Cục Trẻ em lên tiếng vụ bảo mẫu bạo hành trẻ ở Sài Gòn

Thứ hai, 27/11/2017, 13:58
Vụ hàng chục trẻ em ở trường Mầm Xanh (TP.HCM) bị 3 cô giáo đạp, tát, đánh bằng mọi vật dụng trong nhà, thậm chí cả dao, đang khiến dư luận phẫn uất. Trao đổi với Dân Việt, ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) khẳng định, cần phải có các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành.

Thưa ông, với vụ việc trẻ bị hành hạ dã man ở trường mầm non Mầm Xanh thì các biện pháp cần phải xử lý khẩn cấp là gì?

Theo tôi, ngay lúc này tất cả các biện pháp xử lý cần chú ý vào hai góc độ. Góc độ thứ nhất phải ưu tiên quan tâm đến chăm sóc, bảo vệ nạn nhân. Với vụ việc bạo hành ở trường Mầm Xanh, Cục Trẻ em đã có kết nối với ngành giáo dục và được biết đơn vị này đã ngay lập tức đóng cửa trường và cơ quan công an đã vào cuộc điều tra. Tôi đã đề nghị ngành giáo dục phối hợp với Sở LĐTBXH chuyển các em tới đơn vị giáo dục khác và thực hiện chăm sóc đặc biệt như khám sàng lọc tâm lý để có phương án chăm sóc cụ thể.

Rất nhiều phụ huynh và người dân kéo tới trường Mầm Xanh phản ứng vụ bạo hành trẻ em nghiệm trọng tại đây

Hiện nay các cơ quan công an, thực thi luật đã vào cuộc khá nhanh, với trách nhiệm cao nhất để điều tra và xử lý. Tại Hà Nội, Tổng đài chăm sóc và bảo vệ trẻ em cũng đã ngay lập tức liên hệ để hỗ trợ, hướng dẫn quy trình xử lý, cũng như biện pháp hỗ trợ. Rõ ràng, sự phối hợp của các cơ quan pháp luật, cơ quan có trách nhiệm xã hội đã tốt hơn.

Ngoài vụ bạo hành trẻ em  như ở trường Mầm Xanh, gần đây rất nhiều vụ trẻ bị hành hạ dã man như vụ bảo mẫu tung hứng trẻ hơn 1 tháng tuổi ở Hà Nam, vụ bố mẹ bạo hành trẻ 7 tuổi Kiên Giang... Nguyên nhân vì sao các vụ bạo hành ngày càng gia tăng cả số lượng lẫn mức độ, thưa ông?

Không hẳn là các vụ bạo lực gia tăng về số lượng và mức độ, có chăng là gần đây các vụ bạo hành, xâm hại được phát giác và tố cáo nhiều hơn. Thêm vào đó, việc tiếp nhận xử lý kịp thời các vụ tố giác đã bước đầu tạo niềm tin cho người dân. Theo dự đoán của chúng tôi, thời gian tới những vụ tố giác việc bạo hành, xâm hại trẻ em sẽ còn tăng lên. Hiện nay Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và 1800157 được duy trì song hành đang tiếp nhận nhiều hơn các cuộc gọi.

Luật đã quy định rõ trách nhiệm của chính quyền, địa phương nhưng qua các vụ bạo hành điển hình ở trên thì thấy vai trò chính quyền địa phương còn khá yếu. Liệu có sự tắc trách nào ở đây?

Trước hết nói về vụ việc cha đẻ, có thể là cả mẹ kế nữa bạo hành bé gái 7 tuổi ở Châu Thành, Kiên Giang thì thông tin mà Cục Trẻ em cập nhật được tới 5h chiều qua (ngày 26.11) chính quyền địa phương đã rất tích cực trong việc triển khai đúng Luật trẻ em và Nghị định 56 xử lý cách ly trẻ khỏi người chăm sóc. Tuy nhiên, đây là vụ việc bạo lực diễn ra trong gia đình, thuộc mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái nên sẽ có những yếu tố phức tạp. Ngoài những vấn đề được quy định có yếu tố thực thi pháp luật thì cũng có những yếu tố mang tính chất tình cảm.

Đặc biệt là yếu tố tâm lý tình cảm của đối tượng bị xâm hại, khi trẻ bị xâm hại thường bị hoảng loạn cho nên ngoài biện pháp can thiệp theo quy định pháp luật thì còn cần căn cứ vào tâm lý của trẻ và thời gian để xử lý. Nguyên tắc, can thiệp bảo vệ với những trẻ bị bạo hành, đặc biệt với những trẻ em bị bạo hành nặng nề như ở Châu Thành, Kiên Giang thì phải lấy lợi ích tốt nhất cho trẻ làm đầu. Việc tách trẻ ra khỏi gia đình phải tuỳ thuộc vào diễn biến tâm lý, cũng như sự đánh giá về mức độ bạo hành về cả thể chất, tinh thần của trẻ.

Có ý kiến cho rằng việc xử lý của chúng ta còn quá nhẹ với cá nhân gây bạo hành, xâm phạm trẻ em nên bạo lực với trẻ em ngày càng gia tăng và nghiêm trọng. Theo ông có nên tăng nặng xử phạt đối với những tội phạm xâm hại trẻ em?

Với những vụ việc mà nhà báo vừa nêu, Cục Trẻ em cũng đã nắm bắt thông tin, chỉ đạo hỗ trợ xử lý. Tất cả những vụ việc trên đều đã được cơ quan pháp luật đã vào cuộc. Chắc chắn với những hành vi bạo lực nghiêm trọng trong các vụ việc bạo hành như trên đều sẽ bị xử lý hình sự. Theo Luật Hình sự, những hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em đều bị xử lý nghiêm và tăng nặng nếu có các tình tiết nghiêm trọng, xâm hại nhiều trẻ. Xâm hại trẻ em càng nhỏ tuổi hơn thì càng cần phải xử lý nghiêm hơn. Việc xử lý thế nào, sẽ căn cứ cụ thể vào hành vi và mức độ gây bạo lực.

Xin cảm ơn ông!

"Hiện nay Luật Trẻ em và Nghị định 56 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện luật cũng đã quy định rất cụ thể trách nhiệm của các bên liên quan, trách nhiệm của các cấp, cấp cơ sở.  Theo đó, trách nhiệm các xã phường phải triển khai ngay lập tức các biện pháp can thiệp. Gần đây nhất Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em. Thủ tướng cũng đã có yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm về tất cả sự chậm chễ, không xử lý với các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em. Ví dụ dụ tách trẻ em ra khỏi người nghi xâm hại, bạo lực cho trẻ. Hoặc chuyển trẻ tới cơ sở chăm sóc y tế, thể chất, tâm thần để kịp thời điều trị sang chấn,  phục hồi tốt nhất cho trẻ".

Ông Đặng Hoa Nam

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn