Ngày 20/11, Mai Linh chính thức ra mắt dịch vụ xe ôm công nghệ. Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về sự “chậm chân” của Mai Linh Bike khi thị trường đã có 2 đối thủ quá mạnh là UberMoto và GrabBike. Thậm chí, Chủ tịch Grab Việt Nam còn tuyên bố đã “xong” trận đánh về thị phần. Tuy nhiên, một số ý kiến lại lạc quan cho rằng Mai Linh Bike có những cơ hội riêng dù “sinh sau đẻ muộn”.
Chuyên gia kinh tế, Phó tổng thư ký diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) Nguyễn Đức Tùng cho rằng việc ra mắt xe ôm công nghệ vào lúc này cho thấy Mai Linh “đang đi xuống”.
Theo ông, Mai Linh nên thay đổi tư duy quản trị và nâng cao nhận thức ứng dụng công nghệ vào để quản trị hệ thống ôtô tốt hơn. Trong tương lai gần, Hà Nội sẽ cấm xe máy. Do đó, việc đầu tư một cái đó rất ngắn hạn, thể hiện chiến lược kinh doanh chưa hợp lý.
Nhiều tài xế đã đăng ký chạy Mai Linh Bike. Ảnh: Mai Linh Group. |
Nói về thách thức của Mai Linh, ông Tùng nhận định ứng dụng xe ôm công nghệ ra đời quá muộn. Lúc này, hình ảnh xe ôm công nghệ đã không còn “tròn trịa”, văn minh như giai đoạn đầu mới có UberMoto và GrabBike.
Nguyên nhân làm mất đi sự “tròn trịa” chính là các tài xế tham gia cung cấp dịch vụ. Nhiều lái xe hiểu biết luật pháp hạn chế, vi phạm luật giao thông, tài xế mạo danh Uber, Grab hành nghề chắt chẹt khách hàng…
“Sự thay đổi này so với bản thân Mai Linh có thể là tốt, nhưng với thị trường đã chậm một bước, đi vào giai đoạn thoái trào của một xu hướng”, ông Tùng nêu quan điểm.
Cơ hội của Mai Linh, theo chuyên gia này, hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng dịch vụ có thể cung cấp cho khách hàng với việc đào tạo, có tiêu chuẩn riêng... cho lái xe.
“Khách hàng đang chờ đợi một cái gì đó khác biệt, văn minh hơn, hiện đại hơn, thậm chí là rẻ hơn… Nếu Mai Linh Bike ra sau lại không làm được gì trội hơn mà vẫn đi vào 'lối mòn' là một sự khởi đầu không thuận lợi”, ông Tùng chia sẻ.
Ông Trần Bằng Việt, Chủ tịch Liên đoàn các nhà lãnh đạo và doanh nhân trẻ toàn cầu (JCI) tại Việt Nam, nguyên Tổng giám đốc Mai Linh Taxi, lại cho rằng việc đưa ra sản phẩm tấn công vào thị trường xe ôm công nghệ là hành động rất thông minh của hãng.
Theo ông Việt, với cách này, Mai Linh vừa thử nghiệm hệ thống, mô hình, vừa có thêm một phân khúc khách hàng mới, cũng như tấn công trực tiếp vào đối thủ. Nếu muốn tồn tại, Mai Linh không thể không thay đổi mô hình điều hành theo hướng ứng dụng công nghệ. Việc thêm xe ôm vào không tăng thêm chi phí nhưng lại làm tăng thêm lựa chọn cho khách hàng.
Ông Việt cho rằng thị trường vận tải hành khách bằng xe máy ở Việt Nam vẫn còn dư địa rất lớn. “Thị trường vẫn còn cơ hội cho kẻ thứ 2 trong trung hạn”, ông Việt nhấn mạnh. Ngoài ra, điểm mạnh của Mai Linh là lợi thế riêng.
Theo ông, Mai Linh làm thế nào dựa trên lợi thế sẵn có của mình là điều sống còn. Theo đó, Mai Linh nên quan tâm đến chất lượng và hiệu quả thay vì chỉ cố gắng có thêm khách hàng. Ngoài ra, có thể sử dụng khéo léo khuyến mãi ở một mức độ nào đó. Không nên bắt chước chiêu của đối thủ bằng mọi giá.
Chuyên gia cho rằng nếu Mai Linh Bike ra sau lại không làm được gì trội hơn mà vẫn đi vào “lối mòn” là một sự khởi đầu không thuận lợi . Ảnh: Mai Linh Group. |
Những ngày này, Minh Tuấn (quận Cầu Giấy, Hà Nội), một "Grabiker cũ", có những khoản thu nhập đầu tiên từ chạy xe ôm công nghệ cho Mai Linh.
Tuấn gia nhập Mai Linh Bike ngay từ những ngày đầu tiên hãng này tuyển dụng. Trải qua quá trình làm hồ sơ ngắn và đào tạo chỉ kéo dài khoảng 2 tiếng, Tuấn đã có đồng phục, mũ, tài khoản và quan trọng là khách hàng để có thể kiếm thu nhập.
Tuấn đăng ký làm tài xé GrabBike đúng lúc ưu đãi của Grab cho tài xế xe ôm kém hấp dẫn, hết thưởng, tỷ lệ chiết khấu lên cao trong khi cạnh tranh càng lớn. Kiếm tiền từ GrabBike khó khăn nên Tuấn chuyển sang Mai Linh chỉ vì chính sách chiết khấu, ưu đãi của hãng này hơn Grab cùng niềm tin "thương hiệu của người Việt sẽ được dùng ngày càng nhiều".
Cũng chạy xe được vài ngày như Tuấn, anh Nguyễn Hoàng (quận Hai Bà Trưng) cho biết đã đạt được mức thu nhập 120.000 đồng vào ngày thứ 3 chạy xe. Các ngày trước đó số tiền chỉ vào khoảng 40.000-60.000 đồng. Việc tăng thu nhập từng ngày và giữ lại toàn bộ số tiền kiếm được khiến anh Hoàng khá vui.
Tuy nhiên, một số tài xế khác lại lo lắng Mai Linh sẽ đi theo "vết xe đổ" của các hãng xe ôm công nghệ trước đây: giảm dần chính sách ưu đãi với tài xế, khiến cho "miếng bánh" kém hấp dẫn.
Ông Hồ Huy, Chủ tịch tập đoàn Mai Linh, cho biết hãng này đã mất tới 2 năm để chuẩn bị ra mắt ứng dụng. Hiện tại là giai đoạn thử nghiệm và hoàn thiện việc đặt xe.
Không nói nhiều đến những thách thức khi gia nhập thị trường xe ôm công nghệ, ông chủ Mai Linh nói về những lợi thế cạnh tranh và ưu điểm so với đối thủ. Ông Huy nhấn mạnh ứng dụng được viết theo văn hóa truyền thống người Việt Nam. Giá cước sẽ không có chuyện tăng giá vào giờ cao điểm hay tắc đường như Uber và Grab hiện tại, sẵn sàng hỗ trợ khi có tai nạn, cướp giật với tài xế...
Có ý kiến cho rằng Mai Linh cần nâng cao chất lượng dịch vụ để cạnh tranh với đối thủ. Ảnh: Hiếu Công. |
Ông chủ Mai Linh nhấn mạnh đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ. Cũng giống như nhiều sản phẩm khác, Mai Linh coi “khách hàng là thượng đế, lái xe là ngọc hoàng”. Mai Linh sẽ có chính sách để bảo vệ và đảm bảo quyền lợi của tài xế và khách hàng.
Lãnh đạo khẳng định cam kết ngày càng lợi nhiều cho tài xế: “Đi Uber Grab cộng rất nhiều chi phí trong đó. Còn Mai Linh chỉ có 1 chi phí thôi, không cộng thêm phí giờ cao điểm, phí đăng ký mạng".
Tuy nhiên, câu chuyện mà không ít khách hàng đặt ra là với dịch vụ truyền thống của Mai Linh là taxi, chất lượng dịch vụ của hãng đã thực sự gây được ấn tượng với khách hàng?
"Uber, Grab một thời gian dài giành được khách của taxi truyền thống cũng bởi người dùng đã thất vọng với chất lượng, từ phương tiện, đến dịch vụ, thái độ của tài xế thì liệu chỉ dùng tiêu chí "định tính" là dịch vụ để cạnh tranh, Mai Linh Bike thật sự có cơ hội lớn?", một độc giả Zing.vn đặt câu hỏi.
Theo Zing