Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc TP.HCM không muốn tiếp tục thực hiện dự án Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP.HCM có tổng mức đầu tư 437 triệu USD, trong đó 400 triệu USD là vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB).
Lý do là chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng của WB và của UBND TP.HCM khác nhau và hai bên không đạt được các thỏa thuận về vấn đề này.
Đơn cử như đối với đất vườn thổ cư, pháp luật Việt Nam quy định hạn mức đất ở để bồi thường, phần còn lại sẽ được bồi thường theo đất nông nghiệp. Thế nhưng, WB lại dự kiến tính bồi thường toàn bộ khuôn viên theo giá đất ở, cho chuyển mục đích toàn bộ đất nông nghiệp thành đất ở mà không thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Bình luận về động thái xin dừng dự án của TP.HCM, GS.TS Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cho rằng đây là sự tỉnh táo của TP.HCM bởi vốn ODA không phải là bữa tiệc miễn phí, lãi suất thấp, thời gian vay dài hạn như lâu nay nhiều người vẫn nghĩ.
Theo đó, vị chuyên gia nhấn mạnh, vốn ODA của WB hay bất kỳ định chế tài chính quốc tế nào, quốc gia nào đều đi kèm với các điều kiện, trong đó có cả những điều kiện về chính trị, can thiệp vào lợi ích của chính quyền đi vay nhằm đảm bảo lợi ích của họ.
TP.HCM xin hủy dự án chống ngập vay vốn ODA của WB |
"Vốn ODA luôn kèm theo điều kiện về chính trị, tùy thuộc vào nước, tùy thuộc vào công trình, vào người, tổ chức nào cho vay; đồng thời kèm theo cả quyền lợi của tổ chức, ngân hàng ở Trung ương. Nếu người vay vốn là địa phương thì sẽ phải chịu các điều kiện đó và phải nai lưng ra trả nợ.
Hơn nữa, nếu địa phương vay thì sau cũng phải tìm nguồn vốn ở chỗ nào đó mà trả. Nó khác với việc Trung ương vay, dù có vay làm công trình này hay dự án khác, nếu lãnh đạo này nghỉ thì người lên thay sau đó sẽ trả.
Tôi cho rằng để đưa ra quyết định xin hủy dự án vay vốn ODA của WB, TP.HCM đã phải tính toán, cân nhắc, phân tích rất kỹ. TP muốn tìm nguồn vốn khác, tìm chỗ cho vay nào đó, phương thức nào đó mà hiệu quả cao hơn", GS.TS Phạm Phố nhận định.
Bởi TP.HCM dám đứng ra chịu trách nhiệm về việc xin dừng dự án chống ngập vay vốn ODA của WB, không muốn bị phụ thuộc nên vị chuyên gia cũng tin rằng TP đã có tính toán để tìm nguồn vốn khác thay thế, miễn sao tránh được các điều kiện khắt khe. TP.HCM có thể hợp tác đầu tư vốn , ngay cả đối với dự án chống ngập, TP sẽ trả chậm lại hoặc thu hồi vốn lại bằng cách khác, ông gợi ý.
Cũng chính vì lẽ đó mà GS.TS Phạm Phố tin rằng việc TP.HCM xin dừng dự án trên không gây ảnh hưởng, tác động gì bởi sẽ có một địa phương, đơn vị nào đó xin vay nguồn vốn ODA này của WB để dùng vào chỗ khác, công trình khác của Việt Nam, nếu họ thấy các điều kiện WB đưa ra là hợp lý và chấp thuận được. Còn đối với TP.HCM, ông lưu ý rằng, chắc gì nếu thực hiện dự án với nguồn vốn của WB, TP.HCM đã giải quyết được tình trạng ngập nước.
"Trên cơ sở phân tích, đánh giá hiệu quả, lợi ích nguồn vốn, nếu cần thiết TP.HCM sẽ tìm nguồn vốn khác, đó không phải là nguồn vốn duy nhất", vị chuyên gia chỉ rõ.
Nhân trường hợp của TP.HCM, GS.TS Phạm Phố cũng nhắc lại câu chuyện ở Đà Nẵng từng gây xôn xao dư luận trước đây - chủ đầu tư của dự án Cảng Tiên Sa giai đoạn 2 cũng công khai từ chối vốn ODA và thay vào đó là huy động nguồn vốn ở trong nước.
Từ đây, ông lưu ý rằng, các địa phương, doanh nghiệp cần tỉnh táo trong việc sử dụng vốn ODA nói riêng và đầu tư nóí chung trong bối cảnh Việt Nam sắp tốt nghiệp ODA và các khoản vay đang và sẽ đối diện với mức lãi suất cao hơn.
"Thời gian qua, nhiều người cứ nghĩ ODA là tiền cho không biếu không, không có điều kiện gì nên ùa nhau xin vay. Tuy nhiên, sau một số dự án, nhất là ở địa phương, không trả được nợ, chi phí để vay được đồng vốn lại quá lớn, lãi suất không chính thức tăng lên, nên các nơi cũng đã rút kinh nghiệm, cảnh giác về chuyện này.
Mỗi một đồng vốn đi vay đều kèm theo nhiều điều kiện nên mỗi địa phương phải cân nhắc thận trọng. Dự án nào thực sự cần thiết và phát huy được hiệu quả với nền kinh tế thì mới đầu tư xây dựng và một khi đã thực hiện thì phải quyết làm cho xong để không bị đội vốn, chậm tiến độ, tránh tình trạng đi vay ODA về là xây dựng tràn lan như vừa qua", GS.TS Phạm Phố lưu ý.
Theo Đất Việt