Theo thông báo của người đứng đầu Sở chỉ huy tác chiến Bộ Tổng tư lệnh quân đội Nga Sergey Rudskoi, tính đến ngày 7/12 tại Syria đã không còn một điểm dân cư hay khu vực nào còn nằm dưới sự kiểm soát của IS.
Trong giai đoạn cuối cùng giải phóng Syria khỏi IS, Nga đã sử dụng lực lượng không quân ở quy mô chưa từng có, với việc các máy bay chiến đấu mỗi ngày thực hiện không dưới 100 chuyến cất cánh, và chỉ trong 5 ngày gần đây đã tiêu diệt hơn 550 tay súng.
Ông Rudskoi cho biết, sau khi quét sạch IS ở Syria, quân đội Nga sẽ tập trung vào nhiệm vụ khôi phục đời sống hòa bình và đảm bảo các bên tuân thủ lệnh ngừng bắn.
Trước đó cùng ngày, người đứng đầu Bộ Tổng tư lệnh quân đội Nga, Tướng Valery Gerasimov đã tuyên bố giải phóng hoàn toàn Syria khỏi IS.
"Ngày hôm nay, không còn vùng lãnh thổ nào bị IS chiếm giữ tại Syria”, ông Gerasimov nói.
Binh sỹ quân đội Chính phủ Syria sau khi giành quyền kiểm soát thành phố al-Bukamal từ tay IS ngày 20/11. |
Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, cuộc họp về tiến trình chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria tổ chức ở thành phố Sochi sẽ trở thành điểm chú trọng mới.
Ông Putin cũng nêu ra những mục tiêu khác bao gồm hiến pháp mới, bầu cử Tổng thống và tổng tuyển cử cho người dân Syria.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga lưu ý tiến trình hòa bình sẽ “là một quá trình dài hơi và to lớn” và để điều này trở thành sự thật, tình trạng đổ máu tại Syria phải chấm dứt hoàn toàn.
Nga đã hỗ trợ quân sự giúp Syria chống khủng bố theo lời đề nghị chính thức của Damacus từ năm 2015. Với sự trợ giúp của Nga, liên quân Syria Arab đã lật lại được tình thế và giải phóng những vùng lãnh thổ rộng lớn khỏi các phần tử khủng bố.
Phá vỡ tuyến phòng thủ tại tỉnh Deir ez-Zor – một thành trì của IS tại Đông Syria – là một bước chuyển biến quan trọng trong chiến dịch chống khủng bố năm 2017 và cuối cùng dẫn đến sự tàn bại của tổ chức này.
Ở một diễn biến có liên quan, cũng trong ngày 7/12, Bộ Ngoại giao Syria thông báo phái đoàn của chính phủ nước này sẽ trở lại Geneva, Thụy Sĩ, vào ngày 10/12 tới để tham gia tiến trình hòa đàm về Syria do Liên Hợp Quốc bảo trợ.
Trước đó, sau 3 ngày gián đoạn, vòng đàm phán thứ 8 về Syria dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc đã được nối lại ngày 5/12 tại thành phố Geneva mà không có sự hiện diện của phái đoàn đại diện Chính phủ Syria với lý do phe đối lập không đồng ý để Tổng thống Bashar al-Assad giữ bất kỳ vai trò gì trong chính phủ chuyển tiếp.
Người đầu phái đoàn chính phủ, Bashar al-Jaafari cho rằng đây là quan điểm “khiêu khích” và “vô trách nhiệm," đồng thời tuyên bố sẽ không có bất cứ tiến triển nào nếu phe đối lập vẫn giữ quan điểm trên.
Vòng đàm phán thứ 8 này được coi là cơ hội để Liên Hợp Quốc khôi phục các nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài gần 7 năm qua và cướp đi hơn 340.000 sinh mạng.
7 vòng đàm phán trước đó, tính từ năm 2016. đã không thu được kết quả đáng kể nào.
Vòng đàm phán lần thứ 8 này được kỳ vọng sẽ tập trung vào việc thảo luận một Hiến pháp mới và tổ chức các cuộc bầu cử dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc.
Theo Đất Việt