|
Một cây bồ đề cổ thụ chuẩn bị “hạ sơn” |
Thú chơi lộc vừng, si... bùng lên trong một giai đoạn cách đây vài năm khiến giới cây cảnh phát cuồng săn tìm, mua bán. Và cũng “tụt” thật nhanh như lúc bùng lên, nhiều gốc cây này cách đây vài năm có giá hàng trăm triệu đến cả tỉ đồng nay để lăn lóc, giá chỉ vài chục triệu song cũng chẳng mấy ai hỏi đến. Thú chơi… hại rừng bắt đầu lan sang các loại si, đa, sộp cổ thụ mà Tây nguyên như một “mỏ” cây phục vụ cho vốn thẩm mỹ tai hại này.
Làm sang… hại rừng
Liên quan đến vận chuyển trái phép cổ thụ, Hạt Kiểm lâm H.Kông Chro (Gia Lai) từng xử phạt vi phạm hành chính một cá nhân với mức 1,5 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển gốc cây đa cổ thụ không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Khi tiến hành xác minh thì gốc cổ thụ này được xác định là của ông Đinh Blyưch (ngụ tại làng Brưl, xã Chơ Long, H.Kông Chro) đào trong vườn nhà để bán. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không cung cấp được giấy tờ hợp pháp. Song, sau khi bổ sung giấy tờ, cây cổ thụ này đã ung dung vượt “các ải” kiểm tra để đến một resort ở miền Trung.
Cây bằng lăng được di thực về trồng ở nhà dân H.Chư Pah |
Tháng 7.2017, lực lượng chức năng H.Mang Yang (Gia Lai) cũng phát hiện một số người đang huy động xe máy múc, xe cẩu chuyên dụng công suất lớn để đào bới, vận chuyển 2 cây trâm đỏ cổ thụ tại khu vực làng Dơ Nâu, xã Kon Thụp. Qua xác minh, 2 cây trâm đỏ cổ thụ nằm trên khoảnh đất của ông Vôch (ngụ làng Dơ Nâu) đã được UBND H.Mang Yang cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2002. Theo trình bày của người mua là ông K.M.P (ngụ tại xã Xuân Sơn, H.Sơn Tây, Hà Nội) thì ông mua 2 cây trâm này vận chuyển ra Hà Nội để làm cây bóng mát. Và chỉ với mức xử phạt hành chính ít ỏi, 2 cây trâm này được đưa lên xe Bắc tiến.
Từ phản ánh của người dân, chúng tôi từng chứng kiến gần trụ sở UBND xã Ia Ka, H.Chư Păh (Gia Lai) một cây bằng lăng khoảng 2 người ôm, thân cây cao khoảng 7 - 8m vừa được di thực về trồng sát bên đường. Thế nhưng, khi hỏi về nguồn gốc cây cổ thụ này thì sau một hồi kiểm tra, xác minh, lãnh đạo UBND xã Ia Ka thông tin sơ sài: Cây bằng lăng trên được một hộ dân gần xã mua của người dân địa phương trên địa bàn. Còn người này tên gì, ở đâu thì địa phương không rõ.
Mới đây, lực lượng tuần tra kiểm soát của Phòng CSGT Gia Lai phát hiện vụ vận chuyển 3 cây đa cổ thụ (đường kính mỗi cây gần 1m) từ H.Đức Cơ (Gia Lai) ra miền Trung và báo cho lực lượng kiểm lâm tỉnh này. Song khi kiểm tra, Nguyễn Tuấn Anh (36 tuổi, ngụ tại Kon Tum) là tài xế chở số cây này trưng ra những giấy tờ hợp lệ và cho biết đã bị Hạt Kiểm lâm H.Đức Cơ giữ lại 2 ngày để xác minh. Cuối cùng, những gốc đa trăm tuổi này lại tiếp tục hành trình về miền Trung, phục vụ cho thú chơi của các đại gia.
Tiếp đó, một chuyến xe chở cây cổ thụ trăm tuổi cũng có giấy tờ… hợp lệ xuất phát từ địa bàn H.Chư Pah (Gia Lai) và đích đến vẫn là các tỉnh miền Trung, phía Bắc.
Cách đây chưa lâu, dư luận cả nước rộ lên chuyến xe hoành tráng chở 3 cây đa sộp cổ thụ từ tỉnh Đắk Lắk vượt cả ngàn ki lô mét ra Bắc. Cụ thể, xe đầu kéo BS 73C-034.64 chở cây xuất phát từ TP.Buôn Ma Thuột lưu thông xuống Khánh Hòa theo QL26 rồi ra Bắc. Dù xe chở cây khủng nghênh ngang chạy trên đường, nhưng phải đến địa phận Thừa Thiên-Huế mới bị xử lý vì chở quá khổ, quá tải.
Vẫn “kịch bản” cũ: nguồn gốc của cây hoàn toàn đúng pháp luật. Cơ quan kiểm lâm bó tay.
Dĩ nhiên, đó chỉ là phần ngọn, bởi lẽ có thể những cây này được di thực từ rừng về trồng ở vườn nhà một thời gian, sau đó chủ vườn xin giấy vận chuyển từ cơ quan chức năng và đào lên, chở đi.
Ông Dương Hoàng Nguyện, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Chi cục Kiểm lâm Gia Lai, cho biết: “Nhiều cây cổ thụ được đồng bào trồng từ lâu trong các nhà mả hay ở một khu vực nào đó của làng từ lâu đời. Họ không chặt phá vì tín ngưỡng hay vì cây tỏa bóng mát là nơi tụ họp của dân làng. Ý thức bảo vệ đó khiến cây trở thành cổ thụ. Việc “chảy máu” cổ thụ là có. Nhưng khi chúng tôi phát hiện, kiểm tra trong quá trình chuyên chở thì giấy tờ hoàn toàn hợp lệ nên buộc phải cho đi”.
Một vụ vận chuyển cổ thụ về xuôi |
Ngăn chặn “chảy máu” cổ thụ
Cách đây vài năm, ngành chức năng Gia Lai phát hiện một vụ vận chuyển trái phép 2 cây cổ thụ ở H.Đăk Đoa. Trong khi chờ xử lý theo đúng quy trình, địa phương đã đem 2 cây này vốn đang là tang vật của vụ việc về trồng trong khuôn viên của UBND tỉnh Gia Lai. Việc xử lý vội vàng nhưng phần nào đã cứu cổ thụ vì nếu để lâu cây sẽ chết. Nhưng cuối cùng chỉ còn một cây sống sót.
Mua tiền chục, bán tiền trăm
Trước cơn sốt cổ thụ, nhiều đầu nậu tỏa đi các địa phương săn tìm. Nguyễn Văn H., một đầu nậu, cho biết: “Có không ít khách hàng ở miền Trung, phía bắc hỏi em để mua cây nhưng nguồn cung cũng không đáp ứng đủ. Nói chung có nhiều cách hợp lý hóa thủ tục để vận chuyển nhưng quan trọng là phải đủ thủ tục. Bị “vịn” cái là tiền mất, tật mang ngay. Cứ mỗi cây chuyển đi, em lời cả trăm triệu ngon ơ! Mua vài chục nhưng bán hơn cả trăm triệu thì buôn gì lời bằng. Đa, sộp, trâm... cổ thụ là những loại đang hút hàng”.
|
Trước tình trạng “chảy máu” cổ thụ về xuôi, tỉnh Gia Lai đã từng có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát ngay tại từng địa phương, địa bàn để kịp thời ngăn chặn, xử lý việc di thực trái phép cổ thụ. Quyết liệt là vậy song vẫn chưa ngăn chặn được triệt để.
Mới đây, chốt kiểm tra lâm sản Song An, TX.An Khê (Gia Lai) phát hiện vụ vận chuyển trái phép 33 cây gỗ giáng hương (nhóm I) để di thực ra khỏi tỉnh và đã xử phạt ông Nguyễn Văn Vỹ (ngụ tại H.Duy Tiên, Hà Nam) 25 triệu đồng vì hành vi “mua lâm sản trái phép”. Đến nay nguồn gốc của số giáng hương này vẫn “bặt vô âm tín”. Đây chỉ là số ít vụ vận chuyển cây rừng, cây cổ thụ trái phép mà lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
Cổ thụ Tây nguyên thường có ở trong những khu nhà mả tuổi đời cả trăm năm hoặc nằm ở trong những cộng đồng làng, rẫy của người bản địa. Số này đang ít dần trước thú chơi sưu tầm cổ thụ ở miền xuôi. Vì thế, việc tập trung nhiều gốc cổ thụ trong một khu vườn nhà là điều bất thường. Dẫu vậy, ngành chức năng vẫn chưa kiểm tra kỹ cây có trong vườn nhà hay di thực về vườn nhà trong một thời gian, sau đó hợp lý hóa thủ tục để bán ra bên ngoài thu lợi.
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Gia Lai, nói: “Đúng là có tình trạng vận chuyển cổ thụ ra khỏi địa bàn về xuôi. Nhưng cái này cũng phải kiên quyết. Một khu vườn rẫy có nhiều cây cổ thụ hoặc trong vườn nhà có nhiều cây cổ thụ cũng phải đặt vấn đề nghi ngờ, kiểm tra. Không loại trừ việc di thực trái phép từ đâu về, sau đó hợp lý hóa là cây có trong đất rẫy, đất vườn để buôn bán, vận chuyển đi. Chỗ nào kiểm tra không kỹ, không chắc khi phát hiện phải kiên quyết xử lý nghiêm”.
Theo Thanh Niên