|
Người Hồi giáo tập trung cầu nguyện và phản đối quyết định của Mỹ liên quan đến Jerusalem ở gần lãnh sự quán Mỹ tại TP.Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ tối 6-12 |
Thành phố này có một vị trí rất quan trọng trong đức tin của 3 tôn giáo lớn trong khu vực là Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo. Cả 3 tôn giáo này đều xem Jerusalem là "thánh địa" và cuộc tranh giành vẫn còn tiếp diễn cho đến tận ngày nay.
Thái độ của cộng đồng quốc tế đối với Jerusalem không ngừng thay đổi từ 70 năm qua. Kế hoạch phân chia lãnh thổ do Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu thông qua vào ngày 29-11-1947 từng quyết định biến Jerusalem thành "một thể tách biệt" (corpus separatum) nằm dưới quyền quản lý của LHQ. Khi đó, 33 quốc gia thành viên LHQ đã bỏ phiếu thông qua kế hoạch trên; 13 nước bỏ phiếu chống và 10 nước bỏ phiếu trắng.
Lịch sử diễn ra sau đó cho thấy quyết định được cộng đồng quốc tế phê chuẩn bị xé bỏ không thương tiếc và nhanh chóng.
Jerusalem bị phân chia ngay sau cuộc chiến đầu tiên giữa Israel với khối các nước Ảrập (1948-1949). Phần phía tây thành phố bị quốc gia Israel non trẻ chiếm giữ, và nhanh chóng quyết định đây là thủ đô của đất nước mới thành lập.
Ở phần phía Đông có Khu phố Cổ và những địa điểm linh thiêng của 3 tôn giáo (Bức tường Than khóc, Tháp thánh Saint-Sepulcre và Khu Thánh đường Al-Aqsa), tạm rơi vào tay của Vương quốc Jordan.
|
Hình ảnh cờ Israel và cờ Mỹ trên bức tường bao quanh khu phố Cổ ở Jerusalem tối 6-12 |
Nhưng phần lớn các quốc gia của cộng đồng quốc tế vẫn giữ thái độ không công nhận Jerusalem là thủ đô, và bằng chứng là nhiều đại sứ quán đều được đặt tại TP.Tel Aviv của Israel.
Cuộc chiến Sáu ngày, bắt đầu từ đầu tháng 6-1967 giữa Nhà nước Do thái với các láng giềng Ảrập, một lần nữa lại thay đổi cục diện.
Đối với người Cơ Đốc giáo, Jerusalem là nơi chúa Jesus qua đời và còn lưu lại rất nhiều thánh tích cổ tại đây. Người Hồi giáo xem Jerusalem là nơi nhà tiên tri Mohammed bay về trời trong khi người theo Do Thái giáo xem Jerusalem là nơi chứa đựng bản sắc của toàn bộ dân tộc Do Thái, là nơi có đền thờ thiêng liêng của vua Salomon. |
Sau ba ngày chiến đấu chớp nhoáng, quân đội Tsahal thiện chiến của Israel không chỉ chiếm giữ bán đảo Sinaï, vùng Bờ Tây Jordan và Gaza, mà cả phần Đông Jerusalem. Không lâu sau đó, chính phủ Israel cho áp dụng luật Israel tại những nơi đã chiếm đóng.
Israel đơn phương mở rộng các đường biên của Jerusalem, nới rộng Đông Jerusalem gấp 10 lần. Các đường biên mới được vẽ lên để sáp nhập cả những vùng đất chưa phát triển của Palestine và loại bỏ các trung tâm dân cư của Palestine.
Trong suốt những năm 1970, những vùng đất đai chưa phát triển đó đã bị Israel tịch thu trái phép để xây dựng các khu định cư.
|
Quân đội Israel giành chiến thắng trong cuộc chiến Sáu ngày cách đây 70 năm, chiếm được phần Đông Jerusalem - Ảnh: AFP |
Tháng 7-1980, Quốc hội Israel (Knesset) biểu quyết thông qua Luật cơ bản xem Jerusalem là thủ đô "thống nhất và không thể chia cắt" của Nhà nước Do thái.
Các tòa nhà hành chính của chính quyền Israel được nhanh chóng xây dựng ở phần phía đông của Jerusalem cùng các khu tái định cư khổng lồ. Châu Âu và Mỹ vẫn tiếp tục xem phần đất chiếm đóng đó là không phù hợp với luật quốc tế nên đến giờ vẫn không chuyển các cơ sở đại diện ngoại giao của mình sang đấy.
Năm 1996, sau cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên, Chủ tịch PLO (Tổ chức giải phóng Palestine) khi đó là ông Yasser Arafat đã tuyên bố lấy Jerusalem làm thủ đô của nước Palestine đang hình thành.
Từ sau Thỏa thuận Oslo, có một sự thỏa hiệp rộng rãi trong cộng đồng quốc tế về việc xem Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine tương lai. Những cuộc thương thuyết đã được khởi xướng theo hướng này từ đầu những năm 2000, nhưng cũng đều thất bại nhanh chóng.
"Quyết định mới đã gây cản trở nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình giữa Israel và Palestine mà chính ông Trump đang theo đuổi, có thể dẫn tới hàng loạt các cuộc biểu tình và bạo động trên diện rộng” Chuyên gia Ilan Goldenberg - Giám đốc chương trình An ninh Trung Đông thuộc Trung tâm An ninh Mỹ |
Các lãnh đạo chính trị cánh hữu hiện nắm quyền tại Israël rất cương quyết chống lại ý tưởng nhường phần phía Đông ấy để đổi lấy hòa bình.
Có thể nói, cuộc tranh giành Jerusalem chính là nơi đụng độ giữa các tôn giáo lớn với Israel đại diện cho Cơ Đốc giáo và Do Thái giáo trong khi Palestine có sự hậu thuẫn của thế giới Hồi giáo. Cuộc giao tranh giành đất thánh này sẽ còn tiếp diễn khi Palestine luôn đặt "yêu sách Jerusalem" vào vấn đề thành lập quốc gia Palestine trong khi Israel sẽ không bao giờ chấp nhận từ bỏ "thánh địa" của mình.
|
Người Palestine ở Dải Gaza nhanh chóng xuống đường biểu tình chống lại quyết định của Tổng thống Mỹ vào tối 6-12 |
Mỹ cũng lo về phản ứng của thế giới
Hãng tin Reuters đã tiếp cận một văn bản của Bộ Ngoại giao Mỹ, ghi ngày 6-12, cho biết bộ trên đã thành lập một nhóm đặc nhiệm "để theo dõi những diễn biến toàn cầu" sau tuyên bố về Jerusalem của Tổng thống Donald Trump.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết việc thành lập nhóm đặc nhiệm là thông thường "mỗi khi có quan ngại về sự an toàn và an ninh của nhân viên Chính phủ hay công dân Mỹ".
"Quyết định mới của Tổng thống Mỹ đi ngược với ưu tiên hàng đầu mà Washington tự đặt ra trong vấn đề Trung Đông là chống khủng bố. Đây có thể là ‘cái cớ hoàn hảo’ cho các tổ chức khủng bố huy động lực lượng chống lại Mỹ" Shibley Telhami - Chuyên gia phân tích thuộc Viện Brookings (Mỹ) |
Một văn bản của Bộ Ngoại giao Mỹ ghi ngày 6-12 cũng đã được gửi tới Đại sứ quán Mỹ tại Tel Aviv để chuyển lời tới giới chức Israel. Theo đó, Mỹ muốn Israel "kiềm chế trong các phản ứng chính thức" dù Mỹ hiểu rằng nước này sẽ hoan nghênh thông tin quyết định của Tổng thống Trump.
Theo văn bản trên, Washington tin rằng sẽ có những phản ứng tiêu cực tại Trung Đông cũng như nhiều nơi trên thế giới đối với quyết sách mới nhất của Nhà Trắng. Do đó, chính quyền Mỹ muốn đánh giá tình hình và xem xét tình hình nếu quyết định này tiềm ẩn nguy hiểm đối với các cơ sở và công dân Mỹ ở nước ngoài.
Trong thông điệp gửi tới cơ quan ngoại giao tại châu Âu, Mỹ đề nghị giới chức châu Âu giúp làm rõ rằng quyết định của Tổng thống Trump không tự quyết định cái gọi là "quy chế cuối cùng" của Jerusalem mà Israel và Palestine cần đạt được đồng thuận với nhau trong thỏa thuận hòa bình cuối cùng.
Văn bản kêu gọi sự hợp tác từ châu Âu để tác động tới phản ứng quốc tế, nêu rõ chính quyền Mỹ hiện nay là một chính quyền "chưa từng có" với những quyết sách táo bạo, song khẳng định các nỗ lực hòa bình cần tới những hành động táo bạo nếu muốn có cơ hội thành công.
Theo TTO