Đại biểu Bùi Văn Xuyền đưa thắc mắc liên quan đến độ vênh của số liệu nợ xấu theo báo cáo của NHNN và nhận định của Uỷ ban Kinh tế. Theo báo cáo của NHNN, số liệu nợ xấu này là dưới 3%. Đại biểu Xuyền đặt câu hỏi vậy con số nợ xấu thật là bao nhiêu.
Đại biểu Tô Văn Tám, Kon Tum cũng đặt câu hỏi tương tự. Ông cho biết nợ xấu đã được kiểm soát dưới 3% nhưng vẫn còn rất cao và đề nghị Thống đốc cho biết nguyên nhân của các vấn đề này. “Mục tiêu 2020 căn bản xử lý xong nợ xấu và tái cơ cấu tổ chức tín dụng có làm được không?”, đại biểu Tám nói.
Cũng có chung mối quan tâm, đại biểu Gia Lai Đinh Công Vượt chất vấn Thống đốc về nợ xấu. Ông hỏi Thống đốc có giải pháp đột phá gì để xử lý nợ xấu và thu hút các nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu TCTD trong hiện trạng ưu đãi đầu tư nước ta còn thấp.
Thống đốc Lê Minh Hưng nhận được nhiều chất vấn liên quan đến nợ xấu. |
Bị “truy” về các vấn đề nóng, Thống đốc Lê Minh Hưng vẫn tỏ ra khá bình tĩnh. Ông lần lượt trả lời từng vấn đề.
Với câu hỏi của đại biểu Đinh Duy Vượt, Thống đốc cho biết việc đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, ngân hàng yếu là nhiệm vụ trọng tâm. Theo ông, NHNN rất nỗ lực, là một trong những bộ ngành từ 2016 tập trung xây dựng đề án liên quan đến ngân hàng.
Để xử lý nợ xấu, việc đầu tiên là thực hiện tốt Nghị quyết 42 của Quốc hội. NHNN có hội nghị trực tuyến toàn quốc đến cùng dự, chia sẻ nội dung liên quan quy định của Nghị quyết 42 và chọn 6 ngân hàng làm điểm từ nay đến cuối 2017 để làm cơ sở nhân rộng.
Hai câu hỏi của đại biểu Bùi Văn Xuyền và Tô Văn Tám được đưa ra khi gần hết phiên chiều. Dự kiến, tư lệnh ngành ngân hàng sẽ trả lời chất vấn vào phiên sáng 17/11.
Trước đó, trình bày tại Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 trước Quốc hội sáng 23/10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, nhìn tổng thể tình hình năm 2017 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Con số nợ xấu ngân hàng dưới 3% nhưng thực chất nợ xấu toàn nền kinh tế vẫn còn ở mức cao. Tiến độ tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập; sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn trong những ngành Nhà nước không cần nắm giữ chưa đạt yêu cầu đề ra.
Theo Zing