Israel tuyên bố sẽ can thiệp quân sự vào Syria
Trang mạng DEBKAfile’s của Israel vừa có bài viết cho rằng, các mục tiêu quân sự của Syria sẽ bị tấn công nếu giới chức lãnh đạo Damascus cho phép Iran thành lập căn cứ ở Syria - Thủ tướng Binyamin Netanyahu đã chuyển lời cảnh báo Tổng thống Syria Bashar al-Assad qua Moscow.
Nguồn tin cho biết, điều này được báo cáo vào ngày chủ nhật, ngày 26 tháng 11 bởi các quan chức cao cấp ở Jerusalem. Đây là lần đầu tiên Israel đưa ra một thông điệp, có tính chất như là một tối hậu thư trực tiếp và thẳng thắn cho chính quyền của ông Assad.
Theo nguồn tin Jerusalem, thông điệp được chuyển tải thông qua các kênh trung gian của Nga. Họ không chỉ rõ những người trung gian là ai, nhưng các nguồn khác lại đưa ra tên của ông Nikolai Patrushev, Cố vấn An ninh Quốc gia Nga, hoặc Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Bogdanov.
Thông điệp của Israel đã thông báo cho nhà lãnh đạo chính quyền Damascus rằng, nếu ông cho phép Iran thành lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ Syria, Israel sẽ không ngần ngại tấn công quân đội Syria và các mục tiêu khác nhằm phá hủy các căn cứ của Iran.
Tuy nhiên, cảnh báo nguy hiểm nhất mà Thủ tướng Netanyahu đưa ra là trong trường hợp Iran lập các căn cứ quân sự ở Syria, Israel sẽ từ bỏ chính sách không can thiệp vào cuộc chiến Syria, chính sách mà họ đã duy trì nghiêm túc trong suốt sáu năm xung đột.
Các nguồn tin quân sự của DEBKAfile bổ sung thêm rằng Netanyahu đã thực hiện bước đi rất cứng rắn này sau khi biết rằng, Tehran đang thúc giục Assad để sẵn sàng cho việc sử dụng căn cứ không quân T-4 (Tiyas), nằm giữa thành phố Homs và thành cổ Palmyra.
T-4 là cơ sở không quân lớn nhất của Syria ở phía Nam; vừa gần biên giới Syria-Jordan và Syria-Israel; lại vừa cho phép cất, hạ cánh các chiến đấu cơ hạng nặng chứ không đơn thuần là các máy bay trực thăng. Đây cũng là căn cứ đang được lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga (VKS) hiện đang sử dụng cho lực lượng trực thăng của mình.
Do đó, căn cứ không quân này có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, giúp chính quyền Syria có thể kiểm soát hết khu vực phía Nam.
Nguy cơ lớn nếu Iran và Syria không nhẫn nhịn
Đây cũng không phải là lần đầu tiên Israel đưa ra những lời phàn nàn với Nga và Mỹ về vấn đề sự hiện diện quân sự của Iran trên lãnh thổ Syria.
Giới chức lãnh đạo Israel cho rằng, nguy cơ đối với an ninh quốc gia của Israel đã trở lên rõ ràng và trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, khi lực lượng quân sự của Iran và Hezbollah đã ở gần biên giới nước này hơn bao giờ hết.
Israel có thể can thiệp quân sự vào Syria nếu Iran lập căn cứ quân sự |
Điều này đã cho thấy rõ ràng là chính quyền của ông Donald Trump không có ý định thực hiện bất kỳ động thái nào ở Syria để ngăn chặn việc Iran có thể thành lập các cơ sở quân sự trong lãnh thổ Syria và đã nhắm mắt làm ngơ trước việc đồng minh của mình gặp nguy hiểm.
Còn Nga cũng đã nói rõ rằng, lực lượng quân sự của Iran ở Syria là theo lời mời của chính quyền của ông Bashar al-Assad và đó là sự hiện diện hợp pháp, chính quyền Moscow không có quyền can thiệp.
Do đó, Israel nhận thấy rằng, Nga hay Mỹ cũng chẳng ai quan tâm đến quyền lợi của họ, nguy cơ an ninh quốc gia của người Israel chỉ có thể do người Israel tự giải quyết. Để tự cứu bản thân mình khỏi bị nguy hiểm, Israel sẽ phải tự mình giải quyết các vấn đề của mình.
Nếu Israel tấn công trực tiếp vào các lực lượng Iran hoặc do Tehran hậu thuẫn trong lãnh thổ Syria, đây có thể là mồi lửa làm bùng phát chiến tranh Trung Đông mới, gây nguy hiểm cho cả khu vực.
Hơn nữa, nếu chính quyền Tel Avip trực tiếp can thiệp quân sự vào Syria, tung quân vào phía Nam Syria để hỗ trợ các nhóm phiến quân đối lập ở khu vực này xây dựng vùng đệm “không Iran, không Hezbollah, không người Shiite” ở giáp biên giới phía Bắc của nước này, tình hình ở Syria sẽ có những diễn biến mới vô cùng phức tạp, khiến viễn cảnh hòa bình trên mảnh đất Trung Đông này ngày càng xa vời.
Hiện nay, tình hình Syria không lạc quan như người ta tưởng. Người Kurd còn đang chiếm giữ một vùng rất rộng ở các tỉnh al-Hasakah, Raqqa, một phần Aleppo và Deir Ezzor phía Bắc-Đông Bắc đất nước; FSA thân Thổ Nhĩ Kỳ nắm giữ một khu vực phía Bắc ở Aleppo và cả tỉnh Idlib.
Do đó, trong điều kiện hiện nay, có lẽ Tehran và Damascus nên nhẫn nhịn, không nên có những hành động hấp tấp gây kích động mâu thuẫn, làm dấy lên xung đột với Israel, trong bối cảnh tiến trình hòa đàm ở Geneva đang có những bước đi mang tính chất tích cực.
Hy vọng là Iran và Syria sẽ quán triệt sâu sắc nguyên tắc “thêm bạn, bớt thù”; còn Nga cũng nên có những động thái kìm chế bớt những hành động của đồng minh để phân hóa các đối thủ, tránh tình trạng phải căng sức đối đầu với quá nhiều kẻ thù lớn, khiến tiến trình hòa bình ở Syria lâm vào bế tắc.
Theo Đất Việt