Ngày 6/12, Mỹ trở thành nước đầu tiên trên thế giới công nhận thánh địa Jerusalem là thủ đô của Israel với tuyên bố chính thức của Tổng thống Donald Trump.
Quyết định của ông Trump nhanh chóng được hoan nghênh bởi Israel, đồng minh thân thiết của Mỹ, và cả những người Cơ đốc giáo theo phái Phúc âm ủng hộ Israel, lực lượng chính ủng hộ ông Trump. Thế nhưng tuyên bố mà Thủ tướng Israel xem như “cột mốc lịch sử”, lại bị Tổng thống Palestine gọi là “nụ hôn tử thần” với tiến trình hòa bình Trung Đông.
AP nhận định động thái này có thể làm bùng phát bạo lực trong khu vực, phá hoại kế hoạch hòa bình của Mỹ trước khi nó bắt đầu, khiến cho các đồng minh quan trọng của Washington trong thế giới Ả Rập và phương Tây nổi giận.
Quy chế cuối cùng về Jerusalem luôn là một trong những vấn đề hóc búa nhất và nhạy cảm nhất của xung đột Israel - Palestine, theo CNN. Đây là vấn đề đã làm hỏng không biết bao nhiêu nỗ lực tạo dựng hòa bình ở khu vực trong nhiều thập kỷ qua.
Israel tuyên bố toàn bộ Jerusalem là thủ đô của nước này, trong khi người Palestine tuyên bố khu vực phía Đông thành phố, bị Israel chiếm đóng từ năm 1967 trong chiến tranh Trung Đông, là thủ đô nhà nước tương lai của họ. Cả Israel và Palestine đều khẳng định đây là những nguyên tắc không thể mang ra đàm phán.
Đường phân chia lãnh thổ Israel và Palestine theo hiệp định ngừng bắn năm 1949. Đồ họa: CNN. |
Xung đột tại Jerusalem tập trung chủ yếu vào khu vực Thành phố Cổ (Old City), thánh địa quan trọng nhất của những người theo đạo Do Thái, Thiên chúa giáo và Hồi giáo, đặc biệt là khu vực một ngọn đồi mà người Do thái và Hồi giáo tôn sùng.
Người Do Thái gọi đây là Núi Đền (Temple Mount), nơi các đền thờ của người Do Thái ngự trị hàng nghìn năm trước và được xem là địa điểm linh thiêng nhất đối với Do Thái giáo.
Ngày nay, đây cũng là nơi đặt nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, nơi linh thiêng thứ ba của Hồi giáo, với đền thờ Mái vòm (Dome of the Rock) bằng vàng nổi tiếng.
Israel kiểm soát toàn thành phố và đặt trụ sở chính phủ tại đây, song việc quốc gia này sáp nhập Đông Jerusalem không được quốc tế công nhận. Phần đông cộng đồng quốc tế lên tiếng rằng quy chế cuối cùng của Jerusalem cần phải được định đoạt thông qua đàm phán.
Theo đạo luật do Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 1995, Tổng thống phải công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và bắt đầu di chuyển sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới đây, hoặc cứ sáu tháng một lần phải tuyên bố việc di chuyển này sẽ mâu thuẫn với các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.
Hồi tháng 6, ông Trump đã thực hiện quyền miễn trừ này 1 lần, tiếp nối truyền thống của các đời Tổng thống trước. Tuần này, thời hạn 6 tháng lại đến song ông chủ Nhà Trắng đã quyết định đảo ngược chính sách 7 thập kỷ của Mỹ, bằng việc tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô Israel. Tổng thống Trump cũng chỉ đạo Bộ Ngoại giao Mỹ bắt đầu quy trình di chuyển trụ sở đại sứ quán Mỹ tại Tel Aviv đến thành phố thánh địa, có thể mất tới hàng năm.
Jerusalem là đất thiêng của những tranh chấp nghìn năm giữa người Do Thái, người Cơ Đốc và người Hồi giáo. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, bước đi này của ông Trump được cho sẽ vấp phải nhiều trở ngại. Nhiều người lo ngại quyết định của ông chủ Nhà Trắng sẽ châm ngòi cho bạo lực nhằm vào công dân và các lợi ích của Mỹ, thậm chí gây đại họa ở Trung Đông, đặc biệt ở những nước có lãnh đạo ủng hộ Washington. Lãnh sự quán Mỹ tại Jerusalem đã cảnh báo công dân đề phòng các cuộc biểu tình sau khi người Palestine kêu gọi “3 ngày cuồng nộ” ở khắp Bờ Tây.
Theo các nhà bình luận, quyết định của ông Trump bất chấp can ngăn từ lãnh đạo các nước đồng minh ở Trung Đông và châu Âu có thể làm hỏng các mối quan hệ và mục tiêu đối ngoại của Mỹ.
Bước đi này gần như chắc chắn sẽ làm tiêu tan mọi hy vọng về khả năng Mỹ đóng vai trò trung gian cho những cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine. Nó cũng có thể đẩy lùi nỗ lực của con rể ông Trump là Jared Kushner nhằm làm sống lại tiến trình đối thoại Israel - Palestine.
“Jerusalem là mồi lửa, đang chờ đợi một cây diêm”, ông Aaron David Miller, nhà đàm phán hòa bình Trung Đông dưới thời các Tổng thống của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ, cảnh báo.
Tuyên bố ngày 6/12 của ông Trump gây tranh cãi dữ dội về việc cá nhân ngài Tổng thống và nước Mỹ sẽ được gì khi thực hiện một bước thay đổi chính sách lớn và nhiều rủi ro như vậy.
Theo CNN, những người chỉ trích nghi ngờ việc Tổng thống Trump đang hành động dựa trên những nguyên tắc lâu dài hay một chiến lược an ninh quốc gia thống nhất. Họ cáo buộc ông chỉ đang quyết tâm theo đuổi những mục tiêu cá nhân vào thời điểm mà ông muốn thể hiện với những người ủng hộ rằng ông đang thực hiện nhanh chóng những cam kết khi tranh cử.
Nhiều nhà quan sát cho rằng tỷ lệ ủng hộ thấp kỷ lục của ông Trump thời gian gần đây (35% theo một cuộc thăm dò ngày 5/12) là một động cơ chính trị cho quyết định của Tổng thống.
Phóng viên Kevin Liptak của CNN hồi đầu tuần đưa tin rằng Tổng thống đang lo ngại đánh mất sự ủng hộ và đã có những bước đi nhằm lấy lại sự tín nhiệm từ lực lượng bảo thủ, như việc ủng hộ ứng viên Thượng viện Roy Moore dù ông này đang bị cáo buộc tấn công tình dục các bé gái tuổi teen. Quyết định của Tổng thống Trump về Jerusalem cũng được đưa ra vào thời điểm ông đang chịu áp lực chính trị lớn khi cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử liên lụy đến những nhân vật thân cận nhất của người đứng đầu Nhà Trắng.
Tuyên bố sẽ chuyển Đại sứ quán Mỹ về Jerusalem hiện thực hóa cam kết tranh cử của ông Trump, giúp ông lấy lòng các cử tri, các nhà tài trợ giàu có của đảng Cộng hòa và những người ủng hộ chính sách đối ngoại diều hâu.
Các nhà quan sát cho rằng Tổng thống Trump lâu nay xây dựng hình ảnh của mình dựa trên ý tưởng rằng ông có đủ can đảm để làm những việc mà những người tiền nhiệm không dám làm.
Tổng thống Donald Trump bắt tay Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 23/5 tại Jerusalem. Ảnh: AP. |
Việc công nhận Jerusalem còn giúp ông Trump làm hài lòng Israel cũng như Thủ tướng của nước này, ông Benjamin Netanyahu, một trong những người ủng hộ Trump mạnh mẽ nhất trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, nó còn cho phép Tổng thống Mỹ tạo uy thế với những chính trị gia theo trường phái đối ngoại truyền thống, thể hiện hình ảnh một nhà lãnh đạo cứng rắn ở Trung Đông, một trong những khu vực hỗn loạn nhất trên thế giới.
Các quan chức Mỹ trước đó nói việc công nhận Jerusalem là thủ đô Israel sẽ là một sự công nhận "thực tế lịch sử và hiện tại", chứ không phải là một tuyên bố chính trị. Việc di chuyển Đại sứ quán Mỹ sẽ không diễn ra ngay lập tức. Trong tuyên bố ngày 6/12, Tổng thống Trump cũng nhấn mạnh việc công nhận không đồng nghĩa chính sách của Mỹ thay đổi trong vấn đề biên giới cuối cùng của nhà nước Palestine và Israel tương lai.
“Chúng tôi không thể hiện quan điểm về quy chế cuối cùng, bao gồm biên giới cuối cùng về chủ quyền của Israel với Jerusalem. Đây là vấn đề giữa những bên liên quan. Mỹ vẫn duy trì cam kết sâu sắc trong việc hỗ trợ xây dựng một thoả thuận hoà bình mà cả hai bên đều đồng ý”, Tổng thống Trump nói.
Tuyên bố này cũng sẽ không gây ra thay đổi đáng kể trên thực địa. Văn phòng và khu nhà của Thủ tướng Netanyahu, cũng như trụ sở Quốc hội, Tòa án Tối cao và Bộ Ngoại giao Israel hiện vẫn ở Jerusalem. Các lãnh đạo thế giới vẫn tới Jerusalem để gặp gỡ các quan chức Israel.
Hiện nay phần lớn Jerusalem là thành phố mở, nơi người Do Thái và Palestine có thể di chuyển tự do, mặc dù hàng rào chắn do Israel xây hơn một thập kỷ trước đang phân cách một số khu vực định cư của người Hồi giáo, khiến cho hàng chục nghìn người Palestine phải đi qua các trạm kiểm soát đông đúc để tới được trung tâm thành phố.
Một khu định cư Do Thái trong khu vực Đông Jerusalem. Ảnh: New York Times. |
Sự tương tác giữa các bên là tối thiểu, và có sự chênh lệch lớn giữa khu định cư giàu có của người Do Thái với những khu nghèo khó của người Palestine. Thêm vào đó, đa phần trong số hơn 300.000 người Palestine trong thành phố không có quốc tịch Israel, thay vào đó được xếp vào diện "cư dân".
Tuyên bố của Tổng thống Trump chủ yếu mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, nó là một bước chuyển căn bản của Mỹ đối với một trong những vấn đề cốt lõi của xung đột Israel - Palestine.
Các quan chức an ninh Israel nói họ đang theo dõi tình hình và chuẩn bị cho mọi tình huống. Israel và Palestine cũng duy trì mối quan hệ an ninh kín đáo ở Bờ Tây, giúp ngăn chặn bạo lực leo thang trong những năm gần đây.
Mặc dù vậy, rất nhiều cuộc xung đột ở Jerusalem và Bờ Tây giữa Israel và Palestine trong 20 năm qua xuất phát từ những căng thẳng ở thành phố thánh địa.
Năm 2000, chuyến thăm Núi Đền ở thành cổ Jerusalem của lãnh đạo phe đối lập Ariel Sharon người Palestine nổi giận, gây ra cuộc xung đột bạo lực kéo dài 5 năm, lấy đi mạng sống của khoảng 3.000 người Palestine và 1.000 người Israel. Ảnh: AP. |
Jerusalem đã trải qua cuộc đụng độ chết người năm 1996 sau khi Israel mở một đường hầm mới trong Thành phố Cổ. Cuộc nổi dậy thứ hai của người Palestine bùng nổ vào năm 2000 sau khi lãnh đạo phe đối lập và sau đó là Thủ tướng Israel, ông Ariel Sharon, thăm Núi Đền.
Cuối năm 2015, thành phố chứng kiến làn sóng bạo lực với các vụ đâm dao của người Palestine, một phần do số lượng ngày càng lớn người Do Thái theo chủ nghĩa dân tộc đến thăm Núi Đền. Hè năm ngoái, Jerusalem một lần nữa trải qua nhiều tuần bất ổn khi Israel tìm cách lắp đặt camera an ninh gần đền thờ Hồi giáo Al Aqsa, sau khi một tay súng Palestine giết chết hai cảnh sát Israel.
Theo Zing