|
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một nhà máy chế biến khoai tây của Triều Tiên (Ảnh: AFP) |
Theo Straitstimes, Viện nghiên cứu Khoa học và An ninh Quốc tế ngày 5/12 đã công bố báo cáo mới nhất trên trang web của cơ quan này, trong đó cho biết có tổng cộng 49 quốc gia đã vi phạm các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên từ tháng 3/2014-9/2017. Danh sách này bao gồm những nước là đối tác thương mại hàng đầu của Triều Tiên như Trung Quốc, Đức, Brazil, Ấn Độ và Pháp.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng có 13 quốc gia, bao gồm Angola, Cuba, Mozambique, Tanzania, Iran, Sri Lanka, Myanmar và Syria, đã có quan hệ về quân sự với quân đội Triều Tiên. Theo báo cáo, một số nước đã được Triều Tiên hỗ trợ huấn luyện quân sự trong khi một số nước khác nhập khẩu hoặc xuất khẩu khí tài quân sự cho Bình Nhưỡng.
Các tác giả của báo cáo này đã phân tích dữ liệu về thương mại của Triều Tiên trong 3 năm rưỡi qua do Ban Xuất khẩu Liên Hợp Quốc cung cấp. Báo cáo cho biết ngoài các nước là đối tác thương mại lớn với Triều Tiên, 44 trong số 49 quốc gia đã vi phạm các biện pháp trừng phạt theo nhiều cách khác, như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bình phong của Triều Tiên hay nhập khẩu hàng hóa, khoáng sản trong diện bị cấm của nước này.
Ngoài ra, 20 quốc gia bị phát hiện có liên quan đến việc giúp các tàu chở hàng đến và đi khỏi Triều Tiên bằng nhiều cách, như gắn lại cờ trên tàu hay thay đổi đăng ký quốc gia của tàu để che giấu nguồn gốc xuất xứ.
|
Hải quan Trung Quốc kiểm tra các xe tải chở hàng qua khu vực biên giới với Triều Tiên (Ảnh: AP) |
Trong những tháng gần đây, một số nước đã tuyên bố dừng quan hệ làm ăn với Triều Tiên, trong đó Ấn Độ và Singapore thông báo sẽ chấm dứt toàn bộ giao thương với Bình Nhưỡng trong năm nay. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn hoài nghi về hiệu quả thực sự của các biện pháp trừng phạt trong việc kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
Mặc dù vậy, báo cáo của Viện nghiên cứu Khoa học và An ninh Quốc tế cho rằng sức ép quốc tế cũng có tác dụng nhất định với Triều Tiên. Theo báo cáo, Uganda gần đây đã trục xuất các quan chức Triều Tiên về nước sau nhiều năm tiếp nhận các chương trình huấn luyện quân đội và cảnh sát từ Bình Nhưỡng. Đại sứ Triều Tiên tại một loạt quốc gia Trung Đông, châu Âu và Nam Mỹ cũng đã bị trục xuất, trong khi một số nước quyết định cắt quan hệ ngoại giao và thương mại với Bình Nhưỡng.
Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất với Triều Tiên, cũng nhất trí sẽ tăng cường trừng phạt Bình Nhưỡng theo đề nghị của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Số liệu thống kê của hải quan Trung Quốc gần đây cho biết kim ngạch xuất khẩu từ Triều Tiên sang Trung Quốc trong tháng 10 giảm 62%, khoảng 90 triệu USD. Theo Bloomberg, số liệu này cho thấy Trung Quốc có thể đã dừng nhập khẩu các mặt hàng chủ chốt từ Triều Tiên như than đá, chì, nhôm, sắt, kẽm hoặc đồng.
Theo Dân Trí