|
Người đóng giả Kim Jong Un (trái) và Donald Trump xuất hiện tại lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông 2018 ở PyeongChang |
Đó chính là nhận định của giáo sư Irvin Studin, chủ tịch Viện Các câu hỏi thế kỷ 21 ở Canada, trên nhật báo South China Morning Post của Hong Kong đầu tuần này.
Ông Trump đã vài lần bóng gió về khả năng đối thoại với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Và gần đây khi Bình Nhưỡng hòa hoãn nhanh chóng với Seoul và thậm chí còn nhắn gửi muốn đối thoại với Washington thì lời lẽ từ phía Mỹ cũng cho thấy muốn tìm kiếm cách ngồi vào bàn đàm phán.
Khó có chiến tranh hạt nhân?
Theo vị giáo sư tại ĐH Québec ở TP.Montréal của Canada, nếu Mỹ chịu làm tới cùng khả năng đàm phán đi đến yên bình cho bán đảo Triều Tiên, Tổng thống Trump có thể sẽ rinh về giải Nobel hòa bình danh giá.
Có 3 điểm quan trọng lý giải tại sao phương án chiến tranh hạt nhân không được đánh giá cao cho đến thời điểm này.
Trước hết nhìn từ phía Washington, chiến tranh nói chung và chiến tranh hạt nhân nói riêng dường như vẫn còn rất xa. Khoảng cách về địa lý chắn chắn sẽ khiến Mỹ cân đo đong đếm kỹ lưỡng nếu nước này muốn khởi động một cuộc chiến ở một châu lục khác.
Thứ hai, nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, rơi vào mất ổn định và phải trải qua một thời gian dài hồi phục kinh tế và chính trị. Bắc Kinh, với sức mạnh hiện nay, sẽ tìm mọi cách để cản trở. Còn nếu xảy ra, Trung Quốc sẽ nhảy vào cùng các đồng minh của mình, lúc đó Mỹ sẽ nuốt "trái đắng".
Thứ ba, chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ dẫn đến nhiều cuộc chiến tranh hạt nhân khác. Các cường quốc hạt nhân như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ lúc này sẽ nới lỏng nguyên tắc "không sử dụng hạt nhân đầu tiên" và mất niềm tin lẫn nhau về nỗ lực kiềm chế hạt nhân.
|
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thị sát một cơ sở chế tạo hạt nhân ở Bình Nhưỡng hồi năm ngoái |
Không phải chuyện đùa!
Sự thất thường trong chính sách của Mỹ cũng có thể cho ông Trump cơ hội nhận giải Nobel hòa bình. "Đây không phải là chuyện đùa!" – ông Studin nhận định.
Tại Thế vận hội mùa Đông 2018 ở TP.Pyeongchang vừa qua, các vận động viên Hàn Quốc và Triều Tiên đã diễu hành dưới cùng một lá cờ thống nhất, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, bà Kim Yo Jong, cũng tới Hàn Quốc dự Olympic…
Những động thái này rõ ràng đã khích lệ tinh thần hợp tác giữa hai miền Triều Tiên hướng đến những điều tích cực hơn.
Giải Nobel hòa bình giúp cứu thế giới khỏi chiến tranh hạt nhân đòi hỏi Mỹ ngay bây giờ phải thay đổi mục tiêu cuối cùng từ "phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên" thành "thống nhất hai miền Triều Tiên".
Theo giáo sư Studin, con đường dẫn tới việc ông Trump rinh giải Nobel hòa bình cần có hai bước.
Trước hết, ông phải tuyên bố mục tiêu cuối cùng giải quyết khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay là "thống nhất" thay vì "phi hạt nhân hóa". Đi kèm tuyên bố này là một lịch trình cụ thể và cấp bách, đồng thời tuyên bố mong muốn thống nhất hai miền phải xuất phát từ sự đồng thuận chung của Bình Nhưỡng và Seoul trong năm nay.
Thứ hai, như một tín hiệu cho thấy thiện chí, quyết tâm xây dựng lòng tin và ý định dẫn dắt, hỗ trợ quá trình thống nhất hai miền Triều Tiên, ông Trump cần mở đại sứ quán Mỹ ở Bình Nhưỡng. Theo sau đó, các quốc gia phương Tây thân Mỹ cũng cần mở đại sứ quán tại Bình Nhưỡng như Canada, Úc, Pháp. Hiện Đức, Anh và Thụy Điển đã có các phái đoàn ngoại giao đại diện ở Bình Nhưỡng.
|
Biếm họa trên tờ Japan Times của Nhật về thái độ thất thường và khó đoán định của ông Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un với hình ảnh ông Kim đạp lên "lằn ranh đỏ" là chiếc cà vạt màu đỏ quen thuộc của nhà lãnh đạo Mỹ. |
Nếu Tổng thống Trump khéo léo, việc thống nhất hai miền Triều Tiên như một giải pháp thay thế chiến tranh hạt nhân sẽ được xem là "thỏa thuận của thế kỷ". Thậm chí khi đó, một bán đảo Triều Tiên thống nhất sẽ giúp đạt được mục tiêu hiện nay là phi hạt nhân hóa.
Tuy nhiên, nếu sau Paralympic (Thế vận hội mùa Đông dành cho người khuyết tật) vào cuối tháng 3 này, ông Trump tuyên bố bật đèn xanh cho một tấn công hạt nhân nhằm vào Triều Tiên, đó sẽ là một hành động không khôn ngoan. Và chắc chắn giải Nobel hòa bình dành cho Tổng thống Trump cũng chỉ là ảo tưởng.
Duterte và Hun Sen cũng có 'Nobel hòa bình’ Nếu ông Trump "có khả năng" thành chủ nhân của giải Nobel hòa bình trong nay mai thì Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng từng nằm trong danh sách đề cử của giải Hòa bình Khổng Tử hồi năm 2017. Được xem là phiên bản phương Đông của Nobel hòa bình, giải Hòa bình Khổng Tử là một giải được lập ra ở Trung Quốc hồi năm 2010, với mục đích "thúc đẩy hòa bình thế giới từ quan điểm phương Đông". Giải này từng được trao cho Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi năm 2011 và lãnh tụ Cuba Fidel Castro hồi năm 2014. Tuy nhiên, không ai có mặt để nhận giải. Năm 2011, hai nữ sinh viên Nga không có quan hệ với ông Putin đã được chọn đứng ra nhận giải thế nhà lãnh đạo Nga. |
Theo TTO