Tranh cãi chưa hồi kết về cáo buộc Syria dùng vũ khí hóa học

Thứ hai, 16/04/2018, 18:56
Mỹ và các nước đồng minh đã tấn công Syria với cáo buộc chính quyền Damascus sử dụng vũ khí hóa học. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề gây tranh cãi khi tính xác thực của bằng chứng do các bên đưa ra đều chưa được kiểm chứng.

Một người dân bị nghi hít phải khí độc tại Đông Ghouta, Syria (Ảnh: AFP)

Trong bài viết do RT đăng tải, nhà báo Eva Bartlett cho rằng Mỹ, Anh và Pháp đã bước qua luật pháp quốc tế khi tiến hành cuộc không kích bằng 103 tên lửa nhằm vào Syria hôm 14/4, sau khi tuyên bố có “bằng chứng” cho thấy chính quyền Syria đã sử dụng vũ khí hóa học khiến hàng chục người thiệt mạng. Bằng chứng này dựa trên những lời nói dối, theo Eva Bartlett.

Vụ không kích xảy ra chỉ một tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra một loạt tuyên bố và đăng những dòng bình luận giận dữ trên Twitter, trong đó cáo buộc Tổng thống Syria Bashar al-Assad chỉ đạo gây ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường ở thị trấn Douma, phía Đông thủ đô Damascus hôm 7/4. Vụ không kích cũng xảy ra không lâu trước khi các thanh tra viên về vũ khí hóa học của Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học (OPCW) tới Douma để tìm hiểu sự thật phía sau cáo buộc của phương Tây nhằm vào Syria.

Trong suốt thời gian qua, cả Mỹ và Anh đều nói rằng có “bằng chứng” Syria đã sử dụng vũ khí hóa học. Theo nhà báo Bartlett, những thứ gọi là “bằng chứng” này phần lớn là những đoạn video clip và những bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội do tổ chức Mũ Bảo hiểm Trắng được phương Tây bảo trợ và Yaser al-Doumani, một nhân vật trung thành với nhóm phiến quân Jaysh al-Islam, cung cấp.

Vào ngày 12/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis từng phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện rằng chính phủ Mỹ chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy các chất độc thần kinh sarin hay khí clo được phát hiện tại Syria và chính ông cũng cho biết đang tìm kiếm bằng chứng.

Nhận thấy các cáo buộc của phương Tây là không đúng sự thật và các nguồn cung cấp bằng chứng cũng không đáng tin cậy, Syria đã đề nghị OPCW ngay lập tức tới Syria để điều tra vụ việc. Theo đó, OPCW đã nhất trí cử một nhóm chuyên gia tới thủ đô Damascus hôm 14/4.

Tuy nhiên, thay vì đợi các chuyên gia của OPCW xác nhận bằng chứng cuối cùng, Tổng thống Trump đã quyết định không kích Syria đúng vào đêm trước khi nhóm chuyên gia tới Damascus. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã tìm cách biện minh cho hành động này của ông Trump, nói rằng “Tổng thống Mỹ có thẩm quyền theo Khoản 2 của Hiến pháp trong việc triển khai lực lượng quân sự tại nước ngoài để bảo vệ các lợi ích quốc gia của Mỹ”.

Theo nhà báo Bartlett, tuyên bố của ông chủ Lầu Năm Góc là “sai lầm”. Mỹ không được phép tấn công một quốc gia có chủ quyền. Và Nga cũng vậy. Trong tuyên bố phát đi ngày 14/4, Tổng thống Vladimir Putin cũng gọi cuộc không kích của Mỹ cùng các đồng minh là trái pháp luật.

Hình ảnh dàn dựng?

Các thành viên tổ chức Mũ bảo hiểm trắng sơ tán trẻ em sau trận không kích tại Syria

Trong một báo cáo của Lầu Năm Góc, Tướng Joseph Dunford đã nêu rõ các mục tiêu tấn công của Mỹ và các đồng minh tại Syria, cáo buộc các mục tiêu này “có liên quan tới chương trình vũ khí hóa học của chính quyền Syria”. Một trong số các mục tiêu này là trung tâm nghiên cứu khoa học Barzeh ở khu vực đông dân tại thủ đô Damascus. Tướng Dunford nói rằng trung tâm Barzeh có liên quan tới việc “phát triển, chế tạo và thử nghiệm công nghệ hóa học và sinh học trong chiến tranh”. 76 quả tên lửa đã được phóng để nghiền nát trung tâm này.

Theo Mudar Barakat, một người dân Damascus, mục tiêu mà Mỹ nhắm tới gồm rất nhiều tòa nhà với vị trí nằm rất gần với nơi ở của những người dân sống ở khu vực lân cận. Câu hỏi được đặt ra là nếu Mỹ phóng tên lửa hoặc ném bom vào mục tiêu này, liệu họ có thực sự cứu giúp người dân Syria khỏi mối nguy hiểm của vũ khí hóa học không, hay ngược lại, khiến thêm nhiều dân thường thiệt mạng.

Trong số các công trình bị Mỹ không kích với nghi ngờ là cơ sở vũ khí hóa học, hãng thông tấn SANA (Syria) cho biết Viện nghiên cứu Công nghệ hóa học và dược phẩm là nơi chuyên “chuẩn bị các thành phần để điều chế thuốc chữa ung thư”. Theo các lệnh trừng phạt của phương Tây, hoạt động bán thuốc chữa ung thư cho Syria bị cấm. Do vậy, việc Mỹ không kích viện nghiên cứu này đã gây tổn thất cho người dân Syria.

Said Said, một nhân viên của viện nghiên cứu trên, cho biết: “Nếu có vũ khí hóa học, chúng tôi không thể đứng ở đây như thế này. Tôi đã ở đây từ 5h30 sáng trong điều kiện sức khỏe bình thường. Tôi không hề ho”.

Trang web Moon of Alabama đã chỉ ra một số điểm thiếu nhất quán trong những đoạn video xuất hiện trên mạng xã hội liên quan tới cáo buộc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học. Đoạn video chiếu cảnh các nạn nhân ở thị trấn Douma, trong đó có nhiều trẻ em, được cấp cứu tại một cơ sở y tế sau một cuộc tấn công hóa học bằng cách dội nước lên cơ thể hay được phát thuốc chống ho. Theo trang web này, những hình ảnh được nhìn thấy trong đoạn video chỉ là dàn dựng.

Bộ Quốc phòng Nga cũng công bố cuộc phỏng vấn với một số nhân vật xuất hiện trong đoạn video khả nghi, trong đó có Halil Ajij - người làm việc tại cơ sở y tế.

“Chúng tôi không thấy có bất kỳ bệnh nhân nào có triệu chứng nhiễm độc vũ khí hóa học”, ông Ajij nói.

Nghi vấn phiến quân

Lính cứu hỏa dập lửa bên trong trung tâm nghiên cứu khoa học tại Damascus sau trận không kích của liên quân Mỹ, Anh, Pháp hôm 14/4 (Ảnh: Reuters)

Theo Max Abrahms, chuyên gia về chủ nghĩa khủng bố và bạo lực chính trị, đồng thời là giáo sư tại Đại học Northeastern, một chính quyền chỉ sử dụng vũ khí hóa học để tấn công người dân khi bị thất bại trên các mặt trận và nhận thấy rằng nguy cơ bị lật đổ đang cận kề. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay tại Syria hoàn toàn ngược lại.

“Tổng thống Assad không thua, ông ấy đang giành chiến thắng. Cuộc nội chiến không còn căng thẳng… Chính quyền Syria cũng không còn tuyệt vọng nữa”, chuyên gia Abrahms nhận định.

Ông Abrahms cho rằng quân đội Syria sẽ không bao giờ “tự bắn vào chân mình” khi tấn công người dân bằng vũ khí hóa học vì điều đó chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Theo ông, những người đứng sau vụ tấn công này có thể là phe nổi dậy hòng đổ vấy cho chính quyền Tổng thống Assad.

Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Maged Botros, chủ nhiệm khoa khoa học chính trị tại Đại học Helwan ở Cairo, tin rằng chính quyền Syria đang giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ ở những khu vực từng bị mất trước đây.

“Đó là chiến thắng áp đảo. Tại sao chính quyền Syria phạm phải tội ác chiến tranh làm gì? Không có lý do nào phù hợp cho điều này”, ông Botros nói.

Theo Ammar Waqqaf, giám đốc viện nghiên cứu về Trung Đông Gnosos tại Anh, nhóm phiến quân Jaysh al-Islam là phe duy nhất tại Syria từng thừa nhận sử dụng vũ khí hóa học từ hai năm trước ở Aleppo, vùng Sheikh Maqsood. Ông Waqqaf cho rằng phiến quân đã gây ra vụ việc này để buộc NATO đưa máy bay ném bom tới các căn cứ của quân đội Syria, hoặc ít nhất cũng cử một đơn vị điều tra tới Syria, từ đó trì hoãn quá trình đầu hàng ở Đông Ghouta, tạo điều kiện để phiến quân rút lui với điều kiện tốt nhất.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn