Chạy đua tìm tàu ngầm Argentina mất tích: khi điểm mạnh trở thành tử huyệt

Thứ tư, 22/11/2017, 11:10
Chính thiết kế tránh bị phát hiện đã khiến việc tìm kiếm tàu ngầm ARA San Juan vô cùng khó khăn

Tàu thuyền tham gia tìm kiếm tàu ngầm ARA San Juan mất tích

Theo Hải quân Argentina, nếu còn nguyên vẹn thì tàu ngầm ARA San Juan bị mất tích cũng sẽ cạn kiệt oxy trong ngày 22.11.

CNN ngày 22.11 dẫn lời các chuyên gia cho rằng chính khả năng tránh bị phát hiện của con tàu ngầm ARA San Juan là trở ngại lớn cho việc tìm kiếm sau khi nó bị mất tích từ ngày 15.11.

Tàu ngầm với thủy thủ đoàn 44 người đang từ vùng biển phía Nam Argentina trở về cảng tại thành phố Mar del Plata sau đợt hoạt động thường kỳ thì bị mất liên lạc. Hàng chục tàu thuyền, máy bay từ 7 nước đang càn quét qua các khu vực nghi vấn giữa lo ngại tàu ngầm sắp hết dưỡng khí.

Vị trí tàu ngầm liên lạc lần cuối cách vùng Patagonia khoảng vài trăm kilomet, nằm giữa chặng đường quay về cảng. CNN dẫn lời người phát ngôn Hải quân Argentina Gabriel Galeazzi thì thuyền trưởng con tàu đã báo cáo về hỏng hóc ở hệ thống pin và bị đoản mạch.

Theo ông Galeazzi thì con tàu được lệnh quay về cảng và báo cáo hỏng hóc như thế này được xem là bình thường. Hải quân còn liên lạc với con tàu 1 lần nữa trước khi nó mất tích.

Cựu thủy thủ tàu ngầm của Hải quân Mỹ William Craig Reed cho rằng con tàu đã gặp phải một hỏng hóc nghiêm trọng hơn nhiều, trong khi tàu chạy bằng diesel chứ không phải năng lượng hạt nhân nên thời gian ở dưới nước có giới hạn.
Ông Peter Layton, chuyên gia tại Viện Griffith châu Á (Úc) đưa ra giả thuyết thân tàu vẫn còn nguyên thì có thể chịu được áp lực nước ở độ sâu khoảng 500-600m. Do đó, nếu tàu nằm ở thềm lục địa Argentina thì sẽ có nhiều hy vọng hơn so với trường hợp chìm xuống khu vực xa hơn ở Đại Tây Dương, vượt quá độ sâu nó có thể chịu được sức ép.
Chuyên gia Euan Graham tại Viện chính sách quốc tế Lowy (Úc) giải thích rằng chính thiết kế tránh bị phát hiện đã khiến việc tìm kiếm con tàu dưới nước vô cùng khó khăn. Việc phát hiện tàu ngầm thường thông qua âm thanh động cơ hoặc sóng âm phản xạ dưới nước.
Tuy nhiên phát hiện âm thanh dưới đáy biển là điều vô cùng khó, thậm chí ngay khi các thủy thủ tìm cách gây tiếng động từ thân tàu.
Nhằm chuẩn bị cho trường hợp tìm được con tàu, Hải quân Mỹ đã điều 2 hệ thống cứu hộ có thể giúp các thủy thủ rời con tàu ngầm an toàn dưới đáy biển. Thiết bị có tên gọi là Phòng cứu hộ tàu ngầm sẽ được hạ xuống từ con tàu trên mặt biển và sẽ được kết nối bịt kín với cửa tàu ngầm. Thiết bị này có thể chứa đến 6 người và chịu được áp lực ở độ sâu đến 260m.
Một thiết bị khác là mô đun áp lực cứu hộ (PRM) có thể cập vào tàu ngầm ở độ sâu đến 609m, được điều khiển từ xa và có thể chứa đến 16 người.
Tuy nhiên, theo ông Layton thì con tàu ngầm cần phải nằm thẳng đứng hoặc nghiêng ít thì việc cứu hộ mới dễ dàng. “Trong khi đó, đáy biển lại không bằng phẳng. Nếu tàu nằm nghiêng quá nhiều thì việc kết nối các thiết bị cứu hộ sẽ vô cùng khó khăn”, ông Layton cho biết.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn