|
Túi xách nhái được bày bán tại chợ ở Bắc Kinh tháng 6/2006. Ảnh: AFP. |
Khi Tổng thống Mỹ Trump áp thêm thuế với hàng hóa Trung Quốc, Lulu, 32 tuổi, nghĩ về số tiền sẽ kiếm được và mỉm cười. Đây là thời điểm tốt cho "ngành" kinh doanh túi xách nhái.
Hàng nhái của các thương hiệu nổi tiếng như Coach hay Kate Spade chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc và đến bờ biển Mỹ thông qua các kênh bí mật để né tránh các nhà chức trách. Trong khi đó, hàng thật, cũng được gia công tại Trung Quốc, được vận chuyển thông qua các tuyến đường chính thức sẽ phải đối mặt với mức thuế 10% mà Trump áp với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 24/9.
Khách hàng đến gian hàng chật chội của Lulu tại chợ Tơ lụa 7 tầng của Bắc Kinh để mua những chiếc túi Coach nhái với giá rẻ hơn một nửa. Cô cho biết hàng hóa đến từ một địa điểm ở tỉnh Quảng Đông. "Không trung gian" và không có thuế, cô nói, theo Washington Post.
Nếu giá của túi hàng hiệu trên thị trường quốc tế tăng vì thuế quan, Lulu dự đoán việc đó sẽ có lợi cho hàng nhái của Trung Quốc. "Nhiều người sẽ nghĩ: Sao không mua một cái túi ở đây nhỉ?".
Các nhà thiết kế thời trang Mỹ và giới chức toàn cầu đang lo lắng do các công ty Mỹ đã thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm vì hàng nhái. "Một khoản thuế đánh vào túi chính hãng là một khoản trợ cấp cho hàng nhái", Susan Scafidi, luật sư ở New York nhận xét.
Hơn 85% túi nhái trên thế giới có nguồn gốc từ Trung Quốc đại lục và Hong Kong. 1/5 hàng giả trên toàn thế giới liên quan đến thương hiệu Mỹ.
Khi giá hàng thật tăng, người mua sắm có thu nhập trung bình dễ có tâm lý chuyển sang dùng hàng nhái, đặc biệt là khi việc tìm kiếm hàng nhái trên mạng rất dễ dàng.
Một người bán hàng nhái Trung Quốc giấu tên nói rằng cô kiếm được 730 - 1.200 USD mỗi tháng. Đó là khoản thu nhập khá ở đất nước mà người lao động kiếm được trung bình 8.250 USD mỗi năm, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới. Hầu hết khách hàng sẽ không chi hơn 150 USD cho một chiếc ví nhái, Lulu cho biết.
Lauren Everett, tiếp viên hàng không 29 tuổi đến từ London, đã đến chợ Tơ lụa vào một buổi chiều để xem hàng. Thông thường, cô không tìm hàng nhái, nhưng cô đôi khi không thể cưỡng lại được sức hấp dẫn của bản sao một chiếc túi tote Pháp rẻ hơn hàng thật rất nhiều.
Cách đó hơn 11.000 km, nhà thiết kế túi xách New York Rebecca Minkoff tháng trước gửi cho đại diện thương mại Mỹ văn bản nói rằng thuế quan của Trump sẽ làm tổn hại thương hiệu của mình, vốn nổi tiếng với những chiếc túi đeo chéo có giá từ 150 USD trở lên.
Minkoff viết rằng mức thuế mới "sẽ chỉ làm lợi cho những nhân tố xấu trong kinh tế Trung Quốc, những người đặt ra mối đe dọa cho doanh nghiệp bằng cách sử dụng thương hiệu của chúng tôi".
Nhà kinh tế Vincent Wenxiong Yao cũng đồng tình với nỗi lo ngại của Minkoff. "Khi giá hàng thật tăng thì nhu cầu hàng nhái cũng tăng", Yao viết. "Đó là hiệu ứng thay thế".
Tăng giá là điều không thể tránh khỏi nếu các doanh nghiệp chịu mức thuế thông quan cao hơn, Brent Cleaveland, giám đốc điều hành Hiệp hội Thời trang và Trang sức, đại diện cho 225 công ty Mỹ, nhận xét. "Bất kỳ gián đoạn nào của chuỗi cung ứng cũng chắc chắn làm tăng chi phí".
Cuối tháng 8, Mỹ thông báo họ đã tịch thu đủ túi nhái từ Trung Quốc để chất đầy 22 container vận chuyển. Giới chức ước tính số hàng này có thể khiến các công ty Mỹ thiệt hại gần 500.000 USD.
Bắc Kinh cam kết rằng họ sẽ triệt phá đường dây làm hàng nhái, xử lý các trang thương mại điện tử nếu họ không xóa hàng nhái được đăng bán trên trang. Các quan chức cũng thường xuyên kiểm tra các cửa hàng bán lẻ truyền thống. Tuy nhiên, nhà kinh tế học Yao chỉ ra rằng họ không nghiêm túc xử lý vì đó là kế sinh nhai của những người bán hàng địa phương. Hơn nữa, các tiểu thương biết cách giấu hàng hóa.
Đó là trường hợp xảy ra vào tháng này tại chợ Hồng Kiều ở Bắc Kinh, một điểm nóng của hàng nhái. Khi hàng trăm đại biểu châu Phi đến thăm Bắc Kinh để dự hội nghị thượng đỉnh kinh tế, những người bán hàng cho biết giới chức đi kiểm tra gắt gao nên họ không được trưng bày hàng hóa.
Thay vào đó, họ dẫn người mua đến những căn hộ tại một con hẻm gần đó để cho họ xem hàng. Họ khuyến khích du khách nước ngoài chia sẻ tài khoản mạng xã hội của họ với bạn bè ở quê nhà.
Họ rất vui khi nhận các đơn đặt hàng quốc tế.
Theo VNE