Thương vụ bán mình cho Grab đánh dấu kết thúc sự hiện diện của Uber ở thị trường Việt Nam cũng như Đông Nam Á. Ứng dụng Uber sẽ chính thức biến mất từ ngày 8/4.
Như vậy, sau gần 4 năm cạnh tranh quyết liệt nhưng không “ăn thua”, Uber đã rời khỏi thị trường và đổi lại sở hữu một lượng cổ phần không đủ chi phối (27,5%) tại Grab.
Trong khi các nhà quản lý một số nước, trong đó có Việt Nam đang loay hoay với câu chuyện “có hay không vi phạm cạnh tranh” trong thương vụ này thì thị trường ứng dụng gọi xe đang âm ỉ một cuộc chiến mới – hứa hẹn mức độ cạnh tranh rất gay gắt.
Một “ông lớn” trong ngành vận tải đó là Công ty cổ phần vận tải hành khách Phương Trang mới đây tuyên bố thay thế Uber khi quyết định đầu tư 100 triệu USD vào Vivu và đổi tên ứng dụng thành VATO.
Ứng dụng Vato trên Play Store. |
Theo tìm hiểu, điểm đáng chú ý mà ứng dụng gọi xe này có khác biệt so Uber, Grab đó là cho phép người dùng mặc cả với lái xe (giá tối thiểu VATO đưa ra).
Ngoài ra, hiện giá cước của VATO ở mức 8.500 đồng/km tương tự như GrabCar tuy nhiên mức chiết khấu với tài xế chỉ 20%. Trong khi đó, Grab hiện nay chiết khấu lên tới 25-30%.
Với một số yếu tố cạnh trạnh được cho là dễ chịu đối với cả người dùng và lái xe, VATO hứa hẹn là một đối thủ đáng gờm đối với ông lớn Grab trong cuộc đua giành thị phần. Dự kiến, VATO sẽ được ra mắt ngay trong tháng 4 này.
Một cái tên khác cũng được nhắc tới một cách đầy hứa hẹn đó là DiDi Việt Nam. Từ ứng dụng, người gọi xe sẽ nhìn thấy được vị trí các xe “DiDi Car”, “DiDi Taxi” hoặc “DiDi VIP” trên bản đồ, đặt lộ trình, hồ sơ lái xe, giá cước, chấm điểm lái xe... Ứng dụng này xuất hiện ở Việt Nam cách đây đúng 1 năm và đã thu hút được một lượng người dùng nhất định.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, lo ngại độc quyền khi Grab mua Uber có thể “chỉ đúng một phần”. Bởi trên thực tế đến nay, Việt Nam có 10 đơn vị cung ứng công nghệ kết nối vận tải hành khách có tính năng như Grab, Uber.
“Việc cạnh tranh của Uber, Grab không còn nữa nhưng vẫn còn các đơn vị khác cạnh tranh với Grab và tuân theo luật cạnh tranh…”, ông Đông cho biết.
Thực tế không chỉ có 10 đơn vị cung ứng công nghệ kết nối vận tải hành khách có tính năng như ông Đông cho biết, sắp tới, còn các “đại gia” khác ở khu vực như Lalamove, Go-jek cũng “đổ bộ” vào Việt Nam.
Âm ỉ từ năm ngoái và bắt đầu từ tháng 3/2018, thông tin hãng cung cấp dịch vụ vận chuyển Go-Jek của Indonesia tuyển dụng nhân sự ở Việt Nam, chuẩn bị cho việc thâm nhập thị trường 93 triệu dân, gây xôn xao trong giới công nghệ.
Tại Indonesia, cả Uber và Grab đã và đang phải cạnh tranh khốc liệt với Go-Jek. Hãng này được cho sẽ là một đối thủ cực kỳ đáng gờm đối với Grab sau khi chính thức vào Việt Nam. |
Taxi truyền thống vươn mình quyết đấu
Bên cạnh đó các hãng chuyên về ứng dụng gọi xe, một số hãng taxi như Thành Công, Taxi Group, Ba Sao, Mai Linh, Vinasun… đều có ứng dụng gọi xe.
Nhìn chung ứng dụng gọi xe của các hãng taxi này đều tương đối dễ sử dụng, tiện lợi cho thấy sự nỗ lực của taxi truyền thống trong việc vực dậy và giành lấy thị phần trên thị trường vận tải.
Một trong các đối thủ lớn của Grab hiện nay đó chính là Taxi Mai Linh, hãng này cũng đang trong quá trình tăng tốc trong cuộc đua giành thị phần trên thị trường ứng dụng gọi xe.
Mới đây sau khi Uber sáp nhập với Grab, đại diện hãng này cho biết đã có hàng trăm tài xế tìm đến đầu quân trong tuần qua. Hãng nói đã phải mở các lớp đào tạo cho lái xe vào cả thứ 7 và chủ nhật mới đáp ứng kịp số lượng tăng mạnh của tài xế.
Trong khi đó, một điểm khác biệt so với xe ôm công nghệ khác, Mai Linh Bike có dịch vụ đặt xe qua tổng đài (gọi số 1055 trên toàn quốc). Ngoài ra, Mai Linh còn nhận vận chuyển hàng hóa và dịch vụ đưa đón trẻ đến trường... khá thú vị.
Dự kiến trong thời gian tới sẽ có hàng loạt các hãng taxi công nghệ xuất hiện và chắc chắn rằng sẽ có cả nhiều hãng taxi ở nước ngoài du nhập vào Việt Nam, thị trường được đánh giá sẽ định vị lại, tăng sự cạnh tranh hơn rất nhiều.
Trong khi đó, về phía Grab, sau khi hoàn tất mua lại mảng dịch vụ của Uber, Grab sẽ trở thành dịch vụ gọi xe lớn nhất khu vực Đông Nam Á và có nhiều cơ hội để mở rộng hơn tại Việt Nam trong thời gian tới.
Theo Dân Trí