|
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel hôm 6/12. Ảnh: Reuters |
Trump điện đàm cho lãnh đạo Palestine
Reuters trích dẫn nguồn tin từ chính phủ Mỹ và Palestine cho biết, vào thứ Ba (5/12) – một ngày trước khi ký sắc lệnh công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, Tổng thống Donald Trump đã gọi điện cho người đồng cấp Palestine Mahmoud Abbas, dường như để làm rõ về những nỗ lực của các cố vấn Nhà Trắng nhằm tạo ra kế hoạch hòa bình, dự kiến sẽ được đưa ra trong nửa đầu năm 2018.
Theo nguồn tin, ông Trump khẳng định với ông Abbas, kế hoạch hòa bình cuối cùng sẽ cung cấp người Palestine giải pháp quan trọng khiến họ hài lòng, nhưng không giải thích cụ thể.
Trong khi đó, Tổng thống Abbas trả lời, bất kỳ tiến trình hòa bình cũng đều phải tôn trọng sự thật: Đông Jerusalem là thủ đô của Palestine.
Cuối cùng, ông Trump cho biết, muốn tự thảo luận các vấn đề trên một cách trực tiếp và mời ông Abbas đến Nhà Trắng, mặc dù không có thời gian rõ ràng.
Không rõ, hai nhà lãnh đạo đã đạt được tiếng nói chung trong cuộc điện đàm hay không. Nhưng sau khi ông Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, ông Abbas đã “lên án và bác bỏ” quyết định của Mỹ, cáo buộc động thái này sẽ “phục vụ cho những kẻ khủng bố” và “đưa chiến tranh không bao giờ kết thúc trong khu vực”.
Lãnh đạo Palestine khẳng định, Jerusalem vẫn là thủ đô “vĩnh hằng” của Nhà nước Palestine, và sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ “sự thật” này, đồng thời khẳng định, quyết định của ông Trump có nghĩa là Mỹ từ bỏ bất kỳ vai trò nào trong việc hòa giải xung đột Ả Rập-Israel.
Ý định của Mỹ
Các quan chức Mỹ tiết lộ, nhóm của ông Trump, do Jared Kushner - con rể kiêm cố vấn cấp cao – dẫn đầu, sẽ tiếp tục phát triển một kế hoạch làm nền tảng cho cuộc đàm phán mới giữa Israel và Palestine, với hy vọng thời kỳ khủng hoảng sẽ mau trôi qua và bất kỳ sự phong tỏa ngoại giao với người Palestine sẽ không kéo dài.
Tuy nhiên, giữa những cuộc biểu tình đang gia tăng ở Palestine và sự không chắc chắn quốc gia này có tham gia vào nỗ lực hòa bình hay không, quan chức Mỹ quan ngại quá trình mà nhóm của Trump đang hướng đến có thể bị gián đoạn.
Dẫu vậy, các quan chức nhấn mạnh, kế hoạch đang được hoàn thiện sẽ giải quyết được tất các các vấn đề lớn, bao gồm Jerusalem, biên giới, an ninh, tương lai của các khu định cư Do Thái trên vùng đất bị chiếm đóng, số phận của người tị nạn Palestine, và cũng sẽ kêu gọi Ả Rập Saudi và các quốc gia vùng Vịnh khác cung cấp hỗ trợ tài chính đáng kể cho người Palestine.
Các quan chức Mỹ cho biết, Kushner ủng hộ quyết định của Trump về vị thế của Jerusalem, cũng như kế hoạch di chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem, mặc dù ông nhận thức được quyết định đó sẽ làm phức tạp các nỗ lực hòa bình mà ông đang dẫn dắt.
Tuy nhiên, theo quan chức Nhà Trắng, bởi vì nỗ lực hòa bình chưa dẫn đến các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai bên, nhóm của Kushner tin rằng, sự phản đối ban đầu cuối cùng sẽ vượt qua.
Nguồn tin nói thêm, đây sẽ là kế hoạch toàn diện, vượt ra ngoài các khuôn khổ do chính quyền Mỹ trước đây đưa ra, dự kiến sẽ công bố trước giữa năm sau.
Giới chức Mỹ thừa nhận, những động thái của Trump ở Jerusalem có thể làm chao đảo sự hợp tác từ các quốc gia Ả Rập như Ả Rập Saudi, Ai Cập và Jordan, ảnh hưởng đến mục tiêu tham gia vào quá trình hòa bình tại Trung Đông của Washington.
Nhưng, họ tin rằng, thế giới Ả Rập cũng quan tâm đến việc giữ ông Trump trong cuộc đối đầu với Iran và chiến đấu chống các chiến binh Hồi giáo cực đoan, do đó khó có thể tách rời khỏi các nỗ lực giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine.
Thêm vào đó, một quan chức Mỹ nhận định, người Palestine ở trong tình trạng yếu ớt đến mức họ sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận các nỗ lực hòa bình do Mỹ lãnh đạo.
Trong khi, nguồn tin khác chỉ ra, các trợ lý của ông Trump có thể sẽ làm cho người Palestine thừa nhận tuyên bố của Israel với Jerusalem, từ đó, ông chủ Nhà Trắng có thể sẽ có thêm “đòn bẩy” để tìm kiếm sự nhượng bộ sau đó từ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Theo Tiền Phong