Tướng Mỹ nói có thể phải bắn hạ tên lửa Triều Tiên trên không phận Nga

Thứ hai, 02/10/2017, 10:52
Quan chức quốc phòng Mỹ nhận định để tăng hiệu quả đánh chặn tên lửa Triều Tiên, Lầu Năm Góc có thể phải bắn hạ nó trong không phận Nga.

Một tên lửa của Triều Tiên rời bệ phóng. Ảnh: KCNA.

Tướng Lori Robinson, chỉ huy Bộ tư lệnh phương Bắc và Bộ tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) mới đây nhận định rằng trong trường hợp Triều Tiên bắn tên lửa về phía lục địa Mỹ, nhiều khả năng nó sẽ bay qua khu vực Bắc Cực và Lầu Năm Góc sẽ buộc phải bắn hạ tên lửa này trên không phận Nga, theo Defence One.

"Chúng tôi đã nhận thức rõ kịch bản này và đang tìm giải pháp xử lý phù hợp", bà Robinson tuyên bố.

Theo nữ tướng Robinson, đến cuối năm nay Mỹ dự kiến triển khai 44 tổ hợp tên lửa đánh chặn từ mặt đất (GBI) tới các căn cứ ở  hai bang Alaska và California. Đây sẽ là lưới phòng thủ cuối cùng của Washington nhằm chống lại các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Bình Nhưỡng nếu các biện pháp ngăn chặn trước đó thất bại.

Chuyên gia nghiên cứu cấp cao Joshua Pollack, thuộc viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở California cho rằng địa điểm mà các tổ hợp GBI có thể đánh chặn tên lửa Triều Tiên nhiều khả năng sẽ nằm trong vùng trời được phủ sóng radar cảnh báo sớm của Nga.

"Bảo vệ các mục tiêu ở bờ Tây có nghĩa là Lầu Năm Góc sẽ đánh chặn tên lửa ngay trên không phận Viễn Đông của Nga", ông Pollack nhấn mạnh.

Chuyên gia nghiên cứu vũ khí thuộc Đại học Cornell, George Nelson Lewislại nhận định rằng thời điểm đánh chặn tên lửa Triều Tiên hiệu quả nhất là lúc nó bắt đầu giai đoạn lao xuống mục tiêu chứ không phải lúc nó bay ngang qua nước Nga, bởi tốc độ chậm lại của tên lửa vào pha cuối hành trình cho phép hệ thống đánh chặn có nhiều thời ngắm bắn hơn.

Tuy nhiên, ông Pollack chúng phân tích rằng nỗ lực bắn hạ tên lửa sớm nhất có thể trên đường bay sẽ làm gia tăng cơ hội bắn trúng, đặc biệt trong trường hợp phải khai hỏa lần thứ hai.

"Trong kịch bản bờ Tây bị tấn công. Nếu Alaska phóng tên lửa đánh chặn qua Siberia của Nga nhưng thất bại, California sẽ còn cơ hội trước khi tên lửa tái xâm nhập khí quyển. Nhưng nếu California hành động quá muộn, đó có thể sẽ là cơ hội duy nhất", chuyên gia  Pollack đánh giá.

Theo các chuyên gia Mỹ, trong trường hợp Nga phản ứng rằng động thái bắn hạ tên lửa Triều Tiên trong không phận là hành động khiêu khích, Washington hoàn toàn có thể lý giải rằng các tổ hợp GBI được thiết kế không phải để thách thức Nga bởi chúng không mang đầu đạn nổ mà sử dụng vận tốc nhanh và động năng để phá hủy tên lửa đối phương".

Theo VNE

Các tin cũ hơn