|
Độc đạo dốc đứng lên “thánh địa sâm” |
Hơn hai thập kỷ trước, khi trở thành phóng viên báo Tiền Phong đầu tiên trên Tây Nguyên, tôi đã được biết tới công dụng tuyệt vời của sâm Ngọc Linh.
Thuở ấy công tác ngang dọc liên tỉnh, thậm chí xuyên Việt bất kể nắng mưa với chiếc xe máy “cánh én” cà tàng, tôi cùng đồng nghiệp thường phóng xe mỗi ngày vài trăm cây số. Lắm khi việc gấp, chỉ cần ngậm một đốt sâm Ngọc Linh đắng, dịu ngọt hậu, là có thể tỉnh táo chạy suốt từ sáng tới chiều không nghỉ, không đói, cũng chẳng mệt mỏi chút nào.
Ngày càng nhiều người biết rõ công dụng đa năng của loài sâm đặc hữu nên ráo riết săn lùng. Sâm Ngọc Linh từ chỗ “nhiều như khoai” trở nên khan hiếm. Mỗi nhóm trai làng cả chục người phải lội bộ cả ngày khắp núi gần rừng xa mới đem về được vài lạng củ. Tuy vậy, dịp công tác “ba bốn cùng” nào về thôn làng vùng sâu, chúng tôi cũng được đồng bào yêu quý dúi cho những củ sâm Ngọc Linh to nặng, mắt dày tới đôi ba chục năm tuổi. “Nhà báo phải đi nhiều, viết nhiều, dùng sâm này ngâm rượu uống thì không sợ đi mỏi cái chân, viết mỏi cái tay nữa”.
Cũng nhờ vậy, mà “hầm rượu” nhà tôi thêm phần “số má”. Anh em bạn bè đồng nghiệp Bắc vào Nam ra ai cũng thích ghé chơi. Cứ tì tì xoay vòng cả chục hũ rượu ngâm các loại, kẻ ngà ngật nào chưa say sẽ được thưởng một, hai ly rượu óng vàng thơm ngát chiết từ bình sâm Ngọc Linh, chiêu vào lại tỉnh như sáo. Ngoài nhiều cuộc rượu lai láng thơ ca, còn có những đêm quây quần nghe mấy cụ về hưu kể chuyện thời kháng chiến kém dinh dưỡng thiếu thuốc men, loại sâm đốt trúc Khu 5 tốt như thần dược này đã cứu mạng biết bao thương binh sức cùng lực kiệt.
Lần nọ nhóm văn thi sĩ Hà thành “đi chơi với gió” khuya lắc khuya lơ lẻn khỏi khách sạn Đam San tới gõ cửa, lấy cớ “kiểm tra” củ sâm Ngọc Linh liệu có thật “danh bất hư truyền”?! Mấy hôm sau báo “Văn nghệ già” xuất hiện một bút ký dài thậm thượt về phép thưởng rượu của Nguyễn Việt Hà - chàng cán bộ ngân hàng tài hoa vừa hiện hình nhà văn lừng danh sau tiểu thuyết “Cơ hội của Chúa”. Trong bút ký, Nguyễn Việt Hà hào hứng luận về tục tửu, tiên tửu, hưng phấn khen ai chưa đến hầm rượu nhà tôi thưởng thức cho được món tiên tửu Ngọc Linh nhớ đời, hẳn chưa hiểu hết Tây Nguyên ...
Tiếng lành đồn xa, dân tình ào ào lùng mua sâm Ngọc Linh. Khi đó, giá củ sâm Ngọc Linh vài trăm nghìn đồng một ký phơi khô, đong đầy 1 rổ. Vì nguồn sâm Ngọc Linh tự nhiên tàn lụi, đám lừa đảo cơ hội mọc lên, nên nhiều người chuốc lấy vị đắng không phải từ sâm, mà từ củ Tam thất giả sâm từ bên kia biên giới phía Bắc tràn vào, ai không rành khó phân biệt được. Thậm chí bọn bất lương còn lừa bán cho khách loại sâm Ngọc Linh đã ngâm rút hết tinh chất, trơ “xác không hồn”, luồn thêm đinh sắt vào lõi củ cho nặng.
Hai anh em Hoàn-Hảo chủ vườn sâm Ngọc Linh |
Đường lên “thánh địa” vút cao
Hiếm người biết vào những năm tháng đó, chàng trai Trần Hoàn quê Hà Nam sinh năm 1975 đã sớm nhìn thấy loài sâm đặc hữu của vùng núi cao này đứng trước mối nguy tuyệt chủng. Anh lặn lội khắp rừng sâu núi thẳm tìm cách nhân giống sâm Ngọc Linh, liên kết với đồng bào tạo dựng vùng sâm nơi phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng. Sau nhiều năm tháng kiên trì gây dựng, tới nay, Trần Hoàn không chỉ trở thành chủ vườn sâm Ngọc Linh lớn nhất nước, mà còn là ân nhân của hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc Xê Đăng nghèo sống quanh rặng núi cao nhất Bắc Tây Nguyên, quanh năm mây phủ.
Sau vài lần hẹn sẽ sắp xếp với các báo đài muốn tận mắt chứng kiến vườn sâm, lãnh đạo Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum mới chốt được thời điểm đưa ra lời mời. Sáng Chủ nhật 16/9/2018, hàng chục chiếc ôtô gầm cao biển số nhiều tỉnh thành nối nhau rời phố núi Kon Tum trực chỉ vương quốc sâm Ngọc Linh.
Cách thành phố Kon Tum 110km, con đường nhựa chạy qua 3 huyện hẹp dần, đa phần lên dốc ngoằn ngoèo chót vót, mỗi lúc một cao hơn. Nắm chắc vô lăng, tài xế Dương Tuấn đến từ Đắk Lắk than chưa từng lái trên chặng đường nào liên tục lên cao, dốc gắt thế này. Đã có chiếc Ranger 2 cầu hụt hơi, hỏng máy, phải bỏ cuộc giữa chừng.
Lên tới bình độ 2.000 mét, khí hậu trở nên mát lạnh, mây xanh thẳm, nắng trong veo. Qua nhiều chốt gác và lớp cổng bảo vệ nghiêm ngặt vườn sâm mới hiện ra trước mắt chúng tôi dưới tán rừng sẫm biếc. Bước qua những bậc thang thô sơ lập tức thấy ngay vườn ươm giống với hàng triệu cây sâm non mơn mởn xếp ken chặt trên giàn. Phủ kín các sườn núi thoai thoải chập chùng, là hàng vạn luống sâm đang vào mùa rụng lá, ngủ yên trong vòm che kỹ lưỡng dưới tán rừng già tĩnh lặng, đi hoài chưa thấy đâu là điểm cuối. Cánh phóng viên ai cũng ngỡ ngàng, trầm trồ trước quy mô đầu tư quá lớn và bài bản của “thánh địa Sâm” độc nhất vô nhị.
Giản dị thư sinh trong màu áo sơ mi chẳng khác gì nhóm phóng viên trẻ, cả hai anh em Trần Hoàn (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum), và Trần Hảo (Phó tổng giám đốc Công ty) thân chinh dẫn các phóng viên “mục sở thị” vườn sâm “quốc bảo” và cởi mở kể chuyện “cứu Sâm” cho chúng tôi nghe. Chuyện rằng, ...
Sáng 6/9/2018, tại TP.Kon Tum, trên diễn đàn hội nghị “Đầu tư phát triển Sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định Sâm Ngọc Linh xứng đáng được gọi là quốc bảo, có thể giúp quốc tế biết nhiều hơn nữa về một Việt Nam vẫn còn ẩn chứa những giá trị to lớn, cần được khám phá. Thủ tướng khẳng định đầu tư vào sâm Ngọc Linh có thể thành “quốc kế dân sinh”, nhằm phát triển đúng hướng ngành dược liệu và thực phẩm chức năng, hiện là lĩnh vực cạnh tranh quyết liệt giữa những quốc gia tiên tiến như Nhật- Hàn - Trung- Mỹ... |
Theo Tiền Phong