Thứ trưởng Giao thông: Grab khó độc quyền

Thứ sáu, 30/03/2018, 12:13
Lãnh đạo Bộ Giao thông cho rằng, không chỉ có Uber, Grab cung cấp công nghệ kết nối vận tải mà có 10 doanh nghiệp đang làm việc này. 

Trao đổi với báo chí chiều 29/3, đề cập việc Grab có thể độc quyền khi “một mình một chợ” sau khi mua Uber và lái xe hãng này đang kêu cứu, Vụ trưởng Vận tải Trần Bảo Ngọc cho biết, việc quản lý cạnh tranh, xác định có độc quyền hay không được thực hiện theo Luật Cạnh tranh. Cơ quan tham mưu cho Chính phủ về vấn đề này là Bộ Công Thương.

Hiện nay Cục Quản lý cạnh tranh đã vào cuộc yêu cầu Uber, Grab báo cáo quy trình mua bán. Về phía Bộ Giao thông, ông Ngọc khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên, đặc biệt là người dân, không để tình trạng độc quyền kinh doanh vận tải.

Uber và Grab đã đạt thỏa thuận mua bán và có thể công bố sáng mai. Ảnh: Scoopnest

Thông tin thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng phải xác định việc Uber, Grab sáp nhập là quyền tự do của doanh nghiệp, chiếu theo Luật doanh nghiệp. Những lo ngại về độc quyền có thể đúng một phần song hiện tại không chỉ có Uber, Grab cung cấp giải pháp công nghệ kết nối vận tải mà đang có 10 doanh nghiệp làm việc này. Điều này có nghĩa không còn cạnh tranh giữa Uber và Grab nhưng việc cạnh tranh với các đơn vị khác vẫn còn.

Về việc lái xe Uber kêu cứu, thậm chí bán xe vì lo lắng, Thứ trưởng Đông khẳng định, Bộ Giao thông sẵn sàng giải đáp thắc mắc, tiếp sức các tài xế trên tinh thần đồng cảm, chia sẻ. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng hợp đồng của lái xe với Grab và Uber là thỏa thuận dân sự, Bộ không thể can thiệp. Nhưng với tư cách cơ quan quản lý nhà nước, Bộ sẽ hỗ trợ tối đa trong phạm vi chức trách.

Đề cập việc hạn chế taxi, xe Uber tại các thành phố lớn do ùn tắc giao thông, Thứ trưởng Đông cho biết, Quốc hội đã thông qua Luật quy hoạch, Bộ Giao thông đang sửa Luật Giao thông đường bộ với hướng không có rào cản quy hoạch số lượng taxi hay Uber, Grab. "Do đường sá giới hạn nên quản lý nhà nước của tỉnh, thành phố phải lưu ý về hạ tầng, phải quản lý về cơ chế, điều tiết bằng giá, phí chứ không về số lượng. Nếu lái xe thấy thuế cao thì phải điều chuyển việc khác", ông Đông nói.

Từ ngày 8/4, Uber sẽ chia tay Việt Nam, sau gần 4 năm làm thay đổi thị trường taxi truyền thống, tạo ra thói quen di chuyển bằng “taxi giá rẻ” cho người Việt.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích