|
Tổng thống Trump bắt tay Thủ tướng Abe trong cuộc họp báo tại Vườn Hồng, Nhà Trắng hôm 7/6 (Ảnh: AFP) |
Năm ngày trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore, Tổng thống Donald Trump đón Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Nhà Trắng. Trong cuộc họp báo chung giữa hai nhà lãnh đạo hôm 7/6, Tổng thống Trump cho biết ông “chắc chắn” không gặp bất kỳ vấn đề gì khi đón tiếp nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Mỹ, thậm chí sẵn sàng đón nhà lãnh đạo Triều Tiên tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago xa hoa của gia đình ông ở bang Florida nếu ông Kim Jong-un không muốn đến thủ đô Washington. Mar-a-Lago cũng là nơi ông Trump từng đón tiếp nhiều lãnh đạo cấp cao, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản.
Theo Vox, đây là tuyên bố đáng chú ý của Tổng thống Trump. Các nhà lãnh đạo Mỹ thông thường chỉ dành nghi thức đón tiếp tại Nhà Trắng cho các đồng minh then chốt hoặc bạn bè quan trọng. Tuy vậy, Tổng thống Trump vẫn tuyên bố đón ông Kim Jong-un tại Nhà Trắng và không thấy có vấn đề gì từ động thái bất thường này.
“Tôi nghĩ chuyện đó có thể xảy ra”, ông Trump nói với các phóng viên.
Mặc dù vậy, tuyên bố “gây sốc” trên chưa phải là tất cả. Tại cuộc họp báo, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết ông “chắc chắn” muốn chứng kiến quá trình bình thường hóa với Triều Tiên.
Giới chuyên gia cho rằng việc “bình thường hóa” quan hệ với Mỹ là điều Triều Tiên mong muốn từ nhiều năm nay vì nó sẽ “hợp thức hóa” chính quyền Kim Jong-un trong mắt cộng đồng quốc tế và thừa nhận Triều Tiên như một quốc gia bình đẳng. Năm 2005, Triều Tiên từng cam kết từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ.
Một trong những cách mà Tổng thống Trump có thể làm để cải thiện quan hệ với Triều Tiên là ký tuyên bố chung chấm dứt chiến tranh Triều Tiên trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào tuần tới. Cuộc chiến này mới chỉ kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến từ năm 1953, thay vì ký hiệp ước hòa bình giữa các bên. Do vậy, về mặt kỹ thuật Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Việc chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên là biểu tượng mang ý nghĩa rất lớn, có thể dẫn tới việc kết thúc các hành động thù địch trên bán đảo Triều Tiên.
Nếu Tổng thống Trump có thể ký một hiệp ước hòa bình với Triều Tiên, đây sẽ là điều mà Bình Nhưỡng rất chờ đợi. Theo Lầu Năm Góc và Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Triều Tiên luôn lo lắng về nguy cơ xâm lược của lực lượng do Mỹ dẫn đầu nhằm lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Do vậy, ông Kim Jong-un vẫn luôn chần chừ trong việc từ bỏ chương trình hạt nhân vì cho rằng vũ khí hạt nhân là biện pháp răn đe giúp ông đối phó với nguy cơ xâm lược của nước ngoài.
“Gây sức ép tối đa”
|
Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un |
Cũng trong cuộc họp báo với Thủ tướng Nhật Bản, Tổng thống Trump đề cập tới cụm từ “gây sức ép tối đa”. Nhằm làm rõ một tuyên bố được đưa ra trước đây rằng Mỹ sẽ nới lỏng chiến dịch gây sức ép với Triều Tiên, ông Trump cho biết chiến dịch gây sức ép tối đa với Bình Nhưỡng “hoàn toàn phát huy hiệu quả” và việc sử dụng cụm từ này là không phù hợp trong bối cảnh quan hệ song phương đang được cải thiện.
“Chúng tôi hiện không sử dụng cụm từ này (gây sức ép tối đa) vì chúng tôi sắp bước vào một cuộc đàm phán thân thiện. Mọi người sẽ hiểu cuộc đàm phán thành công đến đâu nếu nghe thấy tôi nói rằng “chúng ta sẽ tiếp tục gây sức ép tối đa”. Đó là lúc mọi người nhận ra rằng cuộc đàm phán đã không diễn ra như mong đợi”, Tổng thống Trump nói trước các phóng viên.
Chính quyền Trump từng áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt lên Triều Tiên và xem đây là một phần trong chiến dịch “gây sức ép tối đa”. Mục tiêu của biện pháp này là nhằm siết chặt Triều Tiên về kinh tế khiến chính quyền Kim Jong-un không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Trump đã ngừng sử dụng cụm từ “gây sức ép tối đa” từ hồi tháng 5 sau khi ông chắc chắn sẽ gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un, dù lúc đó Mỹ vẫn chưa dỡ bỏ bất kỳ biện pháp trừng phạt nào với Triều Tiên. Nếu hội nghị thượng đỉnh thất bại, rất có thể Tổng thống Trump sẽ tiếp tục nhắc lại cụm từ này.
Theo Ankit Panda, chuyên gia về Triều Tiên và là biên tập viên cấp cao của tạp chí Diplomat, cuộc họp báo của ông Trump tuy ngắn ngủi nhưng hàm chứa nhiều thông điệp. Chuyên gia Panda cho rằng Tổng thống Trump dường như đang cho đi quá nhiều mà chưa nhận lại tương xứng.
Hiện chưa rõ hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều sẽ nhất trí những điều gì tại Singapore, song cho đến nay ông Kim Jong-un vẫn chưa đưa ra nhiều đề xuất. Điều này ngược lại với Tổng thống Trump.
Cuộc họp báo cho thấy Tổng thống Trump không chỉ thể hiện lập trường thân thiện quá mức với nhà lãnh đạo Kim Jong-un mà còn đưa ra một số nhượng bộ. Hồi tháng trước, Mỹ đã giảm quy mô của cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc để tránh làm phật lòng Triều Tiên.
Về phía Triều Tiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông Kim Jong-un sẽ hạn chế kho vũ khí hạt nhân của nước này. Hồi tháng trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên đồng ý phá hủy khu thử hạt nhân duy nhất và tuyên bố dừng các vụ thử vũ khí. Tuy nhiên, những động thái này được cho là không ảnh hưởng nhiều tới năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Theo Dân Trí