|
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến kiểm tra công trình chống ngập khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh ngày 22/9 |
Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố sẽ phối hợp chủ đầu tư xây dựng quy trình đánh giá hiệu quả, nghiệm thu, vận hành và ký hợp đồng nguyên tắc trước ngày 6/10.
Sau khi một đơn vị độc lập thẩm định giá thuê máy bơm, Sở Tài chính sẽ tham mưu cho UBND TP về giá thuê dịch vụ, thời gian thuê, thời điểm bắt đầu trả phí, cách thức thanh toán trong hợp đồng chính thức.
Bên cạnh đó, UBND TP giao Sở Tài chính phối hợp cùng quận Bình Thạnh rà soát, vận động chủ đầu tư các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản tại đường Nguyễn Hữu Cảnh (được hưởng lợi trực tiếp từ công trình) đóng góp chi phí cùng thành phố triển khai dự án.
Tại buổi kiểm tra công trình ngày 22/9, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, nếu hệ thống máy bơm thông minh giải quyết được ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh thì thành phố sẽ tiếp tục áp dụng để chống ngập trên địa bàn.
Ông Tuyến cho biết chủ đầu tư đưa ra mức giá cho thuê hệ thống máy bơm là 12 tỷ đồng một năm. Theo ông, đây không phải là con số lớn so với kinh phí đầu tư và công sức của chủ đầu tư đã bỏ ra trong thời gian qua.
“Trên cơ sở quy định của Nhà nước, thành phố sẽ tính toán hợp lý với phương châm lấy mục tiêu hiệu quả của công trình là hàng đầu. Tất nhiên, nó phải hợp lý để ủng hộ cho chủ đầu tư”, ông Tuyến nói.
|
Chủ đầu tư đề nghị giá cho thuê hệ thống bơm thông minh mỗi năm là 12 tỷ đồng |
Thi công từ năm 1997 và khi đưa vào khai thác năm 2002, đường Nguyễn Hữu Cảnh được kỳ vọng giải quyết bài toán giao thông cho thành phố và góp phần chỉnh trang đô thị nhưng thực tế khiến người dân thất vọng.
Con đường này bị lún, ngập nước trong suốt 15 năm qua. Để giải quyết ngập lụt trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, hầu như năm nào thành phố cũng phải chi tiền bù lún.
Theo chuyên gia giao thông – TS Phạm Sanh, đường Nguyễn Hữu Cảnh “lún” từ khâu thiết kế. Đường Nguyễn Hữu Cảnh có nền đất yếu rất phức tạp nhưng số liệu khảo sát thí nghiệm trong phòng và hiện trường không phản ánh được đầy đủ điều kiện thực tế nền đất. Giải pháp xử lý nền đất yếu chưa triệt để nên xảy ra hiện tượng lún về sau.
Ngoài nền đường bị lún, hệ thống thoát nước trên tuyến cũng bị lún theo. Nhiều đoạn cống bị hở mối nối, đất cát tràn vào cống làm thu hẹp lòng cống nên mỗi khi mưa lớn, triều cường, nước không thoát kịp gây ngập nặng ở một số đoạn.
TS Phạm Sanh cho rằng, những dự án bất động sản mọc lên 2 bên đường Nguyễn Hữu Cảnh góp phần làm đường ngập nặng hơn.
Theo Dân Trí