Báo Zimbabwe tố Trung Quốc giật dây đảo chính

Thứ hai, 27/11/2017, 09:53
Rõ ràng Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đến Zimbabwe về kinh tế lẫn chính trị. Thậm chí cuộc lật đổ vừa qua được cho là có bàn tay của Bắc Kinh. Tuy nhiên, ảnh hưởng tới quốc gia châu Phi này không chỉ có Trung Quốc…

Ông Mugabe chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Harare năm 2015 - Ảnh: AFP

Trung Quốc và Zimbabwe có mối thâm tình nhiều năm khi Bắc Kinh luôn sát cánh bên nhà lãnh đạo Robert Mugabe cùng Đảng Zanu-PF chấm dứt chế độ cai trị của người da trắng năm 1980 cho đến giai đoạn Harare hứng chịu trừng phạt từ phương Tây đầu những năm 2000 vì chương trình cải cách ruộng đất.

"Chúng tôi tôn trọng quyết định từ chức của ông Mugabe. Ông ấy vẫn là người bạn tốt của nhân dân Trung Quốc".

Người phát ngôn của Bắc Kinh

Bóng dáng Trung Quốc

Việc tướng chỉ huy quân đội Constantino Chiwenga thăm Trung Quốc ngay trước cuộc lật đổ trông giống như phần cuối của một kế hoạch phức tạp đã được vạch ra kể từ khi ông Emmerson Mnangagwa bị cách chức Phó tổng thống.

"Nếu thắc mắc vì sao chúng tôi không gọi đó là một cuộc đảo chính và vì sao quân đội lại nhẹ tay với người đã khiến họ vò đầu bứt tóc thì câu trả lời đơn giản là theo yêu cầu của Trung Quốc" - tờ Zimbabwe Mail viết.

Theo nguồn tin của CityPress, Bắc Kinh được cho là đã chấp thuận cuộc đảo chính với điều kiện không ai bị giết và ông Mnangagwa sẽ lên nắm quyền. Đổi lại, Bắc Kinh được yêu cầu tiếp tục "hỗ trợ kinh tế và kỹ thuật" cho Harare. "Trung Quốc không chỉ chấp thuận, họ đã giật dây tất cả" - tờ báo Zimbabwe khẳng định.

Trong khi đó giới phân tích Trung Quốc cũng khẳng định Bắc Kinh luôn dõi theo các đấu đá nội bộ của Zimbabwe và cân nhắc cẩn thận các lựa chọn.

Người được Trung Quốc đặt cược - "Cá sấu" Mnangagwa, vốn nổi tiếng với tính cách trầm lắng và những "cú táp" bất ngờ, từng được đào tạo quân sự tại Trung Quốc từ những năm 1970 - là nhân vật thân cận với tướng Chiwenga.

Từng là một phụ tá trung thành, ông Mnangagwa đã bị nhà lãnh đạo Mugabe coi là mối đe dọa khi ra sức tranh cử chức phó tổng thống năm 2004. Năm 2005, ông Mugabe chọn bà Joyce Mujuru, vợ của tướng lĩnh quân sự Solomon Mujuru, làm Phó tổng thống và giáng chức ông Mnangagwa.

"Cha già (Mugabe) quá lo lắng cho di sản của mình. Emmerson Mnangagwa là người duy nhất có khả năng nắm quyền. Ông ta là trùm tình báo với những tính chất của một cựu chiến binh, lại có mối quan hệ với quân đội và sự chống lưng của Trung Quốc" - một tướng quân đội Zimbabwe nhận xét.

Năm 2008, cuộc đảo chính của một số tướng lĩnh quân đội thất bại khiến tướng Solomon bị giam lỏng và bà Joyce bay chức. Trong năm đó, bất chấp tỉ lệ lạm phát phi mã và bạo lực tràn ngập, ông Mugabe vẫn ngồi vững trên ngai vàng.

"Thay ngựa"

Trung Quốc, nhà đầu tư lớn nhất tại châu Phi, có ảnh hưởng chính trị tại Zimbabwe lớn hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới. Sức ảnh hưởng đến từ những khoản tài chính khổng lồ Bắc Kinh rót vào ngành khai thác mỏ, nông nghiệp, năng lượng và xây dựng của Harare. Tuy nhiên, mối quan hệ hai nước trở nên khăng khít từ khi Bắc Kinh chi viện cho lực lượng của ông Mugabe những năm 1970.

Khi Harare bị trừng phạt sau cuộc bầu cử năm 2002, Trung Quốc đầu tư hơn 100 dự án vào Zimbabwe và ngăn chặn các cấm vận vũ khí nhắm vào nước này của Liên Hiệp Quốc. Trước những chỉ trích rằng chính quyền Mugabe chỉ là con rối của Trung Quốc, Bắc Kinh chi hàng tỉ USD cho các chương trình y tế, hạ tầng... để thu phục lòng dân.

Tuy nhiên các chính sách của bạn cũ Mugabe những năm qua, như đạo luật quốc hữu hóa năm 2016 không cho phép các công ty nước ngoài sở hữu quá 49% các doanh nghiệp đặt tại Zimbabwe, khiến Bắc Kinh lo lắng cho các khoản đầu tư tỉ đô.

"Tôi nghĩ nhiều quan chức Bắc Kinh sẽ vui vì ông Mugabe đã ra đi" - chuyên gia quan hệ Trung Quốc - châu Phi Ross Anthony đánh giá.

Giới phân tích cho rằng việc Trung Quốc ủng hộ "ngựa chiến" mới Mnangagwa cũng được coi là rút kinh nghiệm từ những cuộc khủng hoảng trước tại châu Phi. Năm 2011, quyết định ủng hộ đến cùng nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi khiến Trung Quốc tổn thất nghiêm trọng khi các hợp đồng dầu mỏ trị giá hàng tỉ USD bị chính quyền mới xé bỏ.

Trong khi đó, tân Tổng thống Emmerson Mnangagwa hứa hẹn sẽ là một nhân tố có lợi cho Bắc Kinh. Báo chí Trung Quốc vẽ chân dung nhà lãnh đạo mới của Zimbabwe là người đáng tin cậy, thân thiết với Trung Quốc, đã từng học về chủ nghĩa Mác và kỹ sư quân sự tại Bắc Kinh và Nam Kinh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 24-11 đã chúc mừng tân Tổng thống Mnangagwa. "Trung Quốc coi trọng tình hữu nghị với Zimbabwe và sẵn sàng cùng hợp tác để củng cố quan hệ song phương, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước" - Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Trung Quốc.

Tân Tổng thống Emmerson Mnangagwa, người bạn mới mà không mới của Trung Quốc

Cuộc cạnh tranh Nhật - Trung

Trong làn sóng đầu tư vào châu Phi, Nhật Bản và Trung Quốc nổi lên như một cặp đối trọng, theo một nghiên cứu của Viện Brookings năm 2016.

Cuối tháng 8-2016, Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi lần thứ 6 (TICAD VI) được tổ chức tại thủ đô Nairobi, Kenya. Đây là lần đầu sự kiện TICAD tổ chức ở châu Phi từ lúc thành lập năm 1993. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khi ấy cam kết đầu tư 30 tỉ USD để hỗ trợ phát triển châu Phi trong 3 năm.

Trước động thái ấy, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Nhật Bản "cố gắng áp đặt ý chí lên các quốc gia châu Phi nhằm đạt lợi ích ích kỷ và gây hiềm khích giữa Trung Quốc với các nước châu Phi" - Viện Brookings trích dẫn.

Với một nước khan hiếm tài nguyên như Nhật Bản, châu Phi là thị trường tài nguyên quốc tế dồi dào và hợp lý. Ngoài ra, phía Nhật cũng không giấu giếm ý định thúc đẩy vai trò quốc tế của các nước châu Phi, nhằm gặt hái lợi ích cho các chương trình nghị sự của Tokyo tại Liên Hiệp Quốc.

Năm 2016, vợ chồng Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe thăm Nhật Bản. Trong chuyến thăm này, Nhật luôn khẳng định "chưa bao giờ áp lệnh trừng phạt hay bất cứ biện pháp nào lên Zimbabwe cả". Ngược lại, Nhật còn là nước hăng hái nhất trong việc giúp đỡ Zimbabwe xin một trong hai ghế châu Phi ở vị trí thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Theo TTO

Các tin cũ hơn