Nga-Syria ấn định nguyên tắc: Assad tại vị, chỉ chấp nhận LHQ

Thứ tư, 22/11/2017, 10:42
Nga và Syria đã thống nhất hai nguyên tắc bất biến trong tiến trình hòa giải dân tộc là “Assad vẫn tại vị” và “chỉ chấp nhận Liên Hiệp Quốc”.

Nga-Syria chỉ chấp nhận Liên Hiệp Quốc

Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã sang Nga và có cuộc hội kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Sochi hôm 20 tháng 11. Hai nhà lãnh đạo Nga và Syria đã bàn bạc để bắt đầu giải quyết tình hình chính trị Syria khi tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” IS bị đánh bại.

Nhà lãnh đạo Nga Putin nhấn mạnh rằng, cuộc chiến chống khủng bố đang sắp kết thúc, các cơ chế ngoại giao cho một tiến trình hòa bình hậu chiến tranh của Syria chuẩn bị bắt đầu và nó sẽ chỉ được tiến hành dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc.

Tổng thống Syria trả lời rằng, ông hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của Nga trong việc đảm bảo rằng “người dân Syria sẽ tự dẫn dắt quá trình hòa giải dân tộc của mình”, với sự trợ giúp từ bên ngoài, nhưng không phải là sự “can thiệp của ngoại bang”.

Theo như tinh thần này, nhà lãnh đạo Syria sẽ chấp nhận một tiến trình hòa giải do Liên Hiệp Quốc bảo lãnh, phản đối bất kỳ các thế lực ngoài tổ chức quốc tế này hoặc bất cứ nước nào can thiệp vào cuộc đối thoại chính trị nội bộ của đất nước hoặc cố gắng áp đặt các giải pháp cho các bên.

Điều này được công bố rất rõ ràng từ các báo cáo chính thức của cuộc họp giữa hai vị nguyên thủ ở Sochi. Nội dung cụ thể của nó có thể là sẽ khác đi một chút nhưng cơ bản là ông Putin đã thuyết phục vị khách của mình, để chắc chắn rằng Assad sẽ đi theo đúng lộ trình Moscow đã vạch ra.

Tổng thống Nga sau đó tuyên bố ông sẽ giành những ngày hôm sau để tiến hành các cuộc tham vấn điện thoại về tương lai của Syria với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và một số nhà lãnh đạo Trung Đông.

Cụ thể những vấn đề gì đã được bàn bạc trong cuộc hội đàm ở Sochi và trong những cuộc điện thoại này có nhiều khả năng sẽ xuất hiện trong các báo cáo từ Moscow và Damascus trong vài ngày tới.

Cuộc chiến chống khủng bố kết thúc, Syria lại lao vào cuộc chiến bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ trước âm mưu xâu xé của ngoại bang

Trong khi đó, nguồn tin của giới truyền thông từ Trung Đông và các nguồn của Nga đưa ra đã cho phép chúng ta phác thảo một số nét chính về tình hình Syria trong thời gian tới như sau:

1. Cuộc chiến Syria có bước ngoặt mới nhưng chưa kết thúc

Cả ông Putin và ông Assad có thể đã nhìn thấy dấu hiệu cuộc chiến tranh Syria đã bước sang một bước ngoặt mới, nhưng cả hai đều nhận thức rằng nó vẫn hoàn toàn chưa kết thúc, chặng đường mới khó khăn hơn nhiều đang chờ đợi đất nước và nhân dân Syria.

Trên mặt trận chính thứ nhất, sự thất bại của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo và giải phóng lãnh thổ mà nó chiếm đóng là mục tiêu mà Nga và Syria đã chắc chắn đạt được trong thời gian ngắn tới nhưng vẫn còn khủng bố al-Qaeda Syria (tức Jabhat Fatah al-Sham, trước đây là al-Nusra, hiện đang lãnh đạo liên minh khủng bố Hay’at Tahrir al-Sham).

Song song với điều đó, trên mặt trận thứ hai là chống các nhóm phiến quân nổi dậy được nước ngoài hậu thuẫn, mặc dù hầu hết các nhóm nổi dậy Syria đã bị phá vỡ, nhưng cuộc nổi dậy rõ ràng vẫn còn tồn tại; nguy cơ xung đột và sự can thiệp của các thế lực ngoại bang là vẫn còn hiện hữu.

2. Hậu IS, Tổng thống Assad vẫn tại vị

Tổng thống Syria Basha al-Assad vẫn tại vị qua hơn bảy năm chiến tranh tàn khốc và đầy rẫy khó khăn nhưng cuối cùng ông đã có vị thế của một người chiến thắng. Ông cũng có thể cố gắng lặp lại chiến công này trong cuộc đấu trí ngoại giao về tương lai chính trị của Syria.

Giá trị của việc ông Assad vẫn còn nắm giữ cương vị Tổng thống thể hiện ở điểm, những âm mưu lật đổ chính quyền Syria của các thế lực ngoại bang đã hoàn toàn thất bại; sự chính nghĩa đã thắng, người Syria vẫn giương lên một lá cờ tiêu biểu của tiến trình hòa giải dân tộc.

Việc cuộc chiến ngoại giao bắt đầu khi ông Assad vẫn còn tại vị cho phép chính quyền hợp Hiến của Syria nắm được lợi thế rất lớn trên bàn đàm phán, ông Assad vẫn là Tổng thống dân bầu được Liên Hiệp Quốc công nhận và không một thế lực nào có thể xem nhẹ.

3. Tiến trình hòa bình Syria sẽ còn kéo dài

Tuy nhiên, cuộc họp Sochi chỉ là sự khởi đầu của một quá trình ngoại giao lâu dài và khó khăn có thể kéo dài trong nhiều tháng, nhiều năm, thậm chí là hàng chục năm; có thể xuất hiện những giai đoạn thăng trầm, các bước tạm dừng và không loại trừ nguy cơ tái bùng phát xung đột.

Hiện nay, lãnh thổ Syria đang bị một số nhóm phiến quân đối lập với sự hậu thuẫn quân sự trực tiếp của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Rõ ràng là Nga sẽ không đối đầu quân sự với 2 cường quốc này, điều đó đồng nghĩa với việc Syria sẽ không thể đơn độc tiến hành chiến tranh với họ.

Do đó, tiến trình hòa đàm để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Syria sẽ còn rất dài, đất nước có thể phải chấp nhận sự chia cắt tạm thời; thậm chí Syria có thể sẽ sẽ phải chấp nhận sự nhẫn nhịn nhất định mới đạt đến chiến thắng cuối cùng là đất nước quy về một mối.

4. Nga và Iran đang phân chia phạm vi ảnh hưởng ở Syria

Không có dấu hiệu cho thấy sự tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và Iran về “quyền thống trị ảnh hưởng” ở Syria hậu IS. Hiện tại, Moscow và Tehran đang phân chia, bổ sung phạm vi hiện diện cho nhau, mỗi nước đều được quy định một phần ảnh hưởng trong lãnh thổ.

Quân đội Nga kiểm soát các phần của bờ biển Địa Trung Hải và vùng đồng bằng ở phía Tây Syria, trong khi Iran mở rộng quyền kiểm soát khu vực Damascus và hai khu vực biên giới của Syria với Lebanon, Israel và Iraq; cùng với việc kiểm soát các tuyến đường cao tốc nối các nước này.

Sự phân chia nhiệm vụ cũng rõ ràng trên chiến trường với việc không quân và hải quân Nga đang chủ động hỗ trợ lực lượng mặt đất Iran và Hezballah. Điều này sẽ cho phép họ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Syria trong quá trình đàm phán, sử dụng ưu thế quân sự để bảo đảm lợi thế trên bàn đàm phán.

Tổng thống Assad vẫn còn tại vị là thành công lớn của Nga và Syria

Tiến trình hòa giải dân tộc ở Syria bắt đầu

Tất cả những vấn đề trên sẽ là những yếu tố quan trọng, quyết định đến tương lai của Syria, tuy nhiên, trong quá trình tiến hành, Moscow và Damascus sẽ phải áp dụng các biện pháp mang tính mềm dẻo để đảm bảo đạt được mục đích. Các bước đi này được cụ thể hóa trong những cuộc hội đàm sau:

Ngày 22 tháng 11, các bước đi tiếp theo tại Syria sẽ được thảo luận tại cuộc họp của lãnh đạo Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, nhưng Syria sẽ không tham dự trong cuộc hội đàm ba bên này. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ là đối tượng tham dự sẽ ở cấp nguyên thủ hay cấp bộ trưởng ngoại giao.

Nhiều khả năng, đây sẽ là cuộc họp quyết định đến vấn đề phân chia ảnh hưởng của các cường quốc và việc Thổ Nhĩ Kỳ có tiếp tục hiện diện quân sự ở Syria hay không. Đây sẽ là điều khó khăn với Nga và Iran, bởi lực lượng phiến quân do Ankara hậu thuẫn đang chiếm một vùng lãnh thổ khá rộng.

Cũng trong ngày 22/11, Saudi Arabia đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc họp của các nhà lãnh đạo phe đối lập Syria ở Riyadh. Đây sẽ là cuộc họp quyết định những hướng đi sắp tới các các phe nhóm này ở Syria. Tuy nhiên, hiện phe đối lập do Riyadh kiểm soát không có nhiều lợi thế trước chính quyền Syria.

Một tuần sau, vào ngày 28 tháng 11, hội nghị do Liên Hợp Quốc bảo lãnh về cuộc khủng hoảng Syria sẽ diễn ra tại Geneva, trong đó Hoa Kỳ sẽ tham dự. Những cuộc họp giữa các bên can dự vào cuộc chiến Syria và các phe nhóm do họ hậu thuẫn là để chuẩn bị cho cuộc đàm phán này.

Nhiều khả năng, hội nghị này sẽ chưa giải quyết được vấn đề gì quan trọng, mà các bên chỉ thống nhất được về lực lượng bảo lãnh, giám sát; cơ cấu các đoàn tham gia; cơ chế điều hành các cuộc đàm phán và thời điểm tiến hành các vòng đàm phán tiếp theo.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn