Trong khi ngày càng nhiều tài xế GrabBike và UberMoto cảm thấy không còn mặn mà theo nghề, thậm chí người tắt ứng dụng vĩnh viễn để chuyển nghề khác thì Mai Linh ra mắt ứng dụng chạy xe ôm công nghệ.
Nhiều người cho rằng, ngoài cạnh tranh về thị phần, Mai Linh sẽ gặp rất nhiều áp lực để thu hút lái xe. Ngoài ra, thị trường nhân sự cho xe ôm công nghệ cũng sẽ thay đổi ít nhiều do cạnh tranh.
Khoảng cuối năm 2016, đầu năm 2017, những chế độ thưởng hấp dẫn để thu hút tài xế lái taxi công nghệ của cả Grab và Uber khiến thị trường xôn xao. Ưu đãi lớn đến mức nhiều người sẵn sàng vay tiền bạn bè, vay tiền ngân hàng để mua ôtô chạy Grab, Uber.
Cũng khoảng thời gian đó, những tài xế xe ôm công nghệ của 2 hãng này cũng nhận được những ưu đãi hấp dẫn không kém. Nhiều tài xế cho biết Grab từng hỗ trợ tài xế GrabBike với những cuốc ngắn vào giờ cao điểm ở mức 35.000 đồng/cuốc thu về. Giờ cao điểm là từ 6-9h và 16-20h. Theo đó, tài xế cứ ra đường, chạy được 5 cuốc ngắn vào giờ cao điểm là có thể đút túi hàng trăm nghìn đồng.
Ngoài cuộc đua về thị phân, các hãng xe ôm công nghệ còn có cuộc đua về thu hút tài xế. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Tài xế Grab cũng được miễn phí đồng phục và nhiều chế độ ưu đãi khác. Đặc biệt, mức thưởng giới thiệu thêm đối tác của GrabBike từng lên tới 800.000 đồng/lần giới thiệu thành công. Nhiều sinh viên đi chạy Grab là phụ nhưng lại “săn” bạn bè để giới thiệu thành tài xế GrabBike là chính. Một tháng giới thiệu được 3 đối tác mới, họ đã có khoản thu khá để trang trải học hành. Tương tự, Uber cũng đưa ra chính sách giới thiệu bạn bè trở thành đối tác.
Đến nay, cả UberMoto và GrabBike đều điều chỉnh mức khuyến khích này xuống còn 300.000 đồng/lần giới thiệu thành công.
Việc liên tục đưa ra chính sách đãi ngộ tốt, thu hút bằng thưởng cao cho thấy tài xế (đối tác) là một phần đặc biệt quan trọng trong hệ thống của Grab, Uber.
Một đại diện của Grab từng chia sẻ làm thế nào để tài xế ra đường vào giờ cao điểm, làm thế nào để tài xế sẵn sàng đáp ứng khách hàng một cách nhanh nhất, làm thế nào để có số lượng tài xế ổn định, sẵn sàng đáp ứng là một điều rất quan trọng với hãng xe công nghệ này.
Trong quản trị chất lượng dịch vụ, nhiều chuyên gia kinh tế rất coi trọng chỉ số “sự tin cậy” (reliability) và “khả năng đáp ứng” (responsiveness). Theo đó, để có một chất lượng dịch vụ tốt nhà cung cấp cần đạt được dự tin cậy về mức chất lượng cam kết, đúng hạn, đúng kỳ vọng. Ngoài ra cần có khả năng đáp ứng nhanh chóng, kịp thời
Uber, Grab luôn muốn tạo sự khác biệt về chất lượng với xe ôm truyền thống. Ngoài ra, cón có khả năng đáp ứng nhu cầu gần như ngay lập tức sau khi khách hàng đặt xe. Việc có đội ngũ tài xế tốt, nhiều và phủ kín địa bàn là một trong những ưu tiên đặc biệt của cả Grab và Uber. Do đó, cuộc cạnh tranh về thu hút đối tác cũng quan trọng không kém cuộc chiến thị phần.
Hãng cần tài xế, nhưng ngày càng nhiều người không còn mặn mà xe ôm công nghệ vì nhiều lý do như lương thấp, không ổn định, chính sách thưởng ngày càng thu hẹp…
Văn Nam, sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội, vừa đăng tin bán lại mũ và áo đồng phục UberMoto trên một trang rao vặt. Nam cho biết mục đích chạy xe của em là để kiếm thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống sinh viên. Tuy nhiên, mỗi ngày chạy xe 5-6 tiếng giờ đây chỉ thu về được gần 200.000 đồng sau khi trừ chi phí xăng, chiết khấu cho hãng. Đó là còn bao nhiêu khoản đầu tư như sạc dự phòng, phí 3G, chi phí bảo dưỡng sửa chữa xe…Thấy công sức bỏ ra nhiều nhưng thu nhập nhận lại không xứng đáng, Nam quyết định tìm công việc khác.
Nhiều tài xế ngày càng không mặn mà với việc chạy xe ôm công nghệ. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Nguyễn Minh, 23 tuổi tại quận Thanh Xuân, tốt nghiệp khoảng một năm, cũng chừng đó thời gian bạn gắn bó với GrabBike. Chạy xe cho Grab từ lâu, Minh biết rõ nhiều chính sách thưởng, khuyến mại của hãng.
“Không chỉ em mà nhiều anh em khác ngày càng không mặn mà với việc chạy xe nữa. Mức chiết khấu mới tăng lên 20% trong khi các chính sách thưởng không còn hấp dẫn như ban đầu. Thu nhập của chúng em ngày càng giảm đi trong khi cường độ công việc không thay đổi, thậm chí còn mệt mỏi hơn”, Minh chia sẻ.
Theo đó, từ tháng tới, Minh sẽ đi làm một công việc khác ở một quán cà phê trong khi chờ đợi công việc phù hợp với chuyên ngành học đại học. Mức lương mà Minh nhận được ở quán cà phê là 15.000 đồng/giờ. Theo Minh thì là một mức ổn định lại không chịu áp lực nắng mưa và khách hàng như khi chạy GrabBike.
Cũng là một người lái xe khác lâu cho GrabBike, anh Đình Tùng (quận Tây Hồ) cho biết tài xế ngày càng nhiều nên sự cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Trước đây anh em có thể chạy được 10-15 cuốc/ngày, thậm chí cao hơn. Nếu thu nhập chạy xe cộng với thưởng có thể đảm bảo mức sống và khiến tài xế yên tâm.
Tuy nhiên hiện nay, tài xế cạnh tranh nhau, có người chỉ chạy được khoảng 4-5 cuốc xe/ngày. Có người chạy xe cả ngày chỉ đủ tiền ăn 2 bữa trưa và chiều và một chút chi phí uống nước dọc đường do ế ẩm.
Ngoài ra, mức chiết khấu tăng cao, cắt thưởng, tắc đường, chi phí dọc đường quá lớn, áp lực công việc ngày càng gia tăng… là những nguyên nhân khiến nhiều người đã quyết định tắt ứng dụng vĩnh viễn.
Trong bối cảnh tài xế ngày càng không mặn mà với xe ôm công nghệ thì lại có những hãng mới tuyên bố nhảy vào thị trường này. Mới đây, Mai Linh taxi tuyên bố ra mắt xe ôm công nghệ với tên gọi Mai Linh Bike. Xe ôm công nghệ của Mai Linh được tích hợp bên trong ứng dụng Mai Linh Online để người tiêu dùng có thể lựa chọn giữa đi taxi hoặc đi bằng xe máy.
Mai Lịnh tuyên bố tham gia vào lĩnh vực xe ôm công nghệ. Ảnh: Mai Linh. |
Ứng dụng của Mai Linh về cơ bản giống với GrabBike và UberMoto. Về giá cả cũng không có nhiều sự khác biệt lớn. Tuy nhiên, Mai Linh ưu đãi chiết khấu cho đối tác chỉ là 15%.
Tuyên bố gia nhập thị trường của Mai Linh vào loại hình xe ôm công nghệ không lâu sau khi ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch của Grab Việt Nam, khẳng định thời điểm này Grab không lo lắng nhiều về đối thủ. Ngay cả đối thủ lớn nhất là Uber thì Grab cũng đã giành được thị phần lớn hơn, coi như trận đó đã xong.
Việc Mai Linh Bike có thành công và có thể cạnh tranh được với UberMoto và GrabBike hay không thì cần phải chờ đợi thêm. Tuy nhiên, vấn đề thu hút nhân sự để trở thành đối tác sẽ rất gay gắt trong thời gian sắp tới bởi hiện tại, tài xế có rất nhiều sự lựa chọn dành cho mình.
Theo chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển, sự gia nhập của Mai Linh vào thị trường xe ôm công nghệ sẽ dẫn tới một sự cạnh tranh trong việc thu hút nhân sự và điểm trọng tâm sẽ là thu nhập lái xe.
Cuộc cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt khi mới đây Lalamove, startup được ví như “Uber của Hong Kong” vừa tuyên bố đầu tư vào Việt Nam mới mục tiêu trước mắt là tài xế. Theo hãng này, ngoài việc nhắm đến dịch vụ giao hàng và doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ coi việc đầu tư vào đội ngũ tài xế mạnh là điều quan trọng nhất.
Hãng này áp dụng tỷ lệ hoa hồng trên mỗi đơn hàng thành công chia cho tài xế là 82%, đồng nghĩa với mức chiết khấu 18%, ở khoảng giữa Mai Linh và Grab, Uber. Đây là hãng hiếm hoi tuyên bố đóng bảo hiểm xã hội cho tài xế. Hãng cũng không cấm tài xế tham gia các nền tảng khác để cảm nhận sự khác biệt.
TS. Đinh Thế Hiển nhắc lại trước kia chính taxi truyền thống cũng chứng kiến sự cạnh tranh về chế độ đãi ngộ nhân sự giữa Mai Linh và Vinasun. Theo đó, một lãnh đạo trước kia của Mai Linh nhận thấy những điểm yếu về chất lượng và chính sách với tài xế đã chuyển sang gây dựng Vinasun rồi khắc phục những điểm yếu này. Qua đó đưa Vinasun phát triển như ngày nay.
Về việc thu hút nhân lực xe ôm công nghệ, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng Mai Linh hoàn toàn có cơ hội nhưng phải thay đổi và không bê nguyên mô hình của Grab, Uber vào áp dụng.
Theo đó, điểm yếu của Uber và Grab hiện tại chính là việc làm thế nào để đảm bảo cho người lao động một mức thu nhập ổn định, hấp dẫn và chuyên nghiệp để tài xế tin tưởng vào nghề nghiệp.
Chuyên gia cho rằng mức thu nhập ổn định và tính chuyên nghiệp là chìa khóa thu hút tài xế. Ảnh: Hiếu Công. |
Hiện nay, nhiều tài xế Grab, Uber chỉ coi việc lái xe là một công việc làm thêm, không đầu tư vào nghề nghiệp, không gắn bó lâu dài... Từ đó, TS. Đinh Thế Hiển nhấn mạnh cần phải tạo ra giá trị cốt lõi cho người lao động nếu muốn thu hút được tài xế, đó chính là vấn đề thu nhập và tính chuyên nghiệp trong nghề nghiệp.
Ông Hiển phân tích các mức thưởng của hãng rồi sẽ qua đi nhưng thu nhập ổn định là chia khóa lớn nhất giúp tài xế gắn bó. Có thể các hãng xe ôm công nghệ chỉ áp dụng một lượng xe nhất định trên một thành phố. Qua đó, đảm bảo tài xế có một mức thu nhập khá trên tập khách hàng xác định mà không lo lượng xe vượt quá cao, thu nhập bị chia sẻ.
"Chỉ thu nhập ổn định mới là sự cạnh tranh lớn nhất", ông nói.
Cùng với đó, tài xế được đào tạo thật kỹ càng để nâng cao tính chuyên nghiệp, tình yêu nghề, và để họ cảm thấy gắn bó. Việc đào tạo sẽ nâng cao kỹ năng của tài xế về đường xá, hiểu biết khu vực, hiểu biết xử lý các vấn đề về giao tiếp, phục vụ khách hàng… Khi đó, khi tài xế xác định được nghề nghiệp, họ sẽ đào sâu và cung cấp chất lượng tốt nhất cho khách hàng. Qua đó cả khách hàng, tài xế, hãng xe đều hưởng lợi.
Ngoài ra, để tạo sự gắn bó của tài xế và tình yêu nghề có thể có thêm các chính sách đãi ngộ về nhân lực như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… đi kèm thưởng doanh số.
Thạc sĩ Vũ Văn Thịnh, giảng viên Khoa Quản trị Nhân lực, Đại học Thương mại, cho rằng tài xế xe ôm công nghệ đang được ký loại hợp đồng đối tác nên không có nhiều ràng buộc về vấn đề nhân sự như trong một doanh nghiệp thông thường. Theo đó, hãng xe ôm công nghệ có thể khắc phục điểm yếu này bằng nhiều chính sách cạnh tranh về đãi ngộ nhân lực, khi đó sẽ nhận được sự gắn bó của tài xế.
Theo Zing