|
Tổng thống Mỹ Donald Trump |
Sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump hồi năm ngoái đã rút Mỹ khỏi hiệp định TPP, gọi đây là một thỏa thuận “tồi tệ”. Tuy nhiên, vào ngày 12/4, trong một phiên họp với các nghị sĩ về lĩnh vực nông nghiệp, ông Trump đã yêu cầu Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Larry Kudlow xem xét khả năng gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Thượng nghị sĩ bang Nebraska Ben Sasse, người tham dự cuộc họp, cho hay ông Trump cho rằng đây là thời điểm thích hợp để Mỹ có thể đàm phán tham gia CPTPP.
Thượng nghị sĩ Pat Roberts, Chủ tịch Ủy ban Nông nghiệp, Dinh dưỡng và Lâm nghiệp Thượng viện, cho biết ông "rất ấn tượng" khi ông Trump đã cử 2 trợ lý nghiên cứu việc tái gia nhập CPTPP. Theo ông Roberts, đây sẽ là tin tức tốt lành đối với các nông trang trên khắp nước Mỹ.
Các nông dân ở Trung Tây Mỹ, phần lớn trong đó là người ủng hộ ông Donald Trump, đã bày tỏ sự lo ngại họ sẽ bị vướng vào cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh khi Trung Quốc áp dụng mức thuế suất mới lên mặt hàng đậu tương và một số mặt hàng nông nghiệp khác. Vì vậy, CPTPP được cho sẽ mang lại lợi ích cho nền nông nghiệp Mỹ nói chung và các bang làm nông nghiệp ở Mỹ nói riêng.
Tuy nhiên, động thái của ông Trump cũng vướng phải ý kiến trái chiều. Chủ tịch nghiệp đoàn lao động Afl-Cio Richard Trumka chia sẻ trên Twitter rằng CPTPP được cho là không có lợi cho các công nhân và người lao động Mỹ, và Washington không nên tái gia nhập.
Sau khi Mỹ rút khỏi TPP năm ngoái, 11 nền kinh tế còn lại - gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam - đã tích cực đàm phán và đưa ra phiên bản mới mang tên Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hiệp định này đã được ký kết tại Chile hồi đầu tháng 3/2018.
Theo Dân Trí