương đúng đắn. Thử nghĩ, nước ngoài họ đã dùng từ “loại thải” mà mình nhập về ăn làm sao được. Luật pháp nên quy định cấm dứt khoát như vậy”, TS Nguyễn Ngọc Tuân, cựu giảng viên ĐH Nông Lâm TP.HCM, nhận xét.
Theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), ngành chăn nuôi đang có rất nhiều lỗ hổng trong quản lý. Dự luật này được xây dựng nhằm khắc phục những hạn chế cũ, đáp ứng nhu cầu sản xuất và kinh doanh trong điều kiện mới. Thời gian qua, VN nhập khẩu rất nhiều sản phẩm và kể cả phụ phẩm của ngành chăn nuôi như: tim heo, gan heo, cật heo và tim gà, mề gà... với giá rất rẻ. Các mặt hàng này chất lượng rất thấp, chưa kể mang nhiều nguy cơ chứa chất độc hại và gây áp lực lên ngành chăn nuôi trong nước. Nhiều ý kiến cho rằng nếu dự luật được thông qua, đường chính ngạch bị “khóa” thì phải quản chặt đường tiểu ngạch để tránh bịt chỗ này, chui chỗ khác.
Theo Thanh Niên