TP.HCM xây khu thể thao 34.000 tỉ: Bình thường!

Thứ sáu, 29/09/2017, 11:39
Thành phố có nhu cầu phát triển thì việc đầu tư các công trình văn hóa, các công trình thể thao là rất bình thường

Việc TP.HCM khởi động công trình thể thao nghìn tỉ này đặt ra nhiều dấu hỏi: Phải chăng địa phương này đã được đồng ý đăng cai SEA Games 31? Trong khi đó, cả Hà Nội và TP.HCM đều có công văn gửi Bộ VHTTDL, Tổng cục Thể dục thể thao xin nhận đăng cai SEA Games 31.

Hình ảnh khu Khu Liên hợp Thể dục Thể thao Rạch Chiếc

Trả lời câu hỏi trên của PV, ông Lâm Quang Thành, Phó tổng cục trưởng Tổng cục thể thao (Bộ VH-TT-DL) cho biết, chọn địa phương nào làm đơn vị đăng cai thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ.

"TP.HCM triển khai xây dựng công trình thể thao là theo quy hoạch từ trước. SEA Game 31 chỉ là chất xúc tác giúp TP.HCM đẩy nhanh tốc độ, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhanh hơn chứ không vì xây dựng công trình đó thì có nghĩa TP.HCM sẽ được chọn.

Chính phủ sẽ đưa ra quyết định dựa trên đánh giá của mỗi đề án được trình lên. Đề án nào được đánh giá tốt nhất sẽ được lựa chọn", ông Thành cho biết.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thể thao nói thêm, hiện tại cả hai thành phố là Hà Nội và TP.HCM đều có nguyện vọng xin đăng cai SEA Games 31.

Nhưng qua xem xét dự thảo đề án của cả hai địa phương, ông Thành đánh giá Hà Nội có nhiều lợi thế hơn. Theo ông Thành, nếu Hà Nội đăng cai sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí nhờ cơ sở hạ tầng đã có sẵn.

Về phía TP.HCM, nếu quyết định đăng cai sẽ phải đầu tư rất lớn cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, nếu đầu tư lần này cũng sẽ tạo lợi thế cho TP.HCM về sau.

"Hiện Chính phủ chưa quyết định sẽ chọn địa phương nào là nơi đăng cai", ông Thành nhắc lại.

Liên quan tới sự kiện trên, vào năm 2015 khi Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) chính thức giao quyền đăng cai SEA Games 31 cho Việt Nam, cả Hà Nội và TP.HCM đều hào hứng muốn được đăng cai sự kiện này.

Cuộc chạy đua bắt đầu khi Hà Nội đã có dự thảo đề án đăng cai xin nguồn đầu tư ngân sách trong khi TP.HCM chưa hoàn thành đề án cụ thể trình chính phủ nhưng có ưu điểm là sẽ tự dùng phần nhiều nguồn ngân sách của thành phố.

Theo đó, cuối năm 2016, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký văn bản xin Chính phủ đồng ý với phương án chọn Hà Nội làm nơi đăng cai SEA Games 31.

Lãnh đạo TP.Hà Nội khẳng định dựa trên kinh nghiệm từng tổ chức SEA Games 22 năm 2003, Đại hội thể thao trong nhà châu Á năm 2009 và điều kiện cơ sở vật chất, các công trình thể thao hiện có mà không cần phải xây mới, Thủ đô hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu tổ chức SEA Games 31.

Trong dự thảo đề án sửa đổi lần 4 với dự kiến là tổ chức tại Hà Nội, tổng chi dự kiến là 1.742,2 tỉ đồng, trong đó 957 tỉ đồng dành cho công tác tổ chức, 785,2 tỉ đồng chi phí đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình, tập trung chủ yếu cho Khu Liên  hợp Thể thao Mỹ Đình (108 tỉ đồng) và Cung thể thao dưới nước (48 tỉ đồng).

TP.HCM, cũng quyết tâm theo đuổi sự kiện này. Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã nêu hàng loạt kiến nghị đến người đứng đầu Chính phủ. Trong đó, có kiến nghị cho phép TP.HCM đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á SEA Games 31 vào năm 2021. Ông Lê Thanh Liêm cho biết, hiện UBND TP.HCM và Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch đã có những bước nghiên cứu, chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho kế hoạch tổ chức kỳ đại hội thể thao mang tầm cỡ khu vực này.

Bối cảnh này làm phát sinh thông tin TP.HCM đang rục rịch khởi động công trình thể thao nghìn tỉ để đáp ứng được yêu cầu đăng cai. Theo Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM, tổng vốn đầu tư của dự án Khu Liên hợp Thể dục thể thao Quốc gia Rạch Chiếc khoảng 34.000 tỉ đồng. UBND TP.HCM sẽ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng từ năm 2017-2020 với tổng chi phí gần 7.000 tỉ đồng để các nhà đầu tư triển khai dự án. Dự án này đã được quy hoạch từ tháng 2/1994.

Trao đổi thêm với PV, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa TP.HCM cũng khẳng định "việc xây dựng công trình thể thao nghìn tỉ là theo quy hoạch, hiện tại chưa có gì hết, chưa có quyết định chính thức địa phương nào đăng cai".

Nói rõ thêm về nguồn tin cho rằng "TP.HCM khởi động dự án thể thao nghìn tỉ là đi trước đón đầu", ông Nhân cho biết:"Thành phố có nhu cầu phát triển thì việc đầu tư các công trình văn hóa, các công trình thể thao là rất bình thường".

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích