Sau buổi rảo bước đến các công ty ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai) xin việc làm, chị Nguyễn Thị Phúc cùng nhóm công nhân trở về phòng trọ trong trạng thái mệt mỏi.
Chị nói rằng cả nhóm đã đi đến 5 công ty nhưng không ai được nhận vào làm việc vì các lý do độ tuổi, giấy tờ, hồ sơ lao động không đủ điều kiện.
Chị Phúc vốn là công nhân của Công ty Texwell Vina (vốn đầu tư Hàn Quốc, đóng tại khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom). Do công ty nợ lương, lãnh đạo doanh nghiệp đã rời khỏi Việt Nam nên chị trở thành kẻ thất nghiệp.
Công nhân Ngô Kim Tuyến (38 tuổi, quê Lạng Sơn) thuê căn nhà cấp 4 đã xuống cấp tại xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) để làm nơi ở cho 3 mẹ con. Chị cho biết do không hợp nhau nên vợ chồng chị đã ly dị từ nhiều năm trước.
Công nhân xem thông tin tuyển dụng. |
Nuôi 2 người con và cuộc sống của cả gia đình trông chờ vào tiền lương công nhân nên chị thường xuyên đối diện cảnh túng thiếu.
“Tiền nhà trọ, tiền học cho con, tiền ăn và các khoản chi tiêu khác… đều dựa vào khoản lương ít ỏi. Túng quẫn đến nỗi nếu tháng nào bình gas hết thì mọi chi tiêu bị thiếu, phải vay mượn”, chị Tuyến buồn bã kể về hoàn cảnh.
Nữ công nhân 38 tuổi nói rằng chị không biết xoay xở ra sao khi ngày đóng tiền nhà trọ đang đến gần. Chị than thở: “Ngày 10 tháng tới là hạn chót phí nhà trọ. Tiền học tháng mới cho con cũng rơi vào thời gian đó. Túng thiếu trăm bề nhưng công việc lại trục trặc thế này!”.
Tại nhà trọ của chị Tuyến, nhóm công nhân ngồi bên nhau, chia sẻ những câu chuyện về hoàn cảnh gia đình. Tâm sự với chị Tuyến, một công nhân nói bản thân chị không dám chi tiêu, không dám ăn uống nhiều vì sợ hết tiền.
Vẻ mặt buồn của công nhân Nguyễn Thị Phúc. |
“Ngày trước công việc ổn định thì còn ăn đều 3 bữa cơm, giờ thất nghiệp nên chỉ dám ăn mỗi ngày một bữa”, nữ công nhân buồn bã tâm sự.
“Những người có chồng con, nhà cửa ở đây thì người ta còn vay mượn tiền được, mua nợ gạo ăn được. Mình công nhân xa quê, công việc bấp bênh thế này không ai dám cho vay”, chị Tuyến nói.
Chị Nguyễn Thị Phúc làm việc cho Công ty Texwell Vina 6 năm nên công nhân này vẫn hy vọng doanh nghiệp hoạt động trở lại để chị có cơ hội gắn bó.
Vì tâm lý không muốn bỏ công ty nên chị chỉ xoáy vào tìm việc làm tạm thời trong những ngày công ty ngưng sản xuất. “Tôi đến các công ty và xin làm công nhân thời vụ nhưng không đơn vị nào nhận. Không làm việc sẽ không có tiền nuôi con nên tôi dự tính lang thang để tìm việc gì đó. Có thể làm bưng bê ở nhà hàng, rửa chén bát”, nữ công nhân nói.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Sinh cũng không thể tìm được việc làm thời vụ do không đủ giấy tờ, hồ sơ lao động. Chị nói: “Họ bắt tôi phải làm hồ sơ đầy đủ, có xác nhận lý lịch của chính quyền địa phương. Nhà ở xa, nếu nhờ người thân làm hồ sơ giúp và chuyển vào Đồng Nai thì cũng phải mất cả tuần”.
Công nhân đứng kín cổng Công ty Texwell Vina trong ngày 26/2. |
Nghĩ mình ít cơ hội tìm việc ở các công ty do tuổi gần 40, chị Ngô Kim Tuyến nhờ người dân địa phương giới thiệu các công việc đồng áng với hy vọng kiếm được tiền công. Người mẹ của 2 con nhỏ nói rằng đã tìm đến các rẫy trong vùng để xin thu hoạch tiêu thuê, nhưng chủ rẫy không nhận vì đã đủ lao động.
Sáng 27/2, nhiều đại diện của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đến cổng Công ty Texwell Vina để thông báo tuyển dụng. Một đại diện của công ty nước ngoài chuyên sản xuất giày dép nói doanh nghiệp của bà cần hàng trăm lao động trình độ phổ thông.
Tuy nhiên, địa điểm làm việc ở huyện Long Thành (Đồng Nai) nên những công nhân của Công ty Texwell Vina phải chấp nhận nghỉ hẳn việc ở công ty này. Các doanh nghiệp khác cũng tuyển dụng nhưng chỉ chấp nhận công nhân trẻ tuổi.
Một công nhân nói rằng anh chỉ muốn có công việc thời vụ trong giai đoạn Công ty Texwell Vina "khủng hoảng". Do vậy, anh không thể bỏ công ty mình từng gắn bó để làm việc với đơn vị tuyển dụng mới.
Đêm 8/2, lãnh đạo Công ty Texwell Vina rời khỏi Việt Nam trong khi vẫn nợ lương tháng 1 của 1.900 công nhân với số tiền 13,7 tỷ đồng, nợ bảo hiểm 17,5 tỷ đồng. Bị nợ lương dịp cận Tết Mậu Tuất, công nhân rơi vào cảnh khốn đốn.
UBND tỉnh Đồng Nai sau đó quyết định tạm ứng ngân sách của tỉnh để chi trả 50% lương cho công nhân. Cơ quan chức năng cũng tổ chức bảo vệ tài sản Công ty Texwell Vina và tìm cách liên lạc với chủ doanh nghiệp để có hướng giải quyết vụ việc.
Ngày 26/2, cả nghìn công nhân trở lại làm việc nhưng công ty vẫn đóng cửa, lãnh đạo doanh nghiệp vẫn “biệt vô âm tín”.
Theo Zing