Trung Quốc lo bị ra rìa khi lãnh đạo Mỹ - Triều gặp nhau

Thứ ba, 13/03/2018, 08:53
Khi kêu gọi Mỹ đối thoại trực tiếp với Triều Tiên, Trung Quốc có thể không nghĩ đến chuyện bản thân mình sẽ không có mặt trên bàn đối thoại đó.

Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bước vào hội trường nơi tổ chức kỳ họp Quốc hội đang tổ chức ở Bắc Kinh. Ảnh: Jason Lee.

Là nước chủ nhà các cuộc đàm phán quốc tế thất bại về Triều Tiên cách đây 1 thập kỷ, Trung Quốc từ lâu đã thấy mình ở trung tâm của những cuộc thương lượng nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Nhưng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước đồng ý tổ chức một cuộc gặp lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào thời gian và địa điểm chưa được xác định, Trung Quốc chưa nhìn thấy vị trí của mình ở đâu. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn chưa có cuộc gặp nào với ông Kim kể từ khi nhà lãnh đạo trẻ này lên nắm quyền năm 2011.

Trong khi Trung Quốc vẫn là đồng minh duy nhất và là đối tác kinh tế lớn nhất của Triều Tiên, quan hệ hai bên không còn tốt đẹp như xưa khi Bắc Kinh, dưới áp lực của ông Trump, đã ủng hộ những biện pháp của Liên Hợp Quốc nhằm trừng phạt Bình Nhưỡng sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa, giới phân tích nhận định. Trong cuộc điện đàm cuối tuần trước với ông Trump, ông Tập hoan nghênh bước đi tích cực của nhà lãnh đạo Mỹ, bày tỏ hy vọng Mỹ và Triều Tiên sẽ bắt đầu đối thoại càng sớm càng tốt và Trung Quốc mong muốn giải quyết vấn đề hạt nhân thông qua đối thoại.

Nhưng không phải ai cũng hài lòng. Global Times (Thời báo Hoàn cầu), tờ báo có quan điểm diều hâu ở Trung Quốc, vừa đăng bài xã luận nhằm xoa dịu lo lắng của những người yêu nước Trung Quốc rằng nước này sẽ bị gạt ra rìa khi ông Trump và ông Kim xích lại gần nhau. “Người dân Trung Quốc nên bình tĩnh và cân bằng, tránh suy nghĩ rằng Trung Quốc đang bị gạt ra rìa”, Global Times viết. Bài viết cho rằng, lợi ích hàng đầu của Trung Quốc trên bán đảo Triều Tiên là “phi hạt nhân hóa và hòa bình, hai yếu tố quan trọng hơn quan hệ của Trung Quốc với Triều Tiên và Hàn Quốc cũng như chính trị quyền lực”.

Việc ông Trump bất ngờ đồng ý sẽ gặp ông Kim gây sốc cho nhiều người ở Trung Quốc vì họ lo lắng rằng liệu cường quốc châu Á này, trong quá trình nỗ lực đưa mình vào trung tâm ngoại giao toàn cầu, có bị Bình Nhưỡng gạt ra. “Với thực tế là một số người trong chính đội cố vấn an ninh của ông Trump còn không được thông báo về sự thay đổi chính sách lớn này, tôi nghi ngờ việc Tổng thống Trump có thông báo cho Trung Quốc, và chắc chắn điều đó không thể xảy ra sớm được”, bà Oriana Skylar Mastro, một chuyên gia về quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên đang công tác tại ĐH Georgetown (Mỹ), nói.

Dù muốn sử dụng Trung Quốc để bóp nghẹt Triều Tiên về kinh tế, Washington có thể không muốn Bắc Kinh tham gia vào quá trình đàm phán cụ thể. “Chính quyền của ông Trump coi Trung Quốc là trở ngại chính đối với một giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và không phải một bên đối thoại ngoại giao quan trọng”, bà Skylar Mastro nói. Tuy nhiên, ông Zhang Liangui, giáo sư công tác tại Viện Chiến lược quốc tế thuộc Trường Đảng Trung Quốc, nói: “Là một nước láng giềng, nếu Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân, Trung Quốc sẽ hứng hậu quả lớn nhất. Vì thế có thể nói, Trung Quốc là bên liên quan quan trọng nhất”.

Những quan ngại trên nổi lên khi Triều Tiên gây chấn động cho Trung Quốc bằng vụ thử hạt nhân mạnh dưới lòng đất, tạo ra cơn địa chấn rung lắc cả vùng biên giới giữa hai nước. Bắc Kinh cũng lo ngại rằng, kho vũ khí của Triều Tiên có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực, khiến đối thủ lịch sử của họ là Nhật Bản, thậm chí Hàn Quốc cũng tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân.

Nỗ lực để tiếng nói được lắng nghe

Từ lâu đã thúc giục Mỹ - Triều Tiên đối thoại, Trung Quốc luôn coi đây là bước đầu tiên để quay lại tiến trình đàm phán 6 bên bị đổ vỡ từ lâu, sau khi Triều Tiên quay lưng năm 2009. “Bắc Kinh sẽ thoải mái nhất khi đóng vai trò điều phối”, ông Wenran Jiang, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu châu Á thuộc ĐH British Columbia (Canada), đánh giá. Ông Jiang cho rằng Trung Quốc vẫn tin 6 bên như trước đây phải có mặt trong tiến trình phi hạt nhân hóa.

Ông Tập và “đội hoạch định chính sách đối ngoại giàu kinh nghiệm của ông ấy có vẻ thể hiện sự tự tin cao rằng Trung Quốc quá to, quá quan trọng để bị gạt ra khỏi các cuộc đàm phán”, ông Jiang nói. Nhà nghiên cứu này cho rằng Trung Quốc “đang kiên nhẫn chờ đợi cơ hội và khá chắc chắn rằng các bên liên quan sẽ sớm gõ cửa Trung Quốc”.

Bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Washington, cho rằng Trung Quốc có thể đề nghị sẽ trở thành nơi tổ chức cuộc gặp của ông Trump và ông Kim, nhằm tăng khả năng tiếng nói của Trung Quốc sẽ được lắng nghe. “Người Trung Quốc vẫn luôn lo lắng Mỹ và Triều Tiên thỏa thuận với nhau với cái giá mà Trung Quốc phải trả”, bà Glaser nói.

Ông Tập nói với Hàn Quốc rằng Bắc Kinh “ở cùng một bên” với Seoul trong các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên, phát ngôn viên Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc hôm qua nói. Ông Tập nói như vậy với ông Chung Eui-yong, Giám đốc Văn phòng An ninh quốc gia Hàn Quốc, rằng ông chờ đợi một cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều suôn sẻ, và ủng hộ cuộc gặp dự kiến giữa lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên.

Ông Chung đang thăm Trung Quốc để thảo luận về chuyến thăm gần đây của ông đến Triều Tiên mà trong đó hai miền đồng ý gặp thượng đỉnh vào tháng sau, Reuters đưa tin. Ông Chung vừa trở về sau chuyến thăm Mỹ để chuyển thông điệp muốn đối thoại của nhà lãnh đạo Triều Tiên cho Tổng thống Trump.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích