Từ Bắc vào Nam thương lái Trung Quốc có mạng lưới như chân rết

Thứ bảy, 18/11/2017, 09:56
Rất nhiều loại hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc rồi nhập về Việt Nam bán dưới thương hiệu hàng Việt. Nhưng để có được những mối làm ăn đó, phải kể đến sự hiện diện của vô vàn thương lái Trung Quốc tại Việt Nam.

Mạng lưới thương lái Trung Quốc như chân rết

Chỉ cần thấy sản phẩm nào đó đang bán chạy tại thị trường Việt Nam, lập tức các công ty có thể liên lạc với đội thương lái Trung Quốc để tìm mẫu bên đó và đặt sản xuất để nhập hàng về. Mỗi tỉnh của Trung Quốc lại chuyên sản xuất về một mặt hàng nào đó.

Ví dụ như Quảng Châu, Quảng Đông chuyên sản xuất giày dép, quần áo hay Chiết Giang thì rất mạnh về sản xuất nhựa, khuôn nhựa các loại. Vì thế, chỉ cần có mẫu và kích thước gửi sang cho đội thương lái đi tìm thì không quá khó khăn.

Anh T. - giám đốc một công ty nhựa kể: “Việc thuê người tìm các sản phẩm mình cần bên Trung Quốc rất dễ dàng, nhiều đến mức như là chợ người. Mình có thể thuê từ tìm kiếm đầu vào, đầu ra, vận chuyển tiểu ngạch, chính ngạch cho đến người đi tìm khuôn, tìm mẫu đều có.”

“Sau khi tìm được xưởng nhận làm, họ lập tức báo giá cho từng lô sản phẩm, lấy càng nhiều giá càng rẻ, chỉ sợ không có tiền nhập hàng thôi. Nhưng phải nói thật, bên Trung Quốc họ làm quá chuyên nghiệp, sản xuất theo kiểu công nghiệp, mình không thể cạnh tranh được”, anh T. nói.

Người Việt thường sang chợ giày dép bên Quảng Châu, Trung Quốc để nhập hàng. Mỗi chuyến đi bằng ôtô khách chi phí cho một người cũng lên tới 5 triệu đồng

Không những vậy, anh T. còn cho biết: “Đối tác Trung Quốc làm ăn với mình rất uy tín, làm cùng nhau vài năm nhưng chưa bao giờ họ bùng tiền hay tráo hàng. Còn lịch hẹn trả tiền luôn đúng hạn, thậm chí, họ sẵn sàng ứng trước cho mình 20 – 30% nếu như gặp khó khăn về tài chính.”

“Nhiều người nghĩ rằng phải sang Trung Quốc tìm kiếm mới có các mối trung gian trung thành như vậy. Nhưng thực ra, đội thương lái này ở Việt Nam rất nhiều. Họ hoạt động thành từng nhóm như chân rết, đi sâu vào các làng nghề, khu công nghiệp để tìm nhà cung cấp 2 chiều”, anh T. cho biết thêm.

Để có được mối quan hệ làm ăn uy tín và lâu dài như bây giờ, anh T. nhớ lại: “Đầu tiên khi gặp, các ông chủ buôn người Trung Quốc đóng giả làm 1 “cò mồi” vớ vấn đến bàn chuyện làm ăn. Nhưng hỏi đến việc gì cũng giả vờ gọi về cho ông chủ hỏi ý kiến. Nhưng phải có bạn giới thiệu thì họ mới ra mặt. Sau một vài đơn hàng làm ăn uy tín, mối quan hệ tin tưởng được xây dựng, họ mời mình sang bên Chiết Giang nhà họ chơi để tăng sự tin tưởng.”

“Đội thương lái này thường xuyên có mặt ở Việt Nam để tìm kiếm thị trường và cầm hàng mẫu sang chào hàng các DN Việt Nam hoặc trong các làng nghề. Mỗi đơn hàng chốt thành công, họ sẽ được hưởng 5 – 7%/giá trị đơn hàng”, anh T. chia sẻ.

Giao thương 2 chiều, tìm đường cho hàng Việt

Hoạt động giao thương giữa 2 nước là 2 chiều, không chỉ là mình mua của họ, mà họ cũng nhập hàng của mình khá nhiều, nhưng chủ yếu là mình xuất hàng nguyên liệu còn nhập của họ thành phẩm.

Anh T. khẳng định: “Mình không cạnh tranh được với họ ngay từ khâu nguyên liệu, vì họ mua nhiều hàng container nên giá bao giờ cũng rẻ hơn nhiều. Thương lái Trung Quốc thường xuyên “ăn chực nằm chờ” ở Việt Nam để nhập nguyên liệu”.

“Ngay trong các làng sản xuất nhựa, lúc nào cũng rất có nhiều thương lái Trung Quốc, ngủ nghỉ tại các nhà nghỉ, rồi thuê xe ôm chở rong ruổi quanh làng để tìm mua nhựa. Nếu thử thấy tốt thì xuống tiền luôn và có xe container vào bốc hàng ngay tại kho chở thẳng về Trung Quốc. Vì thế nên các doanh nghiệp Việt vừa và nhỏ như mình không tài nào cạnh tranh nổi giá”, anh T. thở dài than.

Thời gian tới, anh T. muốn thay đổi dần cách làm ăn, nên đã thuê người sang tìm hiểu thị trường Trung Quốc để chuyển hướng xuất khẩu sang đó.

Trước mắt anh T. dự định: “Mình sẽ xuất dây chun cao su sang Trung Quốc. Hiện giờ đang đặt để buôn, nhưng thời gian tới mình sẽ tự sản xuất. Hiện giá đang khoảng 45.000 – 50.000 đồng/kg. Mình chỉ cần báo giá thêm 2.000 đồng/kg nữa là đã có lãi. Hàng bốc hàng tại xưởng xuất hàng thẳng sang Trung Quốc, cứ 2 ngày/container.”

Tuy nhiên, số tiền lãi 2.000 đồng ấy lại phải chia 3: cho 1 đối tác người Việt và 1 đối tác Trung Quốc nữa (chính là người đi tìm thị trường). Hợp tác với nguyên tắc không được qua mặt nhau, nhất là đối tác người Trung Quốc. Vì bao giờ, mình cũng thuê 2 người để nếu 1 trong 2 báo khống giá sẽ thôi hợp tác luôn.

Ngoài mặt hàng đó ra, anh T. còn đang nghiên cứu gom các loại bàn ghế gỗ chưa sơn (hàng bán thành phẩm) để xuất ngược lại Trung Quốc qua đường chính ngạch. Vì, thương lái đang làm ăn với anh T. chỉ trong vòng 2 năm đi buôn bàn ghế gỗ từ Việt Nam sang Trung Quốc đã thu lời 70 tỷ đồng.

Trầm ngâm một lúc, giám đốc trẻ nói: “Tuy mình không nhập hàng Trung Quốc về bán, nhưng phải khẳng định một điều: Hàng Trung Quốc sản xuất ra so với hàng Việt Nam sản xuất thì chất lượng, mẫu mã đẹp hơn, giá lại rẻ hơn rất nhiều, nên DN Việt không có cửa cạnh tranh.”

“Nhiều khi doanh nghiệp nhựa như mình định làm một số sản phẩm mà thị trường đang chuộng, nhưng tính toán ra thì không cạnh tranh nổi với hàng nhập Trung Quốc. Vì sản xuất ra, chỉ sau 1 thời gian ngắn loại hàng giống y hệt đã xuất hiện với giá rẻ hơn. Bởi, bất cứ thứ gì hiện diện trước mặt mọi người bây giờ đều có thể đặt hàng bên Trung Quốc được, nên nhiều DN Việt không vượt qua được 2 chữ “lợi nhuận”, anh T. nói.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn