|
Trung Quốc đang nỗ lực để đi đầu trong phát triển mạng di động 5G |
Các bí mật thương mại bị đánh cắp cũng đang sẵn sàng trở thành điểm nóng để Mỹ cân nhắc về chính sách thương mại đối với Trung Quốc. Theo CNN, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 8.2017 đã mở một cuộc điều tra về hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross gọi công nghệ cao là “khu vực thách thức tiếp theo” với Trung Quốc. Mỹ trong tuần này đã đi bước cứng rắn khi tuyên bố đánh thuế trừng phạt trị giá gần 60 tỉ USD lên các mặt hàng nhập khẩu của quốc gia châu Á sau nhiều tháng điều tra về đánh cắp tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, đây là một vấn đề đầy khốc liệt và bất kỳ nỗ lực đơn phương nào từ phía Washington cũng đều có nguy cơ bị trả đũa từ Bắc Kinh.
“Mọi chính quyền dường như luôn có nhiều lựa chọn khác nhau, từ nhẹ nhàng cho đến gay gắt, để hành động. Tôi nghĩ rằng điều khác biệt của chính quyền Tổng thống Trump là họ sẽ có khuynh hướng gay gắt hơn”, William Reinsch, chuyên gia thương mại của Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế, người từng làm việc trong chính quyền của cựu Tổng thống Bill Clinton, nhận định.
Tại sao chúng ta nói về bí mật công nghệ
Việc đánh cắp bản quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Mỹ từ phía Trung Quốc đã trở thành mối quan tâm hàng đầu trong nhiều năm qua. Trộm cắp địa chỉ IP bao gồm việc bán sản phẩm công nghệ giả mạo, phần mềm lậu và lấy cắp thông tin bí mật của công ty. Theo báo cáo năm 2017 của Ủy ban về trộm cắp sở hữu trí tuệ Mỹ, các hành vi nói trên ước tính đã gây thiệt hại trong khoảng từ 225 đến 600 tỉ USD một năm cho nền kinh tế Mỹ.
Vấn đề này đã trở thành điểm nóng tranh luận khi Trung Quốc tái tạo lại nền kinh tế chuyển từ công nghiệp sản xuất sang tập trung phát triển công nghệ cao.
“Trung Quốc ngày càng quan ngại rằng họ sẽ không thể tồn tại như một nhà sản xuất chi phí thấp trên thị trường thế giới”, Phil Levy, thành viên Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu, người trước đây từng là cố vấn thương mại cho cựu Tổng thống George W. Bush, nói.
Năm 2015, Trung Quốc chính thức tuyên bố ý định trở thành nhà lãnh đạo công nghệ cao, bao gồm kế hoạch đẩy mạnh sản xuất ô tô điện trong nước và đi đầu trong phát triển mạng di động 5G. Nước này cũng có tham vọng chi phối trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo vào năm 2030 và đang nhanh chóng mở rộng khả năng sản xuất chip máy tính. Để đạt được mục đích này, Trung Quốc cần nhiều bí quyết công nghiệp cũng như công nghệ, và đó là điểm mấu chốt nơi sự quan tâm của họ đối với sở hữu trí tuệ của nước ngoài xuất hiện.
Hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ xảy ra như thế nào?
Trong năm 2015, hành vi này ít xảy ra vì Chủ tịch Tập Cận Bình cam đoan với cựu Tổng thống Barack Obama rằng Trung Quốc sẽ ngưng đánh cắp bí mật thương mại. Tuy nhiên, hiện nay có một thực tế là các công ty nước ngoài buộc phải chuyển giao công nghệ để được kinh doanh ở thị trường đông dân nhất thế giới. Bắc Kinh thường yêu cầu các công ty nước ngoài muốn gia nhập thị trường Đại lục phải liên doanh với một công ty trong nước. Điều này mở đường cho các công ty Trung Quốc dễ dàng tiếp cận thông tin bí mật của những doanh nghiệp nước ngoài.
“Để phát triển ở thị trường này bạn phải tiết lộ thông tin cho các nhà khai thác địa phương”, Brian O’Shaughnessy, luật sư chuyên về luật sở hữu trí tuệ của công ty luật Dinsmore & Shohl, cho biết.
Tháng 6.2017, Trung Quốc ban hành một đạo luật thắt chặt việc chuyển dữ liệu ra khỏi nước và yêu cầu dữ liệu quan trọng phải được lưu trữ tại địa phương. Chính quyền nước này nói rằng đây là nỗ lực nhằm bảo vệ an ninh mạng, nhưng các nhà phê bình lại coi đó là một cách thức khác để Trung Quốc theo dõi và kiểm soát thông tin trực tuyến.
“Các công ty có thể nhận được yêu cầu phải nộp mã nguồn cho chính phủ Trung Quốc dưới sự giám sát an ninh. Nhưng điều này nhiều khả năng sẽ khiến cho địa chỉ IP của công ty bị tiết lộ”, Samm Sacks, thành viên cao cấp của Chương trình Chính sách Công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nói.
Những chính sách như vậy đã tạo ra sự hoài nghi đối với các công ty Mỹ muốn bước chân vào thị trường kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo một cuộc điều tra năm 2017, hơn 80% số thành viên của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung Quốc, một tổ chức thương mại hàng đầu cho các công ty Mỹ hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc, cho biết họ đang rất quan tâm đến “chính sách của Trung Quốc về dữ liệu và an ninh công nghệ”.
Nhằm đáp ứng luật mới về dữ liệu, Apple hôm 28.2 đã chuyển các tài khoản iCloud đăng ký tại Đại lục từ các máy chủ ở Mỹ sang các máy chủ đặt ở Trung Quốc. Tháng 11.2017, Dịch vụ Web Amazon đã bán phần cứng mà công ty sử dụng lưu trữ đám mây cho đối tác Trung Quốc.
Các bước đi tiếp theo
Theo các chuyên gia, hiện vẫn chưa rõ cuộc điều tra về sở hữu trí tuệ của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc sẽ diễn biến tiếp như thế nào. Nhưng có một kịch bản là ông Trump sẽ chọn một lộ trình hạn chế hơn và khiếu nại với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khi cuộc điều tra hoàn tất. Song, ông Trump hoàn toàn cũng có thể quyết định hành động đơn phương, trích dẫn phạm vị của vấn đề trộm cắp IP và sự cần thiết phải đưa ra biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn nhằm vào thương mại Trung Quốc.
Tuy nhiên, phương án thứ hai nhiều khả năng sẽ làm lay chuyển hệ thống thương mại toàn cầu và Bắc Kinh cũng sẽ không chịu ngồi yên bỏ qua. Tại một cuộc họp báo hồi tháng 1.2018, Gao Feng, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc, chỉ trích quyết định khởi động điều tra thông qua luật trong nước của Mỹ, gọi đó là hành vi phá vỡ quy định của WTO.
“Nếu Mỹ kiên quyết áp dụng các biện pháp bảo hộ đơn phương bất kể đó là gì và làm tổn thương lợi ích của Trung Quốc, thì chính phủ Trung Quốc sẽ có những biện pháp cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình”, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố.
Theo Thanh Niên