Ba nhà mạng thu lợi nghìn tỷ: Siêu lỗ hổng quản lý Nhà nước

Thứ ba, 20/03/2018, 09:34
Vụ việc 3 nhà mạng Viettel, Mobifone và Vinaphone hưởng 16% số tiền từ đường dây đánh bạc online nghìn tỷ cho thấy, tồn tại một lỗ hổng lớn trong quản lý Nhà nước về việc sử dụng thẻ cào viễn thông làm trung gian thanh toán.

Thẻ cào điện thoại qua các nhà mạng dễ dàng biến thành tiền mặt.

Trong vụ án “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố”, cơ quan cảnh sát điều tra cho biết, tiền tham gia đánh bạc chảy qua 2 đường chính là cổng thanh toán (cả hợp pháp và bất hợp pháp) và hệ thống đại lý.

Điều tra bước đầu xác định, tổng số tiền đánh bạc nạp qua các cổng thanh toán là 9.583,2 tỉ đồng (342 tỷ đồng/tháng), trong đó, tiền từ thẻ cào viễn thông và thẻ game là 9.296 tỷ đồng, chiếm 97%. Doanh nghiệp viễn thông hưởng khoảng 1.402 tỷ đồng (tương đương 16% tổng giá trị thẻ viễn thông). Cơ quan điều tra cũng nhận định, các cổng trung gian thanh toán đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến.

Tại sao nhà mạng có thể hưởng lợi nghìn tỷ đồng từ một đường dây hoạt động phi pháp? Theo một chuyên gia về viễn thông, hiện nay tồn tại một lỗ hổng lớn trong công tác quản lý thanh toán bằng thẻ cào di động. Việc quản lý thẻ cào viễn thông được quy định tại Nghị định 25 hướng dẫn Luật Viễn thông. Tuy nhiên, nghị định này chỉ quy định thẻ cào viễn thông là một loại hàng hóa chuyên dụng mà không quy định thẻ cào viễn thông được phép dùng vào mục đích gì.

Cũng chưa có quy định về trách nhiệm của nhà mạng trong việc cung cấp thẻ cào viễn thông làm trung gian thanh toán. Trong khi đó, ngoài việc dùng để nạp tiền điện thoại, thẻ cào viễn thông đang được sử dụng là một kênh thanh toán trung gian cho nhiều hoạt động khác như thanh toán qua ví điện tử, nạp thẻ game, trong đó chủ yếu là dùng để nạp thẻ game.

Trước ý kiến của một nhà mạng cho rằng, họ “chỉ cung cấp kênh để nạp tiền vào tài khoản game thôi, đến đó là kết thúc vai trò. Còn việc khách hàng chơi bài, đổi thưởng ra, lấy tiền ra thì nhà mạng không chịu trách nhiệm. Cũng giống như một đơn vị cho thuê văn phòng, người thuê làm gì trong văn phòng đó thì người thuê phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, chứ không thể nói chủ nhà có trách nhiệm được”. Vị chuyên gia này cho rằng, vấn đề ở chỗ nhà mạng có thực tâm muốn giám sát hay không. “Anh ký hợp đồng, cung cấp dịch vụ (ở đây là thẻ cào) cho một đối tác, nhận phân chia của đối tác, anh phải biết dịch vụ của mình dùng để làm gì?”.

Đây cũng được coi là một lỗ hổng pháp lý vì Thông tư 24 về Quản lý cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng quy định, doanh nghiệp viễn thông phải chủ động từ chối, tạm ngừng hoặc ngừng kết nối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử chưa được cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản hoặc chưa thông báo cung cấp dịch vụ (các game online đánh bài không được Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cấp phép - PV).

Tuy nhiên, nhà mạng có thể dùng lý lẽ họ không biết thẻ cào của mình dùng cho thanh toán game vì họ không ký hợp đồng trực tiếp với công ty game mà qua một đơn vị trung gian. Vì thế, nếu không chứng minh được việc nhà mạng biết thẻ cào được sử dụng cho thanh toán game không phép thì không xử lý được.

Lãnh đạo một đơn vị có chức năng của Bộ TTTT cũng thừa nhận, việc thanh toán bằng thẻ cào viễn thông tồn tại một lỗ hổng lớn về hành lang pháp lý. Việc sử dụng thẻ cào viễn thông làm kênh thanh toán trung gian trong một số hoạt động là nhu cầu tự phát của thị trường những năm gần đây. Khung pháp lý hiện chưa theo kịp thực tế này.

Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ TTTT, Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, trong tháng 5/2018 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình và đề xuất biện pháp quản lý, xử lý đối với việc sử dụng các hình thức thanh toán trên internet.

Ai “quản” cổng trung gian thanh toán?

“Cổng thanh toán chỉ là một cách gọi - còn bản chất trong vụ việc đánh bạc này nó mở ra một đường link phần mềm để mua tiền ảo được lấy tiền thật”, một chuyên gia lĩnh vực thẻ (đề nghị không nêu tên) cho biết. Theo vị này, về bản chất, cổng trung gian thanh toán do các doanh nghiệp lập ra nếu đáp ứng đủ yêu cầu đều có quyền xin NHNN cấp phép làm trung gian thanh toán. Vấn đề cần làm rõ, đó là việc thanh toán qua cổng này NAPAS có biết không và có phối hợp gì với các doanh nghiệp kia không?

“Nếu là hoạt động thanh toán bình thường thì không sao, còn nếu có hợp tác rõ mục đích thì khi đó cũng phải chịu trách nhiệm.”, vị chuyên gia nhận định. Cụ thể hơn ông phân tích việc thanh toán qua Cổng thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) được cơ quan công an nhắc tới trong vụ việc này có thể hiểu nôm na là khi chủ tài khoản từ ngân hàng A muốn lấy thẻ hay tiền của doanh nghiệp từ tài khoản ngân hàng B thì phải đi qua Cổng thanh toán quốc gia do NAPAS quản lý làm trung gian để chuyển tiền liên ngân hàng.

Có hay không kẽ hở trong cấp phép cho các doanh nghiệp làm trung gian thanh toán? Theo một người trong cuộc, trong vụ đánh bạc này, ngoài lỗi của Bộ TTTT đã không quản chặt các nhà mạng để sử dụng sai mục đích thẻ cào, phần của NHNN nằm ở chỗ cơ quan quản lý đã không tách bạch các dịch vụ thanh toán trung gian (ví như cổng thanh toán, ví điện tử...) với các dịch vụ khác mà pháp nhân thanh toán trung gian đó cung cấp dẫn đến sự nhập nhằng giữa dịch vụ trung gian thanh toán và dịch vụ khác như kinh doanh thẻ cào, game...

Nguồn tin của PV cho biết, tới đây, NHNN đang cho “siết” lại hoạt động thanh toán.

Thu lợi nghìn tỷ và sự im lặng khó hiểu

Trước việc nhà mạng hưởng lợi nghìn tỷ từ hoạt động phi pháp, phóng viên Tiền Phong đã liên hệ và gửi câu hỏi qua email đến ba nhà mạng Viettel, Vinaphone và MobiFone. Tuy nhiên, đến nay chỉ một nhà mạng có câu trả lời (Tiền Phong đã đăng tải trong bài viết “Đường dây đánh bạc nghìn tỷ, nhà mạng hưởng lợi bao nhiêu?”), sau 1 tuần hai nhà mạng còn lại vẫn giữ thái độ im lặng.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích