Philippines: Biển Đông "không phải là ao nhà" của Trung Quốc

Thứ ba, 20/02/2018, 13:55
Đại sứ Philippines tuyên bố Biển Đông không phải là “ao nhà” của Trung Quốc” nhưng lo ngại nguy cơ xung đột vũ trang gia tăng do Bắc Kinh thách thức sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.

Công trình Trung Quốc xây dựng trái phép trên bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Đánh giá trên được đưa ra sau khi giới chuyên gia cảnh báo Trung Quốc có thể đang ngang nhiên biến đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam thành trung tâm tình báo nhằm tăng cường khả năng kiểm soát Biển Đông.

Phát biểu tại một sự kiện báo chí ở thủ đô Manila ngày 19.2, Đại sứ Philippines tại Trung Quốc Chito Sta. Romana cho hay cán cân quyền lực đang dịch chuyển giữa lúc Mỹ và Trung Quốc tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông, theo tờ South China Morning Post.

“Trước đây Hạm đội 7 của hải quân Mỹ chiếm ưu thế [ở khu vực]... Tuy nhiên, hải quân Trung Quốc bắt đầu thách thức vị thế này của Mỹ. Tôi nghĩ chúng ta sẽ chứng kiến sự dịch chuyển trong cán cân quyền lực”, ông Romana nói.

Ông Romana còn so sánh Mỹ và Trung Quốc như hai con voi đang đấu nhau và giày xéo bãi cỏ, và cho rằng Philippines mong muốn "không trở thành bãi cỏ đó”.

Dù vậy, ông Romana nhấn mạnh rằng Biển Đông "không phải là ao nhà của Trung Quốc - chúng ta hãy nhìn xem, tàu sân bay Mỹ vẫn tiếp tục đi lại trong khu vực”. Tàu sân bay USS Carl Vinson, với phi đội 40 chiến đấu cơ và 5.000 lính hải quân Mỹ, đang đến thăm Manila vào tuần này.

Trong phiên điều trần trước Quốc hội hồi tuần rồi, Đô đốc Harry Harris, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho biết Trung Quốc ngang nhiên xây dựng 7 căn cứ quân sự ở Biển Đông, với những cơ sở mới bao gồm nhà chứa máy bay, radar, kho vũ khí và đường băng.

Trung Quốc đã xây nhiều cơ sở radar và liên lạc phi pháp trên đá Chữ Thập

Theo báo cáo mới công bố của Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), Trung Quốc đã xây dựng phi pháp trên đá Chữ Thập hệ thống liên lạc hoặc cảm biến lớn hơn so với những thiết bị tương tự được tìm thấy trên những đảo nhân tạo phi pháp khác tại Trường Sa.

Đá Chữ Thập là thực thể bị Trung Quốc xây dựng phi pháp nhiều nhất tại Trường Sa hồi năm 2017, với các công trình chiếm tổng diện tích ước tính 100.000 m2, theo AMTI. Trong đó có đường băng dài 3 km và nhà chứa máy bay đủ lớn cho máy bay ném bom. Cũng theo AMTI, Bắc Kinh có thể đã hoàn tất lắp đặt hệ thống radar và liên lạc ở đây.

Chuyên gia an ninh biển Collin Koh thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) nhận định những hoạt động xây dựng hàng loạt cho thấy Trung Quốc đang muốn phô diễn với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ, về khả năng kiểm soát Biển Đông.

Theo giáo sư Richard Heydarian tại Đại học De La Salle (Philippines), Trung Quốc đang tìm cách tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực nhằm tạo ra cái gọi là "sự đã rồi trên thực tế", làm nản lòng những bên tranh chấp khác, đồng thời giành ưu thế trong trường hợp xảy ra xung đột.

Tuy nhiên, hải quân Mỹ vẫn khẳng định hoạt động của Trung Quốc sẽ không thể ngăn cản những cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn