Tiêu hủy toàn bộ số lợn bị tiêm thuốc, bêu tên các thương lái làm ăn bất chính

Thứ ba, 03/10/2017, 12:58
“Để 3.750 con lợn bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ tại TP.HCM mới đây, chúng tôi sẽ công khai tên tuổi 13 thương lái được coi là chủ lò vi phạm và cảnh báo số thương lái này khi đưa thịt lợn vào thành phố sắp tới”- PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM chia sẻ với PV.


Phạt như “gãi ngứa”

Liên quan đến vụ xử lý 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ tại cơ sở giết mổ Xuyên Á ở huyện Củ Chi, bà có đề xuất gì về vụ này?

Tôi vừa kiến nghị và được UBND TP.HCM chấp thuận để tiêu hủy toàn bộ lô lợn này. Không để nuôi nhốt chờ đào thải thuốc ra khỏi lợn rồi đưa vào giết mổ tiếp. Bởi lẽ, làm theo cách này sẽ không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa do nguy cơ tồn dư thuốc, vừa do nguy cơ bệnh lở mồm long móng trong quá trình lưu trữ. Đồng thời, chúng tôi công khai tên tuổi đối với 13 thương lái là chủ lò vi phạm, và có biện pháp kiểm soát chặt sản phẩm thịt lợn từ nguồn thương lái này khi vào địa bàn TP sắp tới.

Theo bà, mức xử phạt 10-35 triệu đồng đối với những trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm có đủ sức răn đe?

Nói thật, mức phạt từ 30-35 triệu đồng/trường hợp, sau đó lợn vẫn nuôi nhốt chờ thải thuốc lại cho giết mổ là như “gãi ngứa”. Chúng tôi đã kiến nghị bổ sung quy định các mức xử phạt nghiêm khắc với các hành vi nêu trên.

Để phát hiện vụ việc, cơ quan chức năng đã phải mật phục cả tháng trời, số lượng lên đến cả ngàn con nên cần phải xử lý nghiêm để ngăn ngừa tái phạm. Chúng ta không nên sa vào cuộc chiến pháp lý là xử lý như thế nào mới đúng luật. Không có luật nào cao bằng lòng dân. Cách đây mấy tháng, tại TP.HCM, cơ quan thú y đã phát hiện lợn tiêm thuốc an thần và đề nghị tiêu hủy. Điều này cho thấy việc tiêu hủy là cần thiết để đảm bảo tính răn đe của pháp luật.

Bêu tên các doanh nghiệp vi  phạm

Thưa bà, mặc dù đã có nhiều chương trình quản lý ATTP, nhưng dường như tình trạng ngộ độc vẫn xảy ra?

Đúng là dù đã nâng cao khả năng phòng chống ngộ độc nhưng nó vẫn xảy ra. Mới đây là các vụ nhỏ lẻ ở quận 7, H. Hóc Môn và Q. Thủ Đức. Sau khi xác minh, điều tra dịch tễ, kiểm nghiệm mẫu… thì chưa thể kết luận là ngộ độc tập thể. Tuy nhiên, tất cả đều phải nâng cao cảnh giác.

Chúng tôi xác định đây là vấn đề cấp bách nên công tác quản lý ngộ độc của Ban triển khai theo nhiều hướng. Theo đó, đối với bếp ăn tập thể, bếp ăn công nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp đã được triển khai, liên kết với Liên đoàn lao động TP.HCM cùng các Khu chế xuất- Khu công nghiệp.

Yêu cầu công ty cung cấp suất ăn và công ty mua thức ăn phải có giấy tờ đầy đủ. Rồi cơ chế giám sát, tập huấn, tự kiểm tra… Tất cả đều đã lên kế hoạch thực hiện. Đặc biệt, phải biết cách xử lý ngộ độc nếu xảy ra. Trong tháng 10 sẽ có kế hoạch diễn tập, chọn 1 công ty, 1 trường học để nếu có trường hợp ngộ độc xảy ra thì phối hợp với ngành y tế xử lý như thế nào.

Dù làm tốt nhưng không hậu kiểm, không có lực lượng thanh tra thường xuyên, sâu sát vấn đề thì khó đảm bảo bữa ăn sạch cho dân, bà nghĩ sao?

Tôi thừa nhận lĩnh vực thanh tra cực kỳ quan trọng. Vì vậy, Ban đã đào tạo được đội ngũ thanh tra với 250 người chia thành 11 đội thanh tra chuyên ngành. Tất cả đều được cấp chứng chỉ hoạt động. Thanh tra ATTP có mặt ở các quận huyện. Đội trưởng và đội phó phải tham gia vào ban chỉ đạo liên ngành VSATTP của quận, huyện để khi có thanh tra sẽ phối hợp với nhau. Cũng như nếu thanh tra của Ban mà đi kiểm tra doanh nghiệp thì sẽ gọi quận cùng tham gia.

Khi thanh tra chuyên ngành thiên về quận huyện như vậy sẽ gắn với thực tế địa phương. Tuy nhiên, tôi cũng băn khoăn là nhân sự còn hơi ít. Mang tiếng có 250 thanh tra viên nhưng chia ra cho 11 đội thì chỉ có 20 – 30 người/đội. Một địa bàn rộng lớn gồm 3 quận huyện nhưng chỉ có 30 thanh tra, buổi tối lại còn đi kiểm dịch. Tuy nhiên, bước đầu lực lượng này làm việc cũng rất hiệu quả.

Doanh nghiệp than phiền rất “khổ sở” khi liên tục bị thanh tra. Bà nghĩ sao về điều này?

Mục tiêu của Ban là “xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn, cải cách hành chính và tăng cường thông tin truyền thông”. Về cải cách hành chính, chúng tôi đứng về phía DN trong việc bãi bỏ những cái không phù hợp, cố gắng giảm bớt những thủ tục gây phiền hà… Cái chính không phải là cấp phép, quan trọng là công tác hậu kiểm và thanh tra sau khi cấp phép.

Theo đó, hộ kinh doanh cá thể sẽ do quận hoặc phường chịu trách nhiệm thanh kiểm tra, từ DN trở lên do đội hoặc Ban kiểm tra. Nhưng dù kiểm tra thế nào đi nữa, vẫn không được gây phiền hà cho DN. Với những DN liên tục vi phạm, chúng tôi cũng sẽ “bêu tên” lên web của Ban, công khai trên các phương tiện truyền thông…

Vấn đề VSATTP ở TP.HCM đặc biệt phức tạp, vì vậy chúng tôi cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Thời gian tới chúng tôi tập trung chuyển hướng trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm thành một trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm. Các mẫu thực phẩm sẽ ưu tiên đưa về đây để kiểm nghiệm.

Cám ơn bà!

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn