|
Ngày 7.12, trả lời PV Thanh Niên bên lề cuộc họp HĐND, đại biểu Cao Thanh Bình - Phó ban kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM cho biết việc chống ngập tại TP.HCM có 2 loại hiện nay, các hệ thống chống ngập do triều cường của TP chưa hoàn chỉnh trong khi nhu cầu phát triển TP là rất lớn, vì vậy lúc nào TP.HCM mới hết ngập là bài toán mà TP cần phải tính toán kỹ.
|
Đại biểu Cao Thanh Bình, Phó ban kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM |
Theo ông Bình, các dự án chống ngập do triều cường của TP.HCM đã triển khai nhưng chưa hoàn thiện. TP hiện có các dự án như: dự án chống ngập 10.000 tỉ do Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam thực hiện (tại H.Nhà Bè, TP.HCM), dự án đê bờ tả, bờ hữu sông Sài Gòn TP... vẫn đang triển khai và lộ trình để hoàn thành là rất dài.
|
TP.HCM bao giờ hết ngập là câu hỏi khó có lời đáp |
Theo ông Bình, nguồn vốn cần cho chống ngập và giải quyết triều cường là rất lớn. Trong khi đó, nguồn vốn của TP hiện có, cộng với trung ương hỗ trợ và các nguồn đầu tư của các công ty vẫn không thể đủ được. Do vậy, TP phải làm từng bước và giải quyết từng khu vực đảm bảo hơn. Qua khảo sát đề án quy hoạch giải quyết triều, TP hiện nay đang tập trung thực hiện nhiều dự án. Đặc biệt là tại các khu vực như Q.9, Nhà Bè, Q.7... do mặt bằng thấp, khi triều cường lên thì sẽ ngập là khó tránh khỏi.
Không thể mỗi nơi chống một chút
Vậy thì khi nào người dân mới thoát khỏi cảnh ngập nước? Trả lời câu hỏi này, ông Bình cho rằng đối với các dự án đầu tư công hiện nay, công tác chống ngập hiện nay kết nối vẫn chưa đồng bộ. “Một số dự án khi thiết kế kỹ thuật, chỉ giải quyết chống ngập một khu vực nhỏ, nhưng khi đưa vào vận hành thì lại phải gánh chịu bao trùm một khu vực lớn. Ví dụ dự án chống ngập ở đường Đỗ Xuân Hợp, Q.9, khi thiết kế kỹ thuật chỉ chống ngập cho 60ha, nhưng khi đưa vào vận hành thì phải phải giải quyết cho 160ha, nên không thể nào mà không ngập được”, ông Bình nhận xét.
“Do đó, vấn đề đặt ra là làm sao khi thực hiện phải nghiên cứu kỹ và đồng bộ. Ví dụ như dự án này đưa vào hoạt động mà quá tải thì phải tiếp tục các dự án nhánh để làm sao cho đảm bảo. Chứ bây giờ cứ mỗi chỗ chống một chút thì không được”, ông Bình nhận xét.
Ngập nặng vì triều cường trên đường Lê Văn Lương tối 6.12 |
Nhức nhối tình trạng san lấp kênh rạch
Ngoài ra, ông Bình cũng cho rằng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa quận huyện, phường, xã, thị trấn. Thực trạng hiện nay về công tác quản lý xây dựng còn nhiều đơn vị quản lý không chặt, dẫn đến tình trạng lấp rạch, lấn chiếm sông rạch. Đây là vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến việc thoát nước của TP.
“Một số khu vực trước đây nước thủy triều lên xong rồi ra, bây giờ thì nước lên rồi không thoát ra được vì các ngõ thoát bị lấp”, ông Bình nói. Ông Bình cũng cho rằng TP trước đây có những khu vực có ao hồ lớn, khi lượng nước lớn thì sẽ đổ vào hồ chứa, hạn chế nước tràn lên đường. Tuy nhiên, các ao hồ đã bị lấp hết thì nước cũng không còn chỗ thoát.
“Thời gian qua, các dự án chống ngập trên địa bàn TP đã đi vào hoạt động và có phát huy hiệu quả, các điểm ngập có giảm. Tuy nhiên, do tốc độ phát triển của TP rất lớn, nên lúc nào mới giải quyết dứt điểm tình trạng ngập là một bài toán mà TP cần phải quan tâm thêm. Tuy nhiên, mấu chốt vấn đề vẫn là nguồn vốn và sự phối hợp đồng bộ trong công tác quản lý giữa các sở ngành, giữa chính quyền quận huyện, xã, phường", ông Bình phân tích.
Ngập lút bánh xe máy |
“Sắp tới, với cơ chế đặc thù, TP sẽ tập trung mọi nguồn lực, huy động công – tư... để tìm nguồn vốn tốt nhất, khi đó sẽ đầu tư mạnh cho hạ tầng kỹ thuật, đầu tư cho giao thông, cho chống ngập và sẽ giải quyết được vấn đề cấp bách hiện nay”, ông Bình nói. Ông Bình cũng đưa ra nhận định: "Ngoài ra, người dân cũng cần phải có ý thức giữ gìn, bảo vệ đê điều, không xả rác xuống kênh rạch. Nếu nhà nước đầu tư hạ tầng mà người dân không giữ gìn thì việc chống ngập cũng sẽ không hiệu quả".
Theo Thanh Niên