Libya điều tra mua bán nô lệ: Trái đắng từ phương Tây?

Thứ hai, 27/11/2017, 15:46
Việc mua bán nô lệ diễn ra trên lãnh thổ do chính phủ phương Tây nặn ra, kiểm soát, vì vậy việc điều tra chẳng khác gì sỉ nhục với phương Tây...

Truyền thông Mỹ cung cấp bằng chứng mua bán nô lệ, Chính phủ Libya quyết điều tra

Theo Reuters ngày 23/11, đại diện Chính phủ Libya tại Tripoli được LHQ hậu thuẫn cho biết họ đang điều tra các báo cáo về việc người di cư châu Phi bị mua bán như nô lệ tại Libya và cam kết sẽ đưa các thủ phạm ra trước công lý.

Sự việc được tiến hành sau khi hãng tin CNN của Mỹ cho phát sóng một đoạn phim cho thấy người di dân châu Phi đang bị mua bán ở Libya và sự kiện này đã gây ra phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

Đoạn video của CNN ghi lại những cuộc đấu giá tại chợ người ở Libya và dẫn chứng bằng vụ một người đàn được thoả thuận trong một giao dịch thành công với giá 400 USD. Điều đó chứng tỏ thị trường nô lệ đã hình thành và đang tồn tại ở Libya.

Libya hỗn loạn thời hậu Gaddafi đã trở thành thị trường nô lệ

Chia sẻ với báo giới, Bộ trưởng Nội vụ Libya Aref al-Khodja cho biết, Chính phủ Libya đã có chỉ thị thành lập một ủy ban để điều tra sự thật, quyết đưa những kẻ phạm tội và những người có liên quan ra trước vành móng ngựa.

Theo ông Khodja, Libya mong được các cường quốc hợp tác, giúp làm sáng tỏ vụ việc và "hiện tại chúng tôi đang chờ đợi kết quả điều tra, mà bản thân tôi tin rằng nó đang đến rất gần".

Còn Chính phủ Libya thì ra thông cáo: "Chúng tôi kêu gọi các cơ quan trong nước và quốc tế hợp tác với Văn phòng Tổng chưởng lý và cung cấp bất kỳ thông tin nào giúp tiết lộ sự thật. Thực ra Libya chỉ là nạn nhân của việc di dân bất hợp pháp".

Cơ quan của LHQ đặc trách về Libya cho biết họ đã "tích cực theo đuổi vụ việc, cùng với các nhà chức trách Libya thiết lập cơ chế giám sát sự minh bạch, nhằm bảo vệ người nhập cư và chống lại nạn lạm dụng nhân quyền khủng khiếp tại Libya".

Như vậy là thông tin đất nước Libya - sau khi được khai sáng bằng bom đạn của NATO và nguyên tắc tự do - dân chủ phương Tây - đã trở thành thị trường nô lệ của thế kỷ 21 không còn là tin vịt từ chợ trời, mà dường như đó là sự thật.

Trái đắng từ bàn tay phương Tây

Ngày 10/2/2017, nhân dịp tròn 6 năm cuộc nội chiến Libya nổ ra, Tạp chí Foreign Policy Journal của Mỹ nhận định đất nước Libya thời hậu Gaddafi đã trở thành thiên đường cho khủng bố và đó là thành quả lớn nhất của phương Tây tại Libya.

Và mới đây, ngày 26/10/2017, nhân dịp tròn 6 năm Tổng thống Libya Gaddafi bị giết chết trong cuộc nổi dậy đẫm máu và kinh hoàng, hãng tin Reuters của Anh đã thông tin người dân Libya sống dưới thời “hậu độc tài” chẳng khác gì sống trên hoang đảo.

Thực tế đó cho thấy kết quả việc “xoá độc tài - gieo dân chủ” - do NATO và lực lượng được phân Tây hậu thuẫn thực hiện - đã kéo sự phát triển của đất nước Libya lùi lại trên tất cả các mặt của đời sống.

Súng đạn là một phương tiện sống tại Libya sau khi phương Tây xoá độc tài

Về chính trị, cơ chế uỷ nhiệm quyền lực nhân dân - bầu cử tự do, thành quả lớn nhất, giá trị tiến bộ nhất của nguyên tắc dân chủ được xác lập từ mấy trăm năm trước - đã bị chính phương Tây xoá bỏ trong quá trình "gieo dân chủ" tại Libya.

Ngược dòng lịch sử, sau khi lật đổ chế độ của đại tá Gaddafi vào tháng 10/2011, Hội đồng chuyển tiếp Libya (NTC) quản lý đất nước đến tháng 8/2012 thì trao quyền lại cho Đại hội toàn quốc Libya (GNC).

Cử tri Libya đã bầu một Quốc hội mới thay thế cho GNC vào tháng 6/2014 - Hội đồng các đại diện (CoR). Tháng 8/2014, cộng đồng quốc tế đã công nhận Nghị viện Liyba - cơ chế quyền lực của CoR - là thực thể chính trị đại diện duy nhất của Libya.

Song GNC lại quyết không từ bỏ quyền lực và từ giữa tháng 6/2014, tại Libya đã tồn tại hai Quốc hội đối lập. Khi lực lượng Hồi giáo Bình minh chiếm thủ đô Tripoli và thành lập chính phủ được GNC hậu thuẫn, Nghị viện Libya phải dời về Tobruk

Và từ đó Libya có hai Chính phủ, hai Quốc hội đối lập nhau. Theo nguyên tắc dân chủ và theo lối hành xử thường thấy, phương Tây sẽ can thiệp để đảm bảo quyền lực cho thực thể chính trị đại diện duy nhất của nhân dân Libya là Nghị viện Libya.

Tuy nhiên, phương Tây đã không làm vậy mà quyết tước bỏ thành quả chính trị của người dân Libya, khi họ tổ chức đối thoại giữa kẻ thua - người thắng trong cuộc tổng tuyền cử tháng 6/2014, rồi cho ra Chính phủ đoàn kết dân tộc tại Libya (GNA).

Điều đáng nói là cả GNC và CoR đều không chấp nhận cái thực thể do phương Tây cố nặn ra. Vậy nhưng phương Tây vẫn quyết hậu thuẫn GNA, ngay cả khi nó bị Toà án Tối cao Libya từ chối công nhận tính hợp pháp.

Có thể thấy rằng, phương Tây đã vô hiệu hoá hoàn toàn nguyên tắc dân chủ được người dân Libya vận dụng và tôn trọng. Rõ ràng, sau khi "xoá độc tài" phương Tây đã "kéo lùi nền dân chủ" chứ không phải "gieo dân chủ" cho Libya.

GNA là một thực thể chính trị được phương Tây nặn ra thiếu quyền không lực

Về kinh tế, tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế của Libya đều sụt giảm quá xa so với thời "chế độ độc tài" - một chế độ thuộc hàng giàu có ở Bắc Phi - Trung Đông, theo Reuters. Khủng hoảng bao gồm cả kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân

Reuters cho biết, đối với người dân Libya lúc này thì sự hỗn loạn trong chiến tranh không là gì so với mất điện và mất nước sinh hoạt, mà nguyên nhân là do mất kiểm soát nguồn thu từ dầu thô và cơ sở hạ cơ sở hạ tầng không được nâng cấp, cải thiện.

"Không có nước, không có điện, chúng tối sống trong một đất nước nhưng giống như sống trên hoang đảo. Chúng tôi phải tự tìm nguồn nước, điều chúng tôi không phải nghĩ tới từ hơn 20 năm trước", ông Nasser Said, một cư dân Tripoli thất vọng.

Còn ông Naji Assaed, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Nước của Libya thì cho biết: "Libya không có ngân sách nhà nước kể từ năm 2011, ngoại trừ viện trợ khẩn cấp. Đó là sự thật khó khăn về tài chính của chính phủ Libya".

Theo ông Assaed, chi tiêu của chính phủ, tiền lương công chức trước đây dưới chế độ Gaddafi không bao giờ trở thành vấn đề đối với ngân sách nhà nước. Song điều đó chỉ còn là ký ức với người Libya.

“Cuộc khủng hoảng nước và điện sinh hoạt là biểu tượng rõ nhất cho thất bại của chính quyền một quốc gia từng thuộc hàng giàu có ở Bắc Phi - Trung Đông, song đã kết thúc kể từ khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ", Reuters bình luận.

Có lẽ lời bình luận của hãng tin Reuters, sự thất vọng của ông Nasser Said với chính phủ Libya do phương Tây hậu thuẫn và sự nuối tiếc của ông Naji Assaed về "chế độ độc tài", đã nói lên đẩy đủ giá trị "thành quả" mà phương Tây mang lại cho Libya.
Người dân Libya như sống trên hoang đảo sau khi Libya được gieo dân chủ

Về xã hội, khi đời sống chính trị bất ổn, đời sống kinh tế khủng hoảng kiệt quệ thì chắc chắn đời sống xã hội không thể ổn định, bình yên. Tại Libya thời hậu Gaddafi tất cả quy phạm đạo đức, quy phạm xã hội và quy phạm pháp luật đều không hữu hiệu.

Ngày 11/4, Báo cáo đặc biệt của LHQ về tình hình người tị nạn tại Libya và làn sóng di cư từ châu Phi tràn vào châu Âu cho biết ngày càng có nhiều người di cư từ châu Phi đi qua Libya đang bị mua bán trên thị trường nô lệ.

Và theo thông tin từ Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) thì việc mua bán nô lệ diễn ra tại các nhà để xe và bãi đậu xe của thành phố Sabha, phía Nam Libya, một trong những trung tâm diễn ra hoạt động buôn bán người rầm rộ nhất tại Libya, thời hậu Gaddafi.

Theo IOM, những người di cư - nhiều người từ Nigeria, Senegal và Gambia - bị bắt khi họ tiến về phía Bắc tới bờ Địa Trung Hải trong phần lãnh hải của Libya. Sau đó người nhập cư được mua bán trên thị trường như một mặt hàng.

"Một người di cư được mua bán với giá từ 200 USD đến 500 USD và được giữ lại khoảng 2 hoặc 3 tháng, sau đó sẽ được đưa tới châu Âu qua ngả Italy”, ông Othman Belbeisi, người đứng đầu sứ mệnh của IOM ở Libya cho biết.

Và nay thì GNA chính thức vào cuộc. Điều đáng nói là việc mua bán nô lệ lại diễn ra trên lãnh thổ do chính phủ mà phương Tây kiểm soát - bởi ngoài vùng kiểm soát thì GNA không thể điều tra. Vì vậy, việc điều tra là sự xấu hổ với phương Tây.

Cựu Tổng thống Mỹ Barak Obama chính thức thừa nhận việc "xoá độc tài - giao dân chủ" tại Libya là sai lầm lớn nhất trong cuộc đời làm Tổng thống của mình

Có thể thấy rằng, sai lầm lớn nhất trong cuộc đời Tổng thống của ông Obama và các đồng minh đã khiến người dân và đất nước Libya phải trả giá không biết đến khi nào thì mới có thể tận hưởng giá trị của nền văn minh được khai sáng của NATO!

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn