Tiêm thuốc an thần gần 4.000 con lợn: Cán bộ thú y thông đồng?

Thứ ba, 03/10/2017, 09:36
Cơ quan chức năng vừa phát hiện lò mổ Xuyên Á, nơi cung cấp 50% lượng thịt cho thị trường TP.HCM, đang tiêm thuốc an thần cho 3.750 con lợn trước khi giết mổ. Đáng nói số lợn có đeo vòng truy xuất nguồn gốc vẫn bị tiêm thuốc khiến người tiêu dùng hoang mang. Dư luận đặt câu hỏi, có hay không việc thông đồng của cán bộ thú y với các thương lái bất lương trong vụ việc này?

Heo bị tiêm thuốc an thầm nằm ngủ li bì tại lò mổ Xuyên Á (ảnh lớn). Các thiết bị tự chế và thuốc an thần để tiêm vào heo trước khi mổ (ảnh nhỏ).

Tận thấy lò mổ heo…an thần

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, lúc đột kích vào cơ sở giết mổ Xuyên Á, cơ quan chức năng phát hiện 2 nhân viên đang tiêm thuốc an thần cho lợn với các dụng cụ tự chế nhằm tiêm nhanh hơn, số lượng lớn hơn. Cơ sở này mỗi đêm giết mổ khoảng 5.000 con heo, cung cấp 50% lượng thịt cho thị trường TP.HCM.

Tại thời điểm kiểm tra, trong các chuồng của cơ sở này có tổng cộng 5.231 con lợn. Qua lấy 144 mẫu nước tiểu của tất cả các lô lợn cùng 4 mẫu thuốc trong các lọ nhựa sử dụng để tiêm vào lợn để kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có 3.750 con dương tính với thuốc an thần. Trong số lợn bị tiêm thuốc an thần có lượng lớn đã đeo vòng truy xuất nguồn gốc.

Theo ông Dũng, thuốc có dung dịch màu vàng trong chai nhựa có chứa thành phần Acepromazine, thương lái tiêm thuốc này vào lợn nhằm tạo cho thịt có màu bắt mắt sau khi giết mổ để bán được giá cao hơn. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện kịp thời, tồn dư của chất này trong thịt sẽ gây nguy hại đến người tiêu dùng như làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là các bệnh về đường tiêu hóa, thận, thần kinh, gây đãng trí, trầm uất… Sử dụng lâu dài, lượng lớn sẽ phát huy tác hại.

Hiện cơ quan chức năng đã lập biên bản xử phạt hành chính với khung hình phạt từ 30-35 triệu đồng với mỗi trường hợp tiêm thuốc an thần cho heo. Trong đó, có 2 trường hợp đã cam kết không sử dụng chất cấm nhưng vẫn vi phạm nên bị lập biên bản xử phạt mức cao nhất là 35 triệu đồng mỗi trường hợp, các trường hợp còn lại phạt 32 triệu.

Về số lợn bị tiêm thuốc an thần có lượng lớn được đeo vòng truy xuất nguồn gốc, ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM (đơn vị cung cấp kỹ thuật vòng đeo truy xuất nguồn gốc) cho biết, mỗi ngày có trên 3.700 con lợn được đeo vòng truy xuất nguồn gốc từ lò mổ này xuất ra thị trường.

Việc đeo vòng truy xuất nguồn gốc thịt lợn chỉ là người tiêu dùng biết được nguồn gốc thịt chứ không phải chứng minh thịt heo đó đảm bảo an toàn. “Vòng đeo cho lợn chỉ là công nghệ để theo dõi nguồn gốc thịt chứ công nghệ không thể đảm bảo an toàn thực phẩm. Việc này thuộc trách nhiệm của Chi cục Thú y”, ông Trung nói.

Cũng theo ông Trung, vòng truy xuất nguồn gốc hiện tại chỉ mới cập nhật được từ lúc nuôi đến lúc heo được đưa vào lò mổ. Giai đoạn từ lò mổ ra thị trường tiêu thụ đến ngày 15/10 mới bắt đầu áp dụng.

Trách nhiệm ở đâu?

Việc để xảy ra tình trạng tiêm thuốc an thần cho hàng ngàn con lợn trước khi giết mổ, nếu không bị cơ quan chức năng phát hiện sẽ gây hậu quả không nhỏ đến người tiêu dùng. Có hay không cán bộ thú y thông đồng với các thương lái và cơ quan quản lý bỏ ngỏ việc này?

Theo tìm hiểu của PV, một người bị phát hiện đang tiêm thuốc vào lợn cũng thừa nhận đó là công việc hàng ngày của họ?!. Còn ông Phạm Tiến Dũng cho biết, những người tiêm thuốc an thần vào lợn không chỉ sử dụng các dụng cụ bơm bình thường mà còn dùng cả các bình truyền nước biển, các dụng cụ tự chế để tiêm thuốc nhanh hơn, tần suất nhiều hơn.

Về vấn đề này, ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục phó Chi cục Thú y TP.HCM giải thích, hàng ngày lượng lợn được nhập vào để giết mổ với số lượng lớn. Trong khi đó nhân lực của Chi cục mỏng dẫn đến việc rất khó để kiểm soát được các thương lái lén lút tiêm thuốc vào heo lúc nhập trại hoặc trong các chuồng lưu trữ chờ giết mổ.

Bình thường chỉ có 7 cán bộ túc trực ở lò mổ Xuyên Á, thời gian cao điểm cũng chỉ có 17 cán bộ chia ra kiểm soát tất cả các khâu. Các thương lái lợi dụng lúc sơ hở để lén lút tiêm thuốc cho lợn. “Hơn nữa, khi phát hiện có cán bộ thú y đi kiểm tra, những người ở ngoài dùng cây đuổi lợn gõ mạnh vào thành chuồng bằng sắt để cảnh báo những người bên trong”- ông Phát lý giải.

Theo ông Phát, từ đầu năm đến nay đã phát hiện 7 trường hợp tiêm thuốc an thần vào lợn với số lượng hàng nghìn con. “Hiện Chi cục trưởng đã yêu cầu các cán bộ làm việc ở lò mổ Xuyên Á viết giải trình và phối hợp với cơ quan công an để làm rõ trách nhiệm. Nếu có dấu hiệu thông đồng với các thương lái sẽ xử lý theo quy định. Để xác định có hay không việc thông đồng, cấu kết, trách nhiệm của cán bộ thú y thì đợi cơ quan công an, thanh tra làm việc với các cán bộ này mới đảm bảo khách quan ”, ông Phát nói.

Ngoài ra, theo ông Phát, Chi cục Thú y đã mời tất cả các thương lái đến để phổ biến Nghị định 90 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y với mức xử phạt từ 30-35 triệu đồng mỗi trường hợp vi phạm. Chi cục cũng đã yêu cầu tất cả các thương lái ở cơ sở giết mổ Xuyên Á ký cam kết không sử dụng chất cấm trong hoạt động giết mổ. Tuy nhiên, với hai trường hợp có ký cam kết mà vẫn vi phạm đã bị yêu cầu chủ cơ sở kết thúc hợp đồng giết mổ ngay lập tức.

Ông Phạm Tiến Dũng cho biết, thời gian qua cơ quan chức năng cũng đã tiến hành kỷ luật, cách chức một phó Trạm Thú y Củ Chi vì để xảy ra tiêu cực trong hoạt động quản lý thú y.

Trao đổi với PV về những khuyến cáo của ngành Y tế với người dân khi sử dụng phải thịt lợn tiêm thuốc an thần, TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: “Thịt lợn bị tiêm thuốc an thần thuộc Bộ NN&PTNT quản lý, hiện nay tôi vẫn chưa tìm hiểu rõ về việc người ăn phải thịt bị tiêm thuốc an thần thì có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ”.      

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn