Chiêu trò bán TV trong dịp Black Friday của người Mỹ

Thứ ba, 21/11/2017, 13:46
Nhiều mẫu TV bán ra trong dịp này chất lượng kém và người dùng không thể phân biệt được nếu chỉ dựa vào cấu hình, thương hiệu hay mức giá.

Black Friday, hay Thứ Sáu Đen, là "ngày vàng mua sắm" của người dân Mỹ với hàng chục nghìn mặt hàng giảm giá cực lớn. Nhiều năm trở lại đây, TV và máy chơi game là hai mặt hàng thường được mua sắm nhiều nhất.

Nguyên nhân cho sự bùng nổ này là giá rẻ.

Chẳng hạn năm nay, theo các quảng cáo của Best Buy, một chiếc TV 4K 50 inch của Sharp đi kèm bộ thu phát tín hiệu Roku chỉ có giá 179,99 USD. Hay bạn có thể mua một chiếc TV LED 60 inch từ Sony với giá 600 USD, thay vì 1.000 USD như ngày thường. Các dòng TV 4K cũng giảm giá cực mạnh tới vài trăm USD trên mỗi sản phẩm. Nhiều trung tâm thương mại dịp này bán được hàng nghìn chiếc TV chỉ sau một giờ mở cửa. Rất ít người cưỡng được sự hấp dẫn này mặc dù trong lòng tràn ngập những nghi ngờ về việc nhà sản xuất sẽ kiếm tiền ra sao với mức giá bán ra này.


Trên thực tế, với người dùng, vấn đề không nằm ở giá bán mà là giá trị của các sản phẩm. Sự kết hợp giữa giá thấp và các nhãn dãn quảng cáo hào nhoáng có thể khiến người mua hàng sau đó phải hối tiếc.

Theo AOL, điều đầu tiên người dùng cần lưu ý là hầu hết các TV được bán trong suốt dịp Black Friday đều có chất lượng kém. Đại đa số thuộc về các hãng không mấy tên thương hiệu và có chất lượng màn hình khá tệ.

Cùng một tiêu chuẩn HD TV nhưng không phải là tất cả đều giống nhau, một phần bởi chịu sự ảnh hưởng từ kích thước màn hình và độ phân giải. Một dòng sản phẩm chất lượng cao thường mang lại hình ảnh vượt trội, màu sâu và chính xác trong khi TV có màn hình kém khiến người dùng khó chịu khi có độ trễ cao, gây cảm giác giật khi chơi game hay xem các phim hành động. Cùng là một mẫu TV HD 50 inch nhưng kết quả hình ảnh mang lại có thể sai khác "một trời một vực".

Chuyên trang về đồ gia dụng Consumer Reports phân chia các thương hiệu TV thành ba dòng. Hạng A gồm bốn nhà sản xuất là LG, Panasonic, Samsung và Sony. Hạng B gồm Vizio và Sharp. Còn hạng C+ gồm các dòng ít tên tuổi như Insignia, Toshiba, JVC, Philips, Magnavox và Sanyo. Ngoài ra, còn một vài hãng "không đáng được nhắc tới" nhưng vẫn có số lượng TV bán ra khổng lồ trong dịp này với mức giá "giật mình" như Target, Element...

Nhà phân phối Walmart từng hứa hẹn sẽ bán cho người tiêu dùng một chiếc TV HD 32 inch giá 98 USD, nhưng thậm chí còn không quan tâm đến việc liệt kê tên thương hiệu trong quảng cáo của mình. Và trên thực tế, nhiều người mua cũng chỉ quan tâm tới giá tiền chứ không thực sự muốn biết thương hiệu của sản phẩm là gì.

Với các thương hiệu tên tuổi, Black Friday là một dịp tốt để họ xử lý hết các sản phẩm chất lượng không hoàn hảo của mình. Một hãng sản xuất TV dù nổi tiếng vẫn không tránh khỏi được việc tạo ra các dòng sản phẩm không tốt, bị giới chuyên môn đánh giá thấp.

Nhưng nếu không có doanh số bán tốt trong năm, chúng vẫn còn có một cơ hội để tới tay người dùng đó là Black Friday. Việc gọi tên các mẫu TV bằng những con số và ký tự khiến người dùng khó có thể nhận biết đâu là một mẫu sản phẩm chất lượng và dễ bị nhầm lẫn khi chỉ nhìn tên thương hiệu, nhất là khi chúng được đặt cạnh nhau.

Một vấn đề quan trọng khác của những mẫu TV giá rẻ mà người dùng có thể nhìn thấy trong dịp này là các phiên bản "phái sinh". Nói một cách đơn giản, đây là dòng sản phẩm được sản xuất ra với mục đích duy nhất là lôi kéo người mua bằng mức giá rẻ, thành quả của quá trình hợp tác riêng giữa nhà sản xuất và nhà phân phối.

Chúng được tạo ra dựa trên nguyên mẫu của các TV đầy đủ tính năng, nhưng thường bị thiếu các tính năng chính hay các bộ phận ít quan trọng được thay thế bởi linh kiện chất lượng kém hơn, ví dụ tỷ lệ làm tươi màn hình bị giảm từ 120 Hz xuống 60 Hz, gây ảnh hưởng khi xử lý các video có tiết tấu nhanh. Tất cả chỉ để hướng tới việc có thể giảm giá mạnh.

Các mẫu TV này được sản xuất với số lượng giới hạn vì mục đích chính của nó là bán hết trong dịp Black Friday. Với người mua, rất khó để xác định đâu là một sản phẩm hoàn hảo bởi khó có thể nhanh chóng tìm ra các thiếu sót trên những thiết bị này, trừ khi đã sử dụng được một thời gian.

Đặc điểm nhận dạng duy nhất của chúng là người dùng không thể tìm thấy các mẫu mã này ở bất kỳ các nhà bán lẻ nào khác, ngoại trừ đơn vị phân phối đã hợp tác với nhà sản xuất. Chiến lược này dễ dàng khiến khách hàng bị hoang mang bởi không thể so sánh với các sản phẩm cũ do không cùng tính năng và cấu hình.


Vậy có cách nào để tránh được việc mua phải TV kém chất lượng trong dịp khuyến mãi khổng lồ này? Câu trả lời là có.

Đầu tiên, người dùng cần xác định mình thực sự cần gì. Nguyên tắc mua sắm trong các dịp khuyến mãi được nhiều người truyền tai nhau là "Dừng lại" và "Hít thở sâu". Không nên quá chú ý tới các con số và đừng mua nó chỉ vì đó là một mức giá tốt. Người dùng nên chọn sản phẩm bởi vì đó là cái gì mà bạn cần hoặc mong muốn.

Tiếp theo, hãy chọn các mẫu mã gần với hiện tại, tốt nhất là dòng thiết bị được bán ra năm ngoái. Bạn sẽ không cảm thấy quá lạc hậu về công nghệ cũng như bớt đi nhiều áp lực về chi phí so với các mẫu TV mới xuất hiện trong năm nay.

Một điều khác cần nhớ là cửa hàng có quảng cáo rầm rộ nhất có thể không phải là nơi có mức giá thấp nhất. Hãy truy cập vào các công cụ tìm kiếm để xem liệu có thể tìm thấy một nơi bán tốt hơn hay không. Nên nhớ rằng đôi khi giá cả do nhà sản xuất thiết lập và nó không thay đổi giữa cửa hàng này với cửa hàng khác. Tuy nhiên, một số nơi sẽ tặng thêm các món quà bổ sung hoặc thẻ quà tặng.

Cuối cùng, đừng bao giờ cho rằng giá bán trong dịp Friday Friday là mức giá thấp nhất. Nhiều chuyên gia marketing tiết lộ rằng nhiều cửa hàng cung cấp các mức giá tốt hơn vào những thời điểm khác trong năm. Nếu có thể, hãy kiểm tra lịch sử giá bán của sản phẩm mà người dùng định mua. Đừng nghĩ rằng lúc này mua được một chiếc TV với giá 200 USD, tiết kiệm 50% là bạn đã có lời. Bởi từng có thời điểm nó đã được bán ra với mức giá chỉ 150 USD.

Theo VNE

Các tin cũ hơn