MobiFone mua AVG gần 8.900 tỉ từ kết quả kinh doanh... giả định

Thứ hai, 19/03/2018, 09:15
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP), mức giá gần 8.900 tỉ mà MobiFone mua AVG được đơn vị thẩm định tính toán dựa trên tổng giá trị tài sản của AVG là hơn 3.260 tỉ và các hiệu quả kinh doanh “giả định”.

Một cơ sở của AVG trên đường Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội

Theo TTCP, sau khi loại trừ hai khoản đầu tư ngoài ngành thì giá trị tài sản mảng truyền hình của AVG tại thời điểm bán đang có con số "âm".

Không chứng minh được nước ngoài muốn mua AVG

Theo kết luận thanh tra, tháng 10-2014, AVG có văn bản gửi bộ trưởng Bộ TT-TT đề nghị cho ý kiến chỉ đạo về việc AVG chuyển nhượng cổ phần cho đối tác nước ngoài.

Theo đó, AVG khẳng định đã làm việc với đối tác nước ngoài và đi tới thống nhất đơn vị này sẽ mua cổ phần và trở thành cổ đông chiến lược của AVG.

Giá mua sẽ bằng 7 lần giá vốn (khoảng 525 triệu USD khi bán 75% cổ phần) và AVG đã nhận đặt cọc 10 triệu USD.

Tháng 11-2014, Bộ TT-TT có văn bản đề nghị Bộ Công an quan tâm, phối hợp và trao đổi về góc độ an ninh để có căn cứ xem xét, hướng dẫn AVG chuyển nhượng cổ phần.

Từ đây Bộ Công an đề nghị Bộ TT-TT hướng dẫn AVG không được phép chuyển nhượng cổ phần cho nước ngoài mà chỉ nên bán cho đối tác trong nước.

Cũng trên cơ sở đề nghị của Bộ TT-TT, Bộ Công an đã nhất trí đưa các tài liệu của thương vụ mua bán này trong danh mục các tài liệu bí mật, mức độ "Mật".

Giá mà đối tác nước ngoài đưa ra mua AVG sau này cũng được tính là một căn cứ để thấy giá MobiFone mua AVG là thấp.

Tuy nhiên TTCP khẳng định đến nay chưa có một tài liệu nào chứng minh việc có đối tác nước ngoài muốn mua AVG.

Làm việc với đoàn thanh tra, AVG có văn bản báo cáo không lưu trữ bất kỳ chứng từ nào liên quan đến việc đối tác nước ngoài thỏa thuận và đặt cọc, Bộ TT-TT cũng không cung cấp được tài liệu nào liên quan. MobiFone có báo cáo gửi đoàn thanh tra và nêu tên của một đơn vị nước ngoài muốn mua AVG.

Tuy nhiên các cơ quan, đơn vị đều không cung cấp được tài liệu để chứng minh việc đã thực hiện giao dịch đàm phán, nhận đặt cọc 10 triệu USD từ đối tác nước ngoài.

Một cửa hàng bán thiết bị AVG trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM

Những con số đẹp... giả định

Trong khi tình hình tài chính của AVG đang trong tình trạng bết bát nhưng các công ty tư vấn được MobiFone thuê xác định giá trị doanh nghiệp AVG đều định giá doanh nghiệp này có giá trị lớn gấp nhiều lần so với con số thực tế.

Khi đàm phán giá mua cổ phần, MobiFone sử dụng kết quả thẩm định giá do AMAX xác định giá trị AVG là 16.565 tỉ đồng.

Sau khi loại trừ giá trị tần số truyền hình, 2 khoản đầu tư ngoài ngành, giảm giá thì hai bên thống nhất mua 95% AVG là hơn 8.889 tỉ.

TTCP cho rằng mức giá của đơn vị thẩm định đưa ra là không có cơ sở pháp lý, không có cơ sở tin cậy, được tính từ nguồn số liệu bất hợp pháp.

MobiFone đã không thực hiện việc thuê một đơn vị chuyên kinh doanh dịch vụ truyền hình tư vấn xây dựng phương án kinh doanh đảm bảo tính khả thi.

Số liệu đưa vào tính toán hiệu quả đầu tư của dự án giai đoạn 2015-2020 như: số lượng phát triển thuê bao, doanh thu, giá vốn chi phí lãi vay, lợi nhuận... chủ yếu dựa trên các giả định thiếu cơ sở, thiếu khả thi.

MobiFone và công ty tư vấn đều báo cáo AVG từ 2011-2015 kinh doanh liên tục lỗ nhưng lại dự kiến đến 2017 số lượng thuê bao sẽ tăng lên hàng trăm ngàn và kinh doanh tăng trưởng lớn.

Tuy nhiên trên thực tế thì năm 2017 AVG lỗ 73,6 tỉ và lỗ lũy kế 1.982 tỉ. "Do đó việc đầu tư vốn nhận chuyển nhượng 95% cổ phần AVG tiềm ẩn nhiều rủi ro về tài chính, chưa có cơ sở đảm bảo hiệu quả kinh tế" - kết luận thanh tra nêu.

Phớt lờ nhiều cảnh báo

Theo kết luận thanh tra, ngày 7-10-2015, Bộ TT-TT đã ban hành quyết định thành lập tổ thẩm định gồm 6 người, do ông Phạm Đình Trọng, vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, làm tổ trưởng. Tổ có nhiệm vụ thẩm định dịch vụ truyền hình của MobiFone.

Trong cuộc họp của tổ thẩm định đã có những ý kiến cảnh báo rủi ro, tuy nhiên khi trình văn bản lên lãnh đạo Bộ TT-TT thì tổ thẩm định lại không tổng hợp những ý kiến quan trọng này.

Mặc dù nhiều cảnh báo đã được đưa ra nhưng báo cáo tổng hợp của tổ thẩm định lại không phân tích đầy đủ về ý kiến phản biện của một số thành viên trong tổ, nhất là ý kiến của vụ trưởng Vụ Pháp chế về việc lựa chọn phương án đầu tư mua cổ phần AVG và việc xác định tỉ lệ mua 95% AVG chưa thuyết phục và ý kiến của phó cục trưởng Cục Báo chí về hiệu quả đầu tư dự án.

Cho MobiFone kinh doanh truyền hình sau khi AVG chào bán

Ngày 1-12-2014, Bộ TT-TT quyết định thành lập Tổng công ty Viễn thông MobiFone, có ngành nghề kinh doanh phát triển truyền hình.

Tháng 1-2015, MobiFone trình Bộ TT-TT xin phê duyệt chủ trương đầu tư dịch vụ truyền hình theo phương thức mua lại một hãng truyền hình kỹ thuật số.

Sau đó một tháng, Bộ TT-TT có văn bản thống nhất theo đề xuất của MobiFone.

Nhưng trước đó, từ cuối năm 2014, AVG đã được chào bán và Bộ TT-TT đã có những văn bản liên quan.

MobiFone chọn mua cổ phần AVG mà không xây dựng phương án đầu tư mới nhưng MobiFone vẫn đánh giá: mua lại cổ phần của AVG là vượt trội so với tự đầu tư.

Theo TTO

Các tin cũ hơn