Gần 4 năm nay, chị Lê Kim Thủy đã không ngại khó khăn làm giấy khai sinh cho hơn 250 em bé bị cha mẹ bỏ rơi tại bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM |
Năm 2013, khi Nghị định 158/2005/ND-CP có hiệu lực quy định các phòng - khoa BV Từ Dũ (Q.1, TP.HCM) được làm giấy khai sinh cho các trẻ bị bỏ rơi tại bệnh viện, cũng là lúc chị Lê Kim Thủy (43 tuổi), Chuyên viên phòng Hành chính - Quản trị BV Từ Dũ bắt đầu tất bật lo giấy tờ cho các bé.
Hành trình làm giấy khai sinh
Ngày 23.11, trao đổi với PV, chị Lê Kim Thủy vui mừng cho biết vừa làm xong giấy khai sinh cho 14 em bé bị bỏ rơi tại bệnh viện. Từ 2013 - 2017, có khoảng 250 em đã được làm giấy khai sinh. “Con cái là khúc ruột của mình, tôi không hiểu vì sao có người nhẫn tâm bỏ con. Tôi cố gắng làm giấy khai sinh để các bé có quyền lợi trong xã hội, lớn lên vào đời bớt thiệt thòi với bạn bè trang lứa”, chị Thủy bùi ngùi nói.
"Em bé nào bỏ rơi tại bệnh viện tôi cũng cố gắng làm khai sinh cho bằng được. Khi có giấy khai sinh rồi, tôi hy vọng các em dù rời bệnh viện vào trung tâm bảo trợ xã hội cũng sẽ được các quyền về bảo hiểm, đi học với bạn bè. Biết đâu, nhờ giấy đó sau này các em sẽ tìm được người thân của mình", chị Lê Kim Thủy chia sẻ |
Theo chị Lê Kim Thủy, phần lớn các bé bị bỏ rơi tại bệnh viện là do người mẹ vào bệnh viện sinh xong, lấy lý do ra ngoài và nhờ người ở giường bên cạnh trông giúp, rồi bỏ con đi biệt tăm.
Lúc này, khoa sơ sinh sẽ làm hồ sơ tiếp nhận và nuôi dưỡng các bé trong 1 tháng. Đồng thời, bệnh viện Từ Dũ sẽ gọi điện thông báo cũng như gửi công văn đến chính quyền theo địa chỉ người mẹ (thông tin hồ sơ nhập viện). Nếu không xác định được mẹ bé và người thân hoặc xác định được nhưng gia đình không nhận con, thì bệnh viện tiếp tục gửi hồ sơ lên công an P.Phạm Ngũ Lão (Q.1) thông báo.
Công an P.Phạm Ngũ Lão sẽ lưu lại hồ sơ các bé (có hình kèm theo) và trong vòng một tháng đợi xem gia đình có đến nhận bé hay không. Nếu không người nhận, phường sẽ đóng dấu xác nhận và trả hồ sơ lại cho BV Từ Dũ, bắt đầu làm giấy khai sinh cho bé.
Hầu hết các em nhỏ tại làng trẻ Hòa Bình (thuộc BV Từ Dũ) đã được làm giấy khai sinh |
“Khi nhận thông báo từ công an phường, tôi sẽ làm công văn gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM và Sở cũng trả lời bằng việc ra quyết định cho bệnh viện gửi bé về một trung tâm bảo trợ xã hội tiếp tục nuôi dưỡng. Song song đó, tôi cũng trực tiếp lên phòng hộ tịch P.Phạm Ngũ Lão (Q.1) đăng ký khai sinh cho bé bị bỏ rơi. Các bé sẽ được lấy theo họ mẹ và được đặt tên”, chị Thủy chia sẻ.
Theo chị Thủy, các bé bị bỏ rơi nên giấy khai sinh cũng khuyết thông tin cha mẹ, chỉ ghi họ tên của bé và người trực tiếp làm giấy khai sinh. Hiện luật mới về hộ tịch áp dụng năm 2016, đi kèm với giấy khai sinh, các em sẽ được cấp một mã số định danh cá nhân thay cho giấy chứng minh nhân dân.
Thành thử, nếu không làm giấy khai sinh, các em sẽ không được mua bảo hiểm, cũng như đi học và hợp thức hóa công dân Việt Nam. “Em bé nào bị bỏ rơi tại bệnh viện tôi cũng cố gắng làm khai sinh cho bằng được. Khi có giấy khai sinh rồi, tôi hy vọng các em dù rời bệnh viện vào trung tâm bảo trợ xã hội cũng sẽ được các quyền về bảo hiểm, đi học với bạn bè. Biết đâu, nhờ giấy đó sau này các em sẽ tìm được người thân của mình”, chị Thủy nói.
Trả góp để... nhận con
"Quá trình đi làm hồ sơ cho mỗi bé không hề đơn giản, phải gần hai tháng mới cầm được giấy khai sinh trên tay. Tuy nhiên, khi mẹ bé quay lại và nhận con, phía bệnh viện phải làm công văn gửi công an phường và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rút toàn bộ hồ sơ. Thấy mẹ bé quay lại nhận con tôi rất mừng. Tôi cũng mong các bậc cha mẹ khi sinh con phải có trách nhiệm dù ở hoàn cảnh nào đi nữa. Các bé sẽ rất khổ và bất hạnh nếu thiếu vắng tình thương của gia đình". Chị Lê Kim Thủy |
Trong hơn 4 năm đi làm giấy khai sinh cho hàng trăm trẻ em bị bỏ rơi ở bệnh viện Từ Dũ, có những lúc chị Lê Kim Thủy gặp không ít khó khăn, thậm chí “dở khóc dở cười” với một số trường hợp sinh con bỏ tại bệnh viện, rồi quay lại nhận con.
Theo chị Thủy, mỗi khi nộp hồ sơ các bé bị bỏ rơi lên công an P.Phạm Ngũ Lão (Q.1), phường thông tin xuống lại bệnh viện, chị liền lên công an phường nhận hồ sơ để làm giấy khai sinh cho bé.
Năm 2015, có một mẹ trẻ mang thai và vào bệnh viện Từ Dũ sinh em bé. Sau đó, người này bỏ đi để lại một bé trai kháu khỉnh. Như những trường hợp khác, chị cũng đi làm giấy khai sinh đầy đủ cho em bé này.
Khoảng hơn 1 tháng sau, khi có quyết định của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đưa bé vào trung tâm bảo trợ xã hội, cũng là lúc người mẹ trẻ quay lại nhận con. Chị Thủy phải quay lại từng cơ quan chức năng xin rút lại hồ sơ để bàn giao bé cho gia đình.
“Quá trình đi làm hồ sơ cho mỗi bé không hề đơn giản, phải gần hai tháng mới cầm được giấy khai sinh trên tay cho bé. Tuy nhiên, khi mẹ bé quay lại và nhận con, phía bệnh viện phải làm công văn gửi công an phường và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rút toàn bộ hồ sơ. Thấy mẹ bé quay lại nhận con tôi rất mừng. Tôi cũng mong các bậc cha mẹ khi sinh con phải có trách nhiệm dù ở hoàn cảnh nào đi nữa. Các bé sẽ rất khổ và bất hạnh nếu thiếu vắng tình thương của gia đình”, chị Thủy chia sẻ.
Cũng theo chị Thủy, năm 2014 có trường hợp một người mẹ hơn 20 tuổi, sinh con ở bệnh viện xong, cũng bỏ con đi biệt tăm. Thời gian sau, người mẹ này quay lại nhận con.
Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn nên khi nhận con, chị này cũng không có tiền trả viện phí và xin trả góp tiền hàng tháng. “Đây là lần đầu các chuyên viên bệnh viện gặp phải trường hợp này nên rất cảm động. Tôi đã làm đơn trình bày hoàn cảnh xin miễn tiền viện phí và được ban giám đốc bệnh viện chấp nhận”, chị Thủy nói.
Trong 4 năm, có khoảng 250 em bé bị cha mẹ bỏ ở bệnh viện Từ Dũ được chị Lê Kim Thủy làm giấy khai sinh |
Đặc biệt, có trường hợp có thể xem là hy hữu mà chị Thủy không bao giờ quên. Chị kể: năm 2014, một bé gái “bụ bẫm” sinh ra ở bệnh viện nhưng mẹ bỏ đi. Bác sĩ khoa sơ sinh mới phát hiện bé sinh ngày 21.8.2014 cùng sinh nhật với chị Thủy. Mẹ em bé cũng mang họ Lê, trùng với họ chị Thủy.
Cuối cùng, phòng Hành chính - Quản trị lấy tên em là Lê Kim Thủy, cùng với tên người làm khai sinh cho em. Giữa chị Thủy và bé cách nhau 40 tuổi. “Đến nay bé đã được 3 tuổi và đang được nuôi dưỡng ở trung tâm bảo trợ trẻ em Tam Bình. Bé rất dễ thương, tôi hy vọng sau này trên đường đời, tôi sẽ gặp lại bé như một cái duyên, cùng họ tên và ngày tháng sinh”, chị Thủy chia sẻ.
Theo Thanh Niên