Ba lần Mỹ - Triều Tiên cận kề xung đột quân sự

Thứ tư, 14/02/2018, 13:09
Lịch sử mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên từng trải qua nhiều giai đoạn căng thẳng, trong đó có 3 lần được cho là suýt xảy ra xung đột quân sự giữa hai quốc gia.

Tàu do thám

Các thành viên của thủy thủ đoàn Mỹ bị Triều Tiên bắt giữ năm 1968 (Ảnh: AP)

Vào năm 1968, Hải quân Triều Tiên đã bắt giữ tàu gián điệp Mỹ USS Pueblo ở ngoài khơi bờ biển phía Bắc của bán đảo Triều Tiên. Bình Nhưỡng khi đó kiên quyết cho rằng tàu Mỹ đã xâm phạm lãnh hải, trong khi chính quyền Washington khẳng định tàu USS Pueblo vẫn hoạt động trong vùng biển quốc tế.

Vụ việc trở nên căng thẳng và có nguy cơ dẫn đến chiến tranh. 82 thủy thủ Mỹ đã bị chính quyền nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành bắt làm tù nhân. Triều Tiên cũng công bố những bức ảnh và video cho thấy việc bắt giữ những thủy thủ này.

Sau 11 tháng đàm phán, Triều Tiên đòi Mỹ xin lỗi và cam kết không tái diễn hành động tương tự. 82 thủy thủ cuối cùng cũng được trả tự do. Chính quyền Mỹ đã phải viết thư xin lỗi Triều Tiên vì hành vi gián điệp. Tuy nhiên, Washington sau đó khẳng định lý do họ xin lỗi chỉ vì muốn Bình Nhưỡng thả tù binh.

Mặc dù hiện vẫn được biên chế trong hạm đội Hải quân Mỹ, nhưng tàu USS Pueblo không được đưa về Mỹ. Con tàu này đang neo đậu ở Bình Nhưỡng, được chính quyền Triều Tiên biến thành một bảo tàng chống Mỹ và trở thành địa điểm thu hút khách du lịch.

Vụ bắt giữ tàu USS Pueblo đã kéo theo một trong những giai đoạn căng thẳng nhất giữa Mỹ và Triều Tiên. Mỹ tuy không trực tiếp trả đũa vụ giữ tàu nhưng bắt đầu tăng cường xây dựng lực lượng trong khu vực kể từ đó.

Cây bạch dương

Vụ đụng độ giữa các binh sĩ Triều Tiên và các binh sĩ Mỹ-Hàn liên quan tới cây bạch dương ở biên giới (Ảnh: Yonhap)

Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) ngăn cách biên giới Triều Tiên - Hàn Quốc được xem là khu vực biên giới được vũ trang nguy hiểm nhất thế giới. Sau chiến tranh liên Triều (1950-1953), Triều Tiên và Hàn Quốc mới chỉ ký thỏa thuận đình chiến, thay vì hiệp ước hòa bình. Do vậy, về mặt kỹ thuật hai quốc gia này vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Vào ngày 18/8/1976 tại DMZ, một nhóm sĩ quan Mỹ và Hàn Quốc quyết định chặt một cây bạch dương vì cho rằng cây này chắn tầm nhìn của trạm quan sát Liên Hợp Quốc. Khi một nhóm công nhân tới vị trí của cây bạch dương để chuẩn bị hành động, các binh sĩ Triều Tiên đã ra xua đuổi. Họ nói rằng cây bạch dương này do cố lãnh đạo Kim Nhật Thành tự tay trồng.

10 ngày sau đó, một lực lượng của Liên Hợp Quốc đã được điều động tới chặt cây bạch dương theo kế hoạch, trong đó có các binh sĩ Mỹ, Hàn Quốc và các công nhân. Lần này họ gặp một nhóm binh sĩ Triều Tiên đông đảo hơn và được yêu cầu không chạm vào cây. Tuy nhiên, lực lượng Mỹ - Hàn phớt lờ đề nghị này.

Theo Wayne Kirkbride, một binh sĩ Mỹ đóng quân tại biên giới Hàn - Triều vào thời điểm đó, một sĩ quan cấp cao của Triều Tiên đã “tháo đồng hồ và bọc nó vào khăn tay” và đây được xem là “tín hiệu tấn công”.

“Anh ta nói “hãy giết người Mỹ”. Lực lượng (Triều Tiên) ngay lập tức tấn công và hai sĩ quan Mỹ trở thành mục tiêu. Triều Tiên đã giết chết hai người Mỹ bằng chính những cây rìu mà họ mang theo để chặt cây”, Kirkbride nói với một tờ báo quân sự của Mỹ năm 2006.

Phía Mỹ và Hàn Quốc đã rút lui, song một chiến dịch quân sự mang tên “Chiến dịch Paul Bunyan” đã được phát động vài ngày sau đó để phô diễn sức mạnh của liên minh Mỹ - Hàn trước Triều Tiên. Hàng chục binh sĩ được vũ trang đã mang theo rìu tới đốn hạ cây bạch dương trong chớp nhoáng.

Để gây sức ép với Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc đã triển khai hàng loạt khí tài quân sự và đặt các đơn vị trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Trong bối cảnh này, Triều Tiên đã tỏ ý nhượng bộ và hai bên cuối cùng cũng tránh được một cuộc đối đầu quân sự toàn diện.

Máy bay do thám

Tàu chở thi thể các quân nhân Mỹ thiệt mạng trong vụ bắn rơi máy bay EC-121 cập cảng tại Nhật Bản năm 1969

Vào ngày 15/4/1969, đúng vào dịp sinh nhật cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, hai máy bay chiến đấu MIG của Triều Tiên đã bắn rơi một máy bay do thám EC-121 của Mỹ đang hoạt động trên vùng biển quốc tế. Máy bay Mỹ khi đó không được trang bị vũ khí và đang thực hiện nhiệm vụ thu thập tín hiệu tình báo từ Liên Xô và Triều Tiên. Vụ việc xảy ra chỉ vài tháng sau khi các thủy thủ trên tàu USS Pueblo được Triều Tiên trao trả về Mỹ.

Vụ tấn công bất ngờ khiến toàn bộ 31 thành viên phi hành đoàn, tất cả đều là người Mỹ, thiệt mạng. Khi đó máy bay Mỹ không có các máy bay hộ tống, do vậy trở thành mục tiêu tấn công dễ dàng của Triều Tiên. Tổng thống Mỹ Richard Nixon khi đó đã tức giận tới mức tính định đáp trả Triều Tiên bằng vũ khí hạt nhân.

“Ông Nixon vô cùng tức giận và đã ra lệnh tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật để trả đũa. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ được cảnh báo và yêu cầu đề xuất mục tiêu tấn công. Tuy nhiên, họ đã thống nhất sẽ không hành động cho đến khi ông Nixon bình tĩnh vào sáng hôm sau”, sĩ quan Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) George Carver nói với Guardian.

Theo Bruce Charles, một phi công lái máy bay chiến đấu của Mỹ tại Hàn Quốc vào thời điểm đó, ông đã nhận được lệnh chuẩn bị chiến tranh. Mục tiêu mà Charles được giao tấn công là một căn cứ không quân của Triều Tiên. Máy bay chiến đấu F-4 do Charles điều khiển khi đó đang mang theo quả bom hạt nhân mạnh gấp 20 lần so với quả bom Mỹ từng thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản. Tuy nhiên chỉ vài giờ sau đó, Bruce Charles nhận được lệnh rút lui.

Vào thời điểm xảy ra vụ việc, Morton Halperin đang công tác tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ. Ông cho biết Tổng thống Nixon đã lệnh một tàu sân bay tới khu vực gần bán đảo Triều Tiên và dự định phá hủy căn cứ không quân - nơi Triều Tiên xuất kích các máy bay MIG để bắn hạ máy bay Mỹ.

Tuy nhiên, rốt cuộc Tổng thống Nixon đã không lựa chọn phương án tấn công quân sự. Ông thông báo điều này trong cuộc họp báo được tổ chức sau 2 ngày xảy ra vụ tấn công. Các chuyến bay do thám sau đó được nối lại và lần này có các máy bay hộ tống.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn