Lưu Hạc - người ngăn chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Thứ ba, 20/03/2018, 10:14
Người ta gọi ông là bộ não đằng sau quá trình dịch chuyển chính sách kinh tế của Trung Quốc, từ phát triển nóng và phồng như bong bóng sang kiểu chậm mà chắc.

Ông Lưu Hạc tại Diễn đàn kinh tế thế giới 2017 ở Davos, Thụy Sĩ

Lưu Hạc chưa bao giờ là cái tên được nhắc trên báo chí nước ngoài cho tới khi ông đại diện cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn kinh tế thế giới 2017 ở Davos, Thụy Sĩ. Điều đó xảy ra chỉ một tháng sau khi ông Lưu được bầu vào Bộ Chính trị - cơ quan quyền lực thứ hai của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vào tháng 10-2017.

Đến ngày hôm nay 19-3, người được đồn đoán là "bạn từ thời niên thiếu" của ông Tập đã được bầu trở thành Phó Thủ tướng Trung Quốc.

Với nhiều nhà quan sát, sự nổi lên của ông Lưu Hạc giống như việc bất ngờ thấy một người bước ra từ trong bóng tối. Chính ông Lưu đã nói rằng ông tin tưởng vào "những lựa chọn thận trọng và hợp lý".

Dàn hòa

Một ngày cuối tháng 2-2018, chiếc máy bay chở ông Lưu Hạc, khi ấy đang là cố vấn cấp cao về kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình, hạ cánh xuống Mỹ. Ông Lưu là ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc thứ hai đến Mỹ chỉ trong vòng chưa tới một tháng.

Đó không phải là một chuyến đi dễ dàng, quan hệ thương mại Mỹ - Trung khi ấy đang nóng như lò lửa, chiến tranh thương mại có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.

Chuyến đi trước đó của Ủy viên Quốc vụ kiêm thành viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì đã không thành công như mong muốn. Bất chấp thời gian dài đã từng làm đại sứ ở Mỹ rồi trở thành Bộ trưởng Ngoại giao sau đó, ông Dương không thể xoa dịu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung trong giai đoạn này.

Các luồng thông tin khi ấy đều khẳng định Tổng thống Donald Trump sắp sửa trừng phạt Trung Quốc vì vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ngày 1-3, ngay trong lúc ông Lưu còn ở Mỹ, ông Trump tuyên bố áp thuế 25% với thép và 10% với nhôm nhập khẩu. Những căng thẳng đó phủ bóng chuyến đi của cố vấn Lưu.

Nhưng điều ngạc nhiên là sau đó mọi chuyện lại hạ nhiệt một cách nhanh chóng. Mỹ và Trung Quốc đồng ý tổ chức các cuộc đối thoại thương mại sau chuyến thăm của ông Lưu.

Báo giới Trung Quốc khi ấy đưa tin về chuyến đi của ông Lưu đã ví ông như một sứ giả hòa bình với nhiệm vụ nặng nề: ngăn chặn chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Các quan chức Mỹ mà ông Lưu gặp hẳn đã rất ngạc nhiên và ấn tượng, không phải bởi thứ tiếng Anh lưu loát mà ông nói hay tấm bằng thạc sĩ của Harvard.

"Ông ấy đã chứng minh được với những người đồng cấp Mỹ rằng ông ấy không chỉ là một nhà cải cách kinh tế mà còn là đối tác tin cậy, người có thể làm việc cùng", đài BBC viết.

Ông Lưu Hạc bắt tay các quan chức sau một phiên họp ở Bắc Kinh ngày 15-3

Nhiệm vụ mới: Gỡ bom nợ

Nền kinh tế trị giá 12 ngàn tỉ USD của Trung Quốc đang đứng trước một quả bom nổ chậm mang tên nợ. Vô hiệu hóa quả bom đó, hay ít nhất là hạn chế sức công phá của nó sẽ là nhiệm vụ đầu tiên và vô cùng khó chịu của tân Phó Thủ tướng Lưu Hạc.

Một thập kỷ nới lỏng chính sách tiền tệ và buông thả giám sát tài chính đã tạo ra các điều kiện chín muồi cho cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tỉ lệ nợ/GDP của Trung Quốc đã ở mức 260%, một con số cực kỳ nguy hiểm, theo báo South China Morning Post của Hong Kong.

Các nguồn thạo tin nói ông Lưu đã cực kỳ lo lắng về những hậu quả của gói kích thích tài chính khổng lồ được đưa ra dưới thời ông Hồ Cẩm Đào năm 2008. Nhưng với tư cách là nhà hoạch định chính sách kinh tế cấp cao, ông Lưu đã chọn cách im lặng và không công khai phản đối.

Giờ đây, với vị thế mới kiêm nhiệm người đứng đầu Ủy ban Ổn định và phát triển tài chính Trung Quốc, ông Lưu được cho là sẽ có các bước đi mạnh mẽ nhằm dập tắt các rủi ro tài chính đối với Trung Quốc.

Người ta tin rằng chủ nhiệm văn phòng Tổ lãnh đạo công tác tài chính trung ương Trung Quốc - chức danh ông Lưu nắm giữ trước khi trở thành Phó Thủ tướng - đã nổ phát súng đầu tiên trong nỗ lực bảo vệ nền kinh tế Trung Quốc thông qua vụ chủ tịch Tập đoàn bảo hiểm Anbang Ngô Tiểu Huy - cháu rể của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình - bị bắt giữ và truy tố.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương học ở nước ngoài trở về

Ngày 19-3, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 13 đã thông qua đề cử ông Dịch Cương trở thành Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC). Như vậy, ông Dịch Cương, một nhân tài nước ngoài trở về Trung Quốc, sẽ thay thế ông Chu Tiểu Xuyên, người nắm ghế Thống đốc PBOC kể từ năm 2003.

Giới quan sát nhận định vai trò mới sẽ cho phép ông Dịch Cương "song kiếm hợp bích" với quá trình hoạch định chính sách kinh tế của Phó Thủ tướng Lưu Hạc.

Theo TTO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích