Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang leo thang căng thẳng thương mại, việc Tổng thống Trump xem xét khả năng tái gia nhập TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) sẽ là mối lo ngại đối với Bắc Kinh, theo Reuters.
"Thỏa thuận TPP là công cụ giúp tái cân bằng khu vực Mỹ và Thái Bình Dương, điều đó không có lợi cho Trung Quốc", cựu cố vấn cho lãnh sự quán Trung Quốc tại New York He Weiwen nhận xét.
Nhiều nghị sĩ Mỹ quan ngại về viễn cảnh chiến tranh thương mại với Trung Quốc cho rằng việc quay lại TPP là cách tốt nhất để gây áp lực với nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới này.
Hiệp định TPP được lập ra với mục đích xóa bỏ hàng rào thương mại trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời ngăn chặn tầm ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc đối với khu vực. Dù Trung Quốc khẳng định giữ thái độ tích cực đối với các thỏa thuận thương mại cởi mở, toàn diện, minh bạch và giúp duy trì tự do thương mại toàn cầu, nước này không khỏi cảm thấy lo ngại trước những ảnh hưởng bất lợi mà TPP mang lại.
|
Công nhân trong một xưởng lắp đặt linh kiện điện tử tại Trung Quốc. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên theo ông Huo Jianguo, cựu giám đốc nghiên cứu Bộ Thương mại Trung Quốc, Bắc Kinh chưa cần quá lo lắng về ý định tái gia nhập TPP của Tổng thống Trump và đưa ra chính sách đáp trả.
"Chúng ta nên kiên định, tập trung vào việc ổn định nền kinh tế và thúc đẩy thị trường kinh doanh cởi mở để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài", ông Huo nói.
Trong thời gian vừa qua, Bắc Kinh đang theo đuổi việc ký kết RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực) cùng 15 nước khác trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Australia, New Zealand, Thái Lan,... Theo nhận định của ông He, thỏa thuận RCEP toàn diện hơn đối với TPP và có thể thúc đẩy một hiệp định tự do thương mại khác có tầm ảnh hưởng lớn hơn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Mặt khác, nhiều nước thành viên TPP cho rằng việc Tổng thống Trump xem xét tái gia nhập hiệp định thương mại này là một tín hiệu tích cực. Ông Yorizumi Watanabe, giáo sư chuyên ngành kinh tế và chính trị quốc tế tại Đại học Keio, cho biết Nhật Bản chào đón sự quay lại của Mỹ và "đã nỗ lực trong việc đưa Mỹ trở lại bàn đàm phán".
"Tổng thống Trump đã nhận ra giá trị địa chính trị của TPP khi thỏa thuận này là một đối trọng đối với sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc", ông Watanabe nói.
|
Sau khi Trump rút Mỹ khỏi TPP, 11 nước còn lại của hiệp định đã tái khởi động đàm phán và TPP được đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ảnh: AP. |
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Xuân Hải, phó giáo sư tại Đại học Trung Quốc của Hong Kong, cho rằng Việt Nam thất vọng khi ông Trump quyết định rút Mỹ khỏi TPP, quyết định xem xét quay trở lại của ông "là điều có lợi" đối với Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Xuân Hải, dù Trung Quốc là một đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam, hiệp định TPP sẽ thúc đẩy xuất khẩu của chúng ta sang các quốc gia khác như Mỹ hay Australia. Tuy nhiên ông cũng lo ngại đàm phán với Mỹ về việc tái gia nhập sẽ rất khó khăn và Việt Nam có thể "không còn hứng thú nhiều như trước".
Hôm 13/4, Tổng thống Trump bất ngờ đổi thái độ về hiệp định TPP. Ông yêu cầu các cố vấn "nghiên cứu về việc thỏa thuận một hiệp định tốt hơn cho nước Mỹ". Động thái này diễn ra sau khi Washington và Bắc Kinh liên tục áp dụng thuế trừng phạt lên các mặt hàng nhập khẩu của nhau, vẽ ra viễn cảnh một cuộc chiến tranh thương mại.
Theo Zing