|
Gần 15 năm nay, anh T. (H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) định cư trên ghế đá bệnh viện |
11 tuổi, nhưng bé Đinh Bảo Thuận (quê Hậu Giang) đã có thâm niên... 10 năm ở bệnh viện (BV) điều trị ung thư máu. Và Thuận chỉ là một trong hàng trăm bệnh nhân tim mạch, ung thư, chạy thận nhân tạo... “định cư” ở BV.
|
Bé Đinh Bảo Thuận (quê Hậu Giang, bị ung thư máu) điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM gần 10 năm nay |
15 năm ngủ ghế đá
Cả tuần bị sốt và thiếu máu, bé Thuận (mắc bệnh bạch cầu lympho cấp tính) không ra khỏi phòng 303, khu B, BV Ung bướu TP.HCM. Bà Đỗ Thị Thảo Ly, mẹ của Thuận, cho biết: “Nó là đứa kỳ cựu nhất ở đây, nằm viện từ khi mới hơn 1 tuổi, đến nay đã 11 tuổi. Những đứa cùng thời và bệnh nặng như nó đã “rớt” (chết) gần hết...”.
Theo bà Ly, thường sau mỗi đợt vô thuốc và sức khỏe ổn định, Thuận được cho về khoảng 5 - 10 ngày. Nhưng cũng có khi mấy tháng, mấy cái Tết liền, Thuận phải ở trong BV. Đi viện liên miên nên bé Thuận chưa có một ngày đến trường học chính thức.
“Khi Thuận phát bệnh là lúc tui sanh nhỏ em nó được 5 ngày. Mình tập trung lo cho đứa này không có thời gian lo đứa kia nên nó cũng bị thất học. Đất đai phải bán hết để mua thuốc cho con”, mẹ bé Thuận ngậm ngùi.
Trong số những bệnh nhi “thâm niên” tại BV Ung bướu TP.HCM còn có bé Phùng Thị Ngọc Chi (9 tuổi, tỉnh Bến Tre, bị ung thư máu). Bà Triệu Thị Hiệp, mẹ bé Chi, cho biết bé nhập viện khi mới hơn 1 tuổi.
“Hồi đó mình cứ tưởng vô đây mấy ngày rồi về, đâu ngờ kéo dài từ tháng này qua năm nọ. Lúc con Chi lên đây chữa bệnh, anh ruột nó còn nhỏ, lại vừa bị chấn thương đầu, gãy bốn cái răng do tai nạn giao thông. Vậy mà mình cũng phải đành đoạn bỏ thằng anh bù lăn bù lóc để lo cho con em”, bà Hiệp ứa nước mắt.
Không chỉ riêng các bệnh nhi mà cả người lớn cũng “đăng ký thường trú” bất đắc dĩ tại BV. 23 giờ ngày 15.9, khoa thận nhân tạo của một BV lớn ở Q.5, TP.HCM bắt đầu thưa vắng. Đây đó chỉ còn vài người chờ đón thân nhân của mình lọc máu ở ca cuối cùng trong đêm.
Lúc này, anh T. (33 tuổi, H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) nằm co quắp trên chiếc ghế đá lồm cồm ngồi dậy, phụ mẹ và em gái thu dọn ly tách, đồ đạc. Anh T. đã chạy thận nhân tạo tại BV này hơn 14 năm nay. Tuy có bảo hiểm y tế diện hộ nghèo nhưng mỗi tháng, anh vẫn phải đóng các chi phí phát sinh khoảng 4 triệu đồng.
Bà Triệu Thị Hiệp, mẹ bệnh nhi Phùng Thị Ngọc Chi (quê Bến Tre), thẫn thờ với xấp hóa đơn thuốc ngoài danh mục đắt đỏ |
“Cái bang” trà trộn
Ở dãy hành lang khu B, BV Ung bướu TP.HCM thường có trên 20 người “định cư”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số đó có những bệnh nhân đang hoặc đã thôi điều trị ngoại trú, nhưng vẫn túc trực đêm ngày để nhận tiền, quà từ thiện. Đặc biệt, có cả những “cái bang” trà trộn, thường gây nên cảnh xô đẩy hỗn loạn để tranh giành phong bì khi một số người tự vào đây phát tiền (không thông qua Phòng Công tác xã hội của BV).
|