Theo ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM: "Chúng ta cần bàn chuyện quản Uber và Grab chứ không nên bàn chuyện cấm".
Bàn chuyện quản, công bằng chứ không nên cấm
Ông này cho hay, với dự thảo mới nhất của Bộ GTVT vừa trình Chính phủ trong đó có những nội dung quản khá chặt Uber và Grab, nếu thực hiện được thì sẽ có sự cân bằng về điều kiện kinh doanh giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống mà lâu nay các hãng taxi truyền thống đấu tranh.
Theo các chuyên gia, thậm chí cả các hãng taxi truyền thống: không nên bàn chuyện cấm taxi công nghệ như Uber và Grab mà nên bàn chuyện quản lý thật tốt. |
"Làm sao cấm được, đó là sự phát triển tự nhiên của thị trường. Không chỉ Uber, Grab, sắp tới có thể nhiều hãng khác cũng áp dụng công nghệ. Nhưng câu hỏi đặt ra là làm sao tạo ra một cơ chế để cạnh tranh, làm thế nào để đảm bảo công bằng. Như vậy, anh nào phù hợp thị trường thì tồn tại, không phù hợp thì rút lui và từ đó tạo thành quy luật", ông Hỷ cho biết.
Ông này nhấn mạnh: Quan trọng nhất là Bộ GTVT cần phải tạo ra một sân chơi cho những hoạt động vận tải mà bản chất và điều kiện kinh doanh tương đồng.
Theo ông Võ Thành Nhân, Chủ tịch Hiệp hội taxi Đà Nẵng: Với Uber và Grab thì phải định danh, ta không quản lý được là do chưa định danh được họ là vận tải hay công nghệ.
Khi quy định họ là kinh doanh vận tải thì áp quy định như kinh doanh taxi truyền thống. Các doanh nghiệp taxi bức xúc và liên tục kiến nghị là vì môi trường kinh doanh, chứ chúng tôi không yêu cầu bảo hộ doanh nghiệp trong nước.
Còn theo ông Vũ Hà - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội: Xe kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ ngồi sử dụng công nghệ cần quản lý giống taxi. Vì thế mà hai năm nay, Sở GTVT Hà Nội đã nghiên cứu đưa ra nhiều quy định để làm sao quản lý loại hình taxi công nghệ, trong đó có Uber, Grab.
"Năm 2017, chúng tôi đã tham mưu cho UBND TP trình HĐND thông qua Nghị quyết trong đó có định hướng quản lý loại hình này. Chúng tôi khẳng định ứng dụng công nghệ là rất tích cực, tuy nhiên cần phải quản lý để hạn chế tiêu cực. Không thể thả nổi loại hình này, đặc biệt trong điều kiện giao thông của thành phố vẫn đang quá tải và thường xuyên xảy ra ùn tắc", ông Hà nói.
Phải mở rộng tư duy và không ai có quyền cấm, cản?
TS Đặng Quang Vinh - Phó ban Môi trường kinh doanh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW (CIEM) cho rằng: Câu chuyện của Grab, Uber, chúng ta đang nhìn dưới góc độ 2 công ty nước ngoài vào hoạt động tại thị trường Việt Nam. Vì vậy, chúng ta phải mở rộng quan điểm một chút, đừng nhấn mạnh vào Uber, Grab.
Ông Vinh nói thêm: Đây là hai công ty đại diện cho loại hình kinh doanh mới, nếu không có 2 công ty này thì sắp tới cũng sẽ có một số đơn vị thực hiện cách làm tương tự.
"Hiện Viettel cũng đã đầu tư vào một doanh nghiệp cũng có xây dựng phần mềm điều phối hoạt động vận tải như loại hình này và sắp tới chúng ta phải mở rộng quan điểm quản lý, coi đây là một hình thức kinh doanh mới so với hình thức kinh doanh cũ", ông Vinh nói.
Nếu cứ tiếp tục nhấn mạnh vào hai công ty này thì sẽ tạo ra quan điểm trong - ngoài. Như vậy sẽ hình thành ấn tượng không tốt về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Ông Vinh cho rằng: So quy định của Mỹ với ta, họ có thêm những quy định rõ ràng hơn về vấn đề trách nhiệm bảo hiểm. Các quy định khác thì tương đồng: Xe phải đảm bảo an toàn, người lái phải đảm bảo an toàn, phải đăng ký…
"Điều quan trọng hiện nay là những công nghệ đã làm biến đổi thị trường, phá vỡ thị trường cũ. Vì vậy, nên dựa trên những rủi ro mà nó có thể đem lại để điều chỉnh cho phù hợp. Chúng ta nên tư duy mở hơn một chút và có biện pháp phòng ngừa những rủi ro qua kinh nghiệm của những nước đi trước", TS Vinh nói.
Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico: "Không cấm được Grab, Uber". LS Đức cho rằng: Về cơ bản chúng ta đã biết nhưng vẫn còn một số thông tin nhắc về chuyện cấm Grab, Uber kinh doanh. Tôi khẳng định lại, điều này chỉ đúng vào thời điểm 5 - 7 năm trước. Đến giờ phút này không thể nói chuyện cấm nữa vì Hiến pháp 2013, đến 2014, Bộ luật Dân sự 2015 cũng đã quy định rõ.
"Bộ GTVT chẳng có quyền cấm, Hà Nội, Đà Nẵng chẳng có quyền gì cấm, Chính phủ không có quyền, Ủy ban Thường vụ không có quyền cấm, không có quyền hạn chế. Bộ luật Dân sự nói không được hạn chế quyền pháp nhân của cá nhân, chỉ có Quốc hội và luật mới có quyền cấm", LS Đức nói.
Theo ông này, nếu muốn cấm thì phải sửa luật giao thông, đồng thời chỉ được cấm trong 4 trường hợp: Có lý do gây ảnh hưởng đến an ninh - quốc phòng (trường hợp này chẳng có lý do gì về an ninh - quốc phòng); lý do về tính chất an toàn xã hội (rất có thể bám vào lý do này); lý do về đạo đức xã hội (chắc chắn không có đạo đức xã hội ở đây); lý do về sức khỏe cộng đồng (chắc chắn cũng không thể).
Trường hợp Quốc hội có cấm thì cũng phải thuyết trình lý do vì sao ảnh hưởng an toàn trật tự xã hội. Trật tự xã hội có vấn đề thì cấm nhưng tôi nghĩ rằng nếu cấm thì cứ cấm chứ chẳng hợp lý tý nào cả.
Theo Dân Trí