Cụ thể, Paradise tiết lộ có 20 địa chỉ liên quan đến Việt Nam. Trong đó có nhiều cái tên nổi tiếng, như ông Don Di Lam – Giám đốc điều hành của Tập đoàn VinaCapital, ông Dominic Scriven – Chủ tịch Dragon Capital và ông Louis T. Nguyễn - Giám đốc Quỹ đầu tư Saigon Asset Management...
Hồ sơ Paradise (Paradise Papers) chứa số tài liệu khổng lồ về hoạt động tài chính tại nước ngoài của các chính trị gia, công ty đa quốc gia, người nổi tiếng và người giàu trên khắp thế giới. Họ được cho là đã sử dụng các mạng lưới phức tạp để né thuế.
20 tên tuổi Việt Nam xuất hiện trong Hồ sơ Paradise |
Trước thông tin trên, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, thông tin Paradise cung cấp là một cơ sở để các cơ quan chức năng Việt Nam phải ghi nhận. Tuy nhiên, mức độ phức tạp tới đâu, những tên tuổi như vậy có hành vi sai phạm, né thuế hay không thì cần phải điều tra mới rõ.
TS Hiếu lưu ý, không phải tất cả các công ty có văn phòng đặt ở nước ngoài đều sẽ có hành vi phạm pháp, trốn thuế, rửa tiền... do đó, chức năng của các cơ quan quản lý là phải làm cho rõ việc này.
Về phía đại diện VinaCapital cho rằng, thông tin tập đoàn VinaCapital có tên trong Hồ sơ Paradise không nói lên điều gì cụ thể. Tập đoàn này cũng khẳng định cam kết tuân thủ pháp luật trên toàn thế giới.
Hay như đại diện Dragon Capital cũng khẳng định "Dragon Capital hoạt động ở bất cứ đâu đều tuân theo luật pháp của nước sở tại và tham gia đóng thuế đầy đủ".
TS Nguyễn Trí Hiếu nói thẳng, việc tự chứng minh mình trong sạch là vô cùng khó.
Theo vị chuyên gia, ngoài việc lên tiếng giải thích mình không phạm pháp và luôn tuân thủ đúng quy định pháp luật các công ty, doanh nghiệp này cần phải thông tin đầy đủ và minh bạch hóa các hoạt động của những công ty, văn phòng đại diện của họ đặt tại nước ngoài (nếu có).
"Rất nhiều công ty đăng ký văn phòng đại diện ở nước ngoài nhưng thực sự lại không có hoạt động gì mà chỉ giống như những hộp thư, bưu điện nhằm thực hiện chức năng truyền tải thông tin, giao dịch bằng văn bản, thư tín.
Nhưng cũng có rất nhiều công ty đặt văn phòng, trụ sở ở nước ngoài nhằm mục đích chuyển toàn bộ lợi nhuận họ thu được từ nước ngoài về những khu vực có quy định thuế ưu đãi hơn. Đây chính là một hình thức né thuế.
Tuy nhiên, để khẳng định hành vi chuyển tiền trên của doanh nghiệp có vi phạm pháp luật hay không thì cần phải điều tra, xem xét. Vì, có khi đối với khu vực họ chuyển tiền đến vẫn được xem là hợp pháp nhưng đối với Việt Nam hành vi đó lại là vi phạm hoặc cũng có thể là không vi phạm.
Do đó, nếu chỉ nhìn vào thông tin Hồ sơ Paradise cung cấp để khẳng định việc họ vi phạm pháp luật, trốn thuế là chưa đủ", ông Hiếu nói.
Theo đó, vị chuyên gia cho rằng, nhiệm vụ của các cơ quan chức năng bây giờ là phải làm rõ mấy vấn đề sau:
Thứ nhất, các cơ quan chức năng phải làm rõ có chắc chắn những tên tuổi được nêu trên đều mở công ty, văn phòng đại diện ở những khu vực được cho là "bến bờ trốn thuế" hay không? Nếu có văn phòng đại diện tại những nước đó thì những công ty, văn phòng đó đang hoạt động như thế nào?.
Thứ hai, có hay không việc các công ty được nêu tên đã thực hiện giao dịch chuyển tiền từ Việt Nam về các công ty đại diện ở nước ngoài thông qua các hệ thống ngân hàng? Nếu có việc chuyển tiền như vậy thì việc chuyển tiền đó có vi phạm pháp luật hay không?
Trong trường hợp việc chuyển tiền đó là bất hợp pháp thì các cơ quan quản lý thuế, quản lý thị trường, cơ quan an ninh... phải vào cuộc điều tra, xử lý.
Trường hợp, xác định đó là hành vi rửa tiền thì Ngân hàng Nhà nước phải vào cuộc điều tra làm rõ.
Theo tìm hiểu, Hồ sơ Paradise được thu thập bởi tờ báo Đức - Süddeutsche Zeitung. ICIJ giám sát việc điều tra - thực hiện bởi gần 100 tổ chức truyền thông tại 67 quốc gia, trong đó có New York Times và Guardian.
Toàn bộ tài liệu trong Hồ sơ Paradise theo dõi giai đoạn 1950 – 2016.
Theo Đất Việt