Vụ Mobifone mua AVG: Phanh phui “màn ảo thuật” biến lỗ thành lãi

Thứ ba, 20/03/2018, 09:44
Sau khi trở thành công ty con của Mobifone, AVG đã báo cáo năm 2016 lãi 54 tỷ đồng, mặc dù trước đó đang thua lỗ và phải vay tiền làm truyền hình. Tuy nhiên, “màn ảo thuật” này đã bị Thanh tra Chính phủ phanh phui.  

Trụ sở Mobifone.

Theo Thanh tra Chính phủ (TTCP), số lãi 54 tỷ đồng trong năm 2016 do AVG báo cáo thực chất không phải lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh dịch vụ truyền hình mà chủ yếu từ các nguồn lực bên ngoài hỗ trợ. Cụ thể, AVG được Công ty CP An Viên B.P cho miễn lãi suất gần 50 tỷ đồng các khoản vay với tổng số nợ 950 tỷ đồng (gồm nợ năm trước chuyển sang 600 tỷ đồng, được miễn lãi suất từ 10,5% về 0%; cho vay thêm 350 tỷ đồng với lãi suất 0%).

Nguyên Chủ tịch HĐTV của AVG thực hiện cam kết đưa về cho AVG một hợp đồng quảng cáo ký với Công ty TNHH Kinh doanh bất động sản Vinhomes1 với doanh thu 25 tỷ đồng; Mobifone ký với AVG hợp đồng quảng cáo có doanh thu 21,6 tỷ đồng và phân chia cho AVG doanh thu dịch vụ 62,7 tỷ đồng… Và thực chất, lỗ luỹ kế của AVG đến 31/12/2016 là 1.909 tỷ đồng (trong khi số lỗ luỹ kế ở thời điểm 31/3/2015 là hơn 1.632 tỷ đồng).

“Việc thực hiện đầu tư dự án đã trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động viễn thông, làm sụt giảm lớn hiệu quả kinh doanh ngay từ năm 2016 và nhiều năm tiếp theo, trong đó lợi nhuận hoạt động tài chính năm 2016 giảm so với 2015 là 321,7 tỷ đồng. Đồng thời làm ảnh hưởng tiêu cực đến việc cổ phần hoá Mobifone”- TTCP đánh giá.

Không chỉ “làm ảo thuật” với báo cáo kết quả kinh doanh, mà ngay từ khi báo cáo đề xuất đầu tư nhận chuyển nhượng cổ phần, Mobifone đã báo cáo không trung thực, không đầy đủ, đánh giá không đúng thực trạng tài chính rất xấu của AVG, thậm chí còn đánh giá khả quan về tình hình tài chính, kinh doanh của AVG: “Từ năm 2012 đến năm 2014 thì doanh thu AVG tăng, lợi nhuận gộp đang tăng dần (dù đến nay vẫn đang lỗ kế hoạch), các chỉ số đều thể hiện sự tăng trưởng…”.

TTCP còn chỉ ra sự tuỳ tiện của Mobifone trong việc sử dụng tiền Nhà nước: Trong bản Thảo luận chuyển nhượng cổ phần ký với đại diện cổ đông AVG, Mobifone đã cam kết hỗ trợ tài chính cho AVG để trả các khoản nợ với tổng số tiền 1.093 tỷ đồng. Đây là khoản tiền AVG đã vay của Cty cổ phần An Viên (600 tỷ đồng) và của Chi nhánh Viettinbank Hà Nội (gần 500 tỷ đồng). Mặc dù cam kết này chưa được thực hiện nhưng TTCP đánh giá nội dung này không đúng với Dự án đã được Bộ Thông tin truyền thông (TTTT) phê duyệt.

Ngoài ra, Mobifone hạch toán các chi phí thực hiện dự án đầu tư vào chi phí quản lý hoạt động viễn thông với tổng số tiền 6,5 tỷ đồng đã gây thất thu ngân sách 1,3 tỷ đồng.

Một dấu hỏi khác cần được làm rõ đó là việc Mobifone sử dụng 100% nguồn vốn chủ sở hữu để mua cổ phần của AVG, trong khi phương án trình Bộ TTTT phê duyệt thì Mobifone chỉ bỏ 30% vốn chủ sở hữu, còn lại 70% đi vay. “Thời gian thanh toán hợp đồng chuyển nhượng cổ phần AVG chỉ diễn ra trong vòng 19 ngày (từ 28/12/2015- 15/1/2016) có biểu hiện không bình thường” - TTCP đặt nghi vấn.

Chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra

Ngày 19/3, nguồn tin từ Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kết luận của cơ quan này đối với thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG. Theo đó, hồ sơ thương vụ Mobifone- AVG đã hoàn tất và được chuyển sang cơ quan điều tra.

TTCP cho rằng, đây là vụ việc nghiêm trọng, đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, tài liệu thanh tra Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần AVG để xem xét, khởi tố điều tra, xử lý đúng pháp luật. Trước đó, tại Văn bản số 2398 của Văn phòng Chính phủ gửi tới TTCP, Bộ TT&TT, Bộ Công an, Mobifone và các cơ quan liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kết luận thanh tra về việc Mobifone mua 95% AVG.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích